Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa hạt nhân với Nga

Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa hạt nhân với Nga

.

Tên lừa hành trình Nga SSC-8/9M729 mà phương Tây nói là vi phạm INF

Mỹ hôm thứ Sáu 2/8 chính thức rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau khi xác định rằng Moscow vi phạm hiệp ước, điều mà Kremlin đã nhiều lần phủ nhận.

Cùng ngày, Nga cho biết họ đề nghị Mỹ tuyên bố và thi hành lệnh cấm tạm thời đối với việc triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.

Hiệp ước INF cấm các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km. Việc hủy hiệp ước đồng nghĩa là cả Washington và Moscow đều được tự do phát triển và triển khai các tên lửa như vậy.

“Hoa Kỳ sẽ không còn là một bên tham gia một hiệp ước mà Nga cố tình vi phạm”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố về việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước.

“Việc Nga không tuân thủ hiệp ước gây nguy hiểm cho lợi ích tối cao của Hoa Kỳ khi Nga phát triển và triển khai trên thực địa hệ thống tên lửa vi phạm hiệp ước, thể hiện mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi”, ông Pompeo nói.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, đề nghị giấu tên, cho biết Nga đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa hành trình trên khắp nước Nga, là loại vi phạm hiệp ước, kể cả ở miền tây nước Nga, có khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng của châu Âu.

Nga phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng tầm bắn của loại tên lửa đó nằm ngoài quy định của hiệp ước.

“Chúng tôi đã đề xuất với Hoa Kỳ và các nước NATO khác rằng họ cân nhắc khả năng tuyên bố một lệnh cấm tạm thời tương tự để áp dụng đối với việc triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như của chúng tôi, giống như tuyên bố của ông Vladimir Putin”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phát biểu và được hãng thông tấn TASS trích dẫn lại.

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang và ông đã hứa rằng ông sẽ không triển khai tên lửa của Nga trừ khi Hoa Kỳ làm như vậy trước.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 2/8 bác bỏ đề nghị của Nga về lệnh cấm tạm thời, nói rằng đó không phải là “một lời đề nghị đáng tin cậy”, vì Moscow đã triển khai tên lửa bất hợp pháp rồi, ông nói.

“Không có tên lửa mới của Hoa Kỳ, không có tên lửa mới của NATO ở châu Âu, nhưng ngày càng có nhiều tên lửa mới của Nga”, ông nói.

Một số chuyên gia tin rằng việc hiệp ước bị hủy bỏ có thể làm suy yếu các thỏa thuận khác về kiểm soát vũ khí và đẩy nhanh sự suy yểu của hệ thống toàn cầu được thiết kế để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

NATO cho hay họ đã đồng ý về một gói các biện pháp phòng thủ để ngăn chặn Nga. Sự đáp trả này sẽ có chừng mực và chỉ bao gồm vũ khí thông thường, NATO cho biết.

Nguồn: VOA

Bài Khác