Pétrus Ký, thăng trầm trong dòng lịch sử

Pétrus Ký, thăng trầm trong dòng lịch sử

Ngọc Lễ

Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

Lịch sử có những nhìn nhận khác nhau về công trạng của Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký (1837-1898), một nhà bác học về ngôn ngữ vốn được xem là người có công phổ biến chữ Quốc ngữ thành chữ viết của người Việt và là ông tổ của nghề báo và văn xuôi chữ Quốc ngữ. Ông đồng thời cũng là quan chức tận tụy phục vụ cho người Pháp tại Việt Nam, và được người Pháp thưởng huân chương Ngũ đẳng Bắc đẩu Bội tinh.

Vào thứ Bảy ngày 8/12, tại miền Nam California sẽ diễn ra cuộc triển lãm và hội thảo về Trương Vĩnh Ký để ‘xét lại’ những điều ‘không công bằng’ về cuộc đời và sự nghiệp của ông, theo các nhà tổ chức.

Còn ở trong nước, hồi năm 2017, tác phẩm ‘Nỗi Oan Trăm Năm’ của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu viết để giải oan cho Trương Vĩnh Ký đã bị chính quyền tịch thu mặc dù sách đã in xong và chuẩn bị phát hành.

Sau năm 1975, Lycée Pétrus Ký, một trường trung học nổi tiếng ở miền Nam do người Pháp sáng lập và là nơi đào tạo nhiều trí thức nổi tiếng, đã bị đổi tên thành Phổ thông trung học Lê Hồng Phong.

‘Hoàn cảnh đưa đẩy’

Trao đổi với VOA, cựu nhà giáo Phạm Phú Minh, một thành viên ban tổ chức triển lãm ở California, nói khi đánh giá những việc làm của Trương Vĩnh Ký thì ‘phải xét hoàn cảnh xuất thân của ông’.

Pétrus Ký sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên chúa ở Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long (nay là tỉnh Bến Tre). Ông được một vị cố đạo nhận làm con nuôi và cho đi học ở các trường đạo, trong đó có chủng viện ở Penang (Malaysia), nơi đào tạo các linh mục.

“Việc Trương Vĩnh Ký làm việc cho thực dân Pháp là điều không thể chối cãi,” ông Minh giải thích rằng đó là do ‘hoàn cảnh xuất thân của Trương Vĩnh Ký rất gần gũi với văn hóa Tây phương’.

“Thời điểm đó trong hoàn cảnh đó phải làm việc cho Pháp. Thế thôi,” ông Minh khẳng định.

“Ông hiểu nhiều về văn hóa Pháp và thán phục văn hóa Pháp,” ông Minh nói thêm, “Ông có mơ tưởng đem nền văn hóa mới du nhập về Việt Nam để canh tân đất nước.”

Ông Minh cho rằng khi làm việc cho người Pháp ông Trương Vĩnh Ký ‘đã có cái nhìn ngây thơ về người Pháp’ và ‘không thấy rõ dã tâm của họ muốn cướp nước ta’.

“Chúng ta không nên trách ông ấy nhiều quá. Ông ấy chỉ làm việc (cho thực dân Pháp) trong phạm vi văn hóa thôi chứ không làm Việt gian kiểu cướp bóc, đàn áp hay làm hại cho dân tộc mình. Ông ấy không tham gia các đội quân đi đánh các tổ chức Cần Vương của người Việt, không chỉ điểm những tổ chức đánh Pháp,” ông Minh phân tích.

Về công lao của Pétrus Ký trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ, ông Minh cho rằng ‘ước nguyện của Trương Vĩnh Ký là phổ biến chữ Quốc ngữ để làm cho dân trí và giáo dục Việt Nam được dễ dàng’.

Khi được hỏi có phải ông Trương Vĩnh Ký thúc đẩy phổ biến chữ Quốc ngữ không phải là vì lợi ích dân tộc mà là để phục vụ cho mục đích cai trị của người Pháp hay không, ông Minh lập luận rằng ông Trương Vĩnh Ký chủ trương phổ biến chữ Quốc ngữ trước khi người Pháp thấy được sự tiện lợi của loại văn tự này và áp dụng trong việc cai trị của họ.

Khi được hỏi Pétrus Ký hâm mộ văn hóa Pháp như vậy và ước muốn du nhập kiến thức, văn hóa Pháp về cho Việt Nam có phải là thái độ vọng ngoại hay không, ông Minh cho rằng thực ra Pétrus Ký là người rất gắn bó với cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Ông Minh đưa ra bằng chứng là mặc dù là tín đồ Công giáo nhưng Trương Vĩnh Ký ‘thấm nhuần tư tưởng Nho giáo’ và ‘dịch các sách Nho học như Trung dung, Đại học ra chữ Quốc ngữ’ để phổ biến cho công chúng.

Còn việc Trương Vĩnh Ký muốn học theo văn hóa Pháp là vì ông ‘muốn canh tân’, ông Minh nói, ‘bởi vì ông biết rằng văn minh Đông phương rất cần Tây phương, nhất là khoa học kỹ thuật của họ’.

Trong số các hiện vật được trưng bày tại triển lãm ở Quận Cam mà VOA tiếp cận được, có trang truyện tranh về ‘Nhà bác học Trương Vĩnh Ký’ không rõ nguồn gốc được gia đình ông Trương Vĩnh Ký lưu giữ qua nhiều đời. Trong đó có một hình vẽ ông Trương Vĩnh Ký phủ phục trước Đức Giáo hoàng Pie IX ‘để tỏ lòng biết ơn về công cuộc giáo hóa mở mang của các cố đạo sang bên ta’.

Đó là vào năm 1863, theo lịch sử ghi lại, sau khi Trương Vĩnh Ký tham gia với tư cách thông ngôn vào phái đoàn đi sứ của triều Nguyễn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, sang Pháp thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông có ghé qua Rome và yết kiến Đức Giáo hoàng.

Khi được hỏi tại sao Trương Vĩnh Ký lại ‘tỏ lòng biết ơn về công cuộc giáo hóa của các cố đạo’ ở Việt Nam, vốn được cho là mở đường cho thực dân Pháp xâm lược, ông Minh nói rằng hành động đó là ‘thể hiện sự lễ độ của con chiên đạo Thiên chúa đối với Đức Giáo hoàng’.

“Có thể các giáo sỹ cũng góp tay cho hành động của thực dân, nhưng ông Trương Vĩnh Ký tán dương việc truyền bá đạo Thiên chúa và những lý tưởng cao đẹp của đạo đó nên việc biết ơn là đúng,” ông Minh nói và thêm rằng, ‘Pétrus Ký không biết các việc làm sau đó của các giáo sỹ.”

‘Cần cái nhìn bình tĩnh, khách quan và nhân văn’

Đồng ý kiến với ông Phạm Phú Minh, ông Nguyễn Trung Quân, một thành viên khác của Ban Tổ chức Triển lãm, cũng cho rằng việc Trương Vĩnh Ký cộng tác với Pháp là ‘không thể chối cãi’ nhưng ‘phải xem cộng tác với ý nghĩ như thế nào, với hành xử như thế nào’.

Ông Quân nói rằng ‘không nên đánh giá một nhân vật lịch sử dưới nhãn quan chính trị hay tôn giáo’. Khi được hỏi rằng cuốn sách ‘Nỗi Oan Trăm Năm’ của ông Nguyễn Đình Đầu (cũng là một người Công giáo) để bênh vực cho Trương Vĩnh Ký có phải là đánh giá theo nhãn quan tôn giáo hay không, ông Quân cho rằng một nhà nghiên cứu có tầm vóc như ông Đầu thì ‘không thể bị nhãn quan tôn giáo chi phối’.

Một nhà sử học từ trong nước là GS-TS Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi bàn về việc có nên thông cảm với hoàn cảnh của Trương Vĩnh Ký, thì cho rằng “cần phải tách bạch giữa hình thức và nội dung việc làm.”

“Ví như đi học trong trường dòng, làm việc cho bộ máy của người Pháp thì đó là hình thức. Nhưng người đó có thật sự vì hình thức đó mà không còn bất cứ cái gì với dân tộc và chỉ một lòng phụng sự những người đi xâm lược nước mình hay không?” ông Giang phân tích.

“Tôi không nghĩ ông Trương Vĩnh Ký là con người như vậy,” ông nói thêm.

“Có thể ở mức độ nào đó, có thể do hoàn cảnh khách quan họ tạo ra những bất lợi cho đất nước, cho dân tộc, đó là hoàn cảnh mà họ không thể làm khác,” ông nói và so sánh trường hợp ông Trương Vĩnh Ký với một số quan, tướng dưới triều Vua Trần Nhân Tông đã viết thư đầu hàng giặc Nguyên nhưng sau được Vua Trần Nhân Tông cho đốt hết tất cả thư từ đó không truy cứu nữa vì ‘trong tình thế quẫn bách họ phải làm như vậy’.

“Xem xét những con người đã từng làm cho bộ máy của Pháp cần có một cái nhìn bình tĩnh, khách quan và nhân văn,” ông Giang nói. “Đóng góp cho văn hóa dân tộc thì Trương Vĩnh Ký có công rất lớn còn những cái khác do hoàn cảnh tạo ra.”

Khi được hỏi nếu ông Trương Vĩnh Ký phổ biến chữ Quốc ngữ là để phục vụ cho sự cai trị của người Pháp thì có được xem là công hay không, ông Giang so sánh với trường hợp Đại học Đông Dương mà ông từng xử lý.

“Đại học Đông Dương do người Pháp thành lập vào năm 1906 và là công cụ của thực dân đào tạo ra những kẻ tay sai vì người Pháp ở Đông Dương muốn có những người có trình độ phục vụ cho chính quyền của họ,” ông Giang cho biết. “Nhưng về mặt khách quan thì Đại học Đông Dương tạo điều kiện cho người Việt Nam có cơ hội học tập những kiến thức khoa học của châu Âu lúc ấy và trên thực tế có rất nhiều nhà khoa học lớn và thậm chí là các lãnh đạo cách mạng học tập và trưởng thành từ Đại học Đông Dương như Nguyễn Thái Học, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp.”

Pétrus Ký hay Pétrus Key?

Từ lâu, giới nghiên cứu dựa vào một bức thư được viết vào thời điểm Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng Trương Vĩnh Ký được cho là tác giả để cho đó là bằng chứng ông ‘bán nước cho người Pháp’.

Lá thư được viết vào cuối tháng 3 năm 1859 gửi cho đô đốc Pháp Rigault de Genouilly, người đang chỉ huy trận đánh Đà Nẵng, kêu gọi người Pháp đánh Việt Nam để cứu các tín hữu Ki-tô giáo đang ‘chịu nỗi thống khổ do triều đình gây ra’.

Hội thảo về Trương Vĩnh Ký ở bang California lần này sẽ có phần trình bày tham luận của Luật sư Phan Đào Nguyên chứng minh lá thư đó không phải do Pétrus Ký mà là ‘một người khác có tên là Pétrus Key viết’.

Nguồn: VOA

Bài Khác