Đức thận trọng với đề nghị đưa tàu hải quân đến Biển Đông

Đức thận trọng với đề nghị đưa tàu hải quân đến Biển Đông

.

Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin . AP

Trong những tháng gần đây, các quan chức chính phủ Đức chưa thể thống nhất quan điểm về kế hoạch điều tàu tham gia các hoạt động vì tự do hàng hải do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Biển Đông.

“Các quan chức bộ ngoại giao liên bang bị chia rẽ”, một nguồn tin ở Berlin cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng biết. Điều đó không chỉ phản ánh về nước Đức có vị thế là cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu và có vai trò dẫn đường cho EU, mà còn là một quốc gia có chính sách đối ngoại và quốc phòng chịu ảnh hưởng của hai cuộc thế chiến cũng như 45 năm đất nước và chính trị bị chia cắt kể từ năm 1945.

Mặc dù vào tuần trước, chính phủ Đức đã bác bỏ tin tức nói về kế hoạch đưa tàu Hải quân Đức qua eo biển Đài Loan, song khả năng Đức sẽ có mặt ở Biển Đông không phải là một bí mật đối với 6 nguồn tin ngoại giao và quân sự đã nói chuyện với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

“Biển Đông là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng và Đức là cường quốc thương mại”, ông Walter Ladwig, thuộc khoa nghiên cứu chiến tranh tại King’s College, London, nói. “Hoàn toàn hợp lý nếu Đức muốn thực hiện phần của mình để giúp đảm bảo là quyền tự do hàng hải được tôn trọng trong vùng biển quốc tế được cho phép theo luật quốc tế”.

Biển Đông là một giao lộ hàng hải đối với các nhà xuất khẩu Đức. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở ở Washington, hàng hóa Đức trị giá khoảng 117 tỷ đô la đã được vận chuyển qua Biển Đông vào năm 2016, khiến Đức trở thành nước có lưu lượng thương mại lớn thứ 9 đi qua khu vực này.

Đối với Đức, di sản của hai cuộc chiến tranh thế giới có thể khiến họ gặp khó khăn hơn Pháp, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Philippines khi tham gia các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.

“Thủ tướng Merkel muốn Đức có quân đội mạnh để có thể gánh vác trách nhiệm quốc tế, nhưng người dân Đức chống lại điều đó”, ông Werner Kraetschell, một người bạn của gia đình bà Merkel, nói với truyền thông Đức năm 2017.

Ba phần tư cử tri Đức đã chống lại việc nước này tham gia cuộc xung đột làm Syria bị tàn phá kể từ năm 2011. Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Đức cũng đã duy trì nguyên tắc là “quân đội tuân theo quyết định của quốc hội”.

Tuy nhiên, các đồng minh hy vọng Berlin sẽ đồng ý đóng vai trò quân sự lớn hơn trong thời kỳ mới, khi mà châu Âu cũng như Hoa Kỳ cảm nhận rằng sức mạnh của Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế.

Mathieu Duchatel, giám đốc chuyên trách châu Á của Institut Montaigne, nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Paris, nói: “Từ góc nhìn của Pháp hoặc Mỹ, nếu Đức cũng báo hiệu sẽ tham gia hoạt động vị tự do hàng hải, thông điệp sẽ có nhiều trọng lượng hơn”.

(South China Morning Post, Politico)

Nguồn: VOA

Bài Khác