Đề xuất đổi tên gọi công an xã thành “trị an viên”: Lại bình mới rượu cũ

Đề xuất đổi tên gọi công an xã thành “trị an viên”: Lại bình mới rượu cũ

.

Ảnh minh họa công an, cảnh sát cơ động Việt Nam. AFP

(Hòa Ái / RFA) – Bộ Công an vừa đưa ra đề xuất thay đổi tên gọi công an xã thành “trị an viên” để phân biệt với công an xã chính quy được điều về địa phương. Những người quan tâm nói gì về đề xuất vừa nêu?

“Trị an viên”

Tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự thảo Luật Lực lượng trị an cơ sở, diễn ra vào ngày 9 tháng 7, Bộ Công an đề xuất công an xã bán chuyên trách sau khi kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục bố trí tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong xã và những người này được đổi tên gọi thành “trị an viên”.

Lý do đổi tên gọi công an xã bán chuyên trách thành “trị an viên” được Bộ Công an viện dẫn nhằm để phân biệt với các công an xã chính quy do sỹ quan, hạ sỹ quan công an đảm nhiệm và lực lượng “trị an viên” có trách nhiệm phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự theo lệnh của lực lượng công an xã chính quy.

Hồi trung tuần tháng 5 năm 2019, truyền thông trong nước phổ biến thông tin về lộ trình Việt Nam sẽ chính quy hóa toàn bộ lực lượng công an xã tại các địa phương trên cả nước.

Theo dự thảo Nghị định về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy thì một lực lượng công an chính quy được điều động về các xã để thay thế cho những trưởng công an, phó trưởng công an và công an viên hiện tại và lộ trình này được đề xuất hoàn thành muộn nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Dự thảo Nghị định nêu rõ lực lượng công an xã bán chuyên trách vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.

Một người dân ở Nghệ An, không muốn nêu tên, nói với RFA quan điểm của mình trước đề xuất vừa nêu của Bộ Công an:

“Dù rằng họ có đổi tên ‘công an xã’ thành ‘trị an viên’ nhưng họ thừa nhận là họ vẫn giữ nguyên lực lượng này. Chính vì thế, dù rằng tên gọi có thay đổi nhưng bản chất cũng như chức năng và vai trò của những người này không hề thay đổi, dù muốn người dân phân biệt được người nào là ‘trị an viên’ và người nào là công an chính quy.”

Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của các độc giả quan tâm chia sẻ trên trang fanpage báo chính thống thì hầu như cho rằng không cần thiết phải đổi tên gọi mà quan trọng là “bản chất”, với lý giải rằng nếu trách nhiệm, nhiệm vụ vẫn như cũ thì dù có phân biệt chính quy hay không cũng không có gì là khác biệt và vì người dân đã quen với tên gọi “công an xã” thì nên giữ nguyên. Chúng tôi trích dẫn một ý kiến của độc giả tên Văn Minh, bày tỏ trên trang fanpage của Báo mạng VnExpress rằng “Không nên đổi tên làm gì, rồi lại thêm nhiều chức danh gây phức tạp. Nếu thế thì sẽ có thêm đội trưởng trị an viên, đội phó,…không hay”.

Anh Trung, một người dân ở địa phận tỉnh Tiền Giang chia sẻ với RFA về những người công an xã nơi địa phương anh từng sinh sống:

“Ở quê thì tôi tiếp xúc rất thường, rất nhiều. Tại vì là hàng xóm với nhau nên cũng không có khác biệt gì. Người ta cũng nói thẳng là mức lương không đủ sống. Những người làm trong đó, kể cả trưởng công an tại xã của tôi thì người này vẫn vừa đi làm trưởng công an xã và vẫn làm ruộng ở nhà để kiếm kế sinh nhai thêm. Ở thôn quê, họ làm như kiểu một công việc để kiếm thêm thu nhập. Bởi vì trưởng công an, phó công an và công an viên thì gần gũi giống như dân vậy thôi, cho nên thay đổi danh xưng ‘công an xã’ hay ‘trị an viên’ thì tôi thấy không có thay đổi gì lớn cả.”

Giáo dân Song Ngọc, Nghệ An đi kiện Formosa bị lực lượng chức năng đàn áp, đánh đập ngày 14/02/17. 
Courtesy: wordpress.com

Vẫn là “bình mới rượu cũ”

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liệu rằng với lực lượng công an chính quy cấp tỉnh, cấp huyện được điều về kết hợp với lực lượng công an bán chuyên trách cấp xã như thế thì người dân sẽ yên tâm hơn qua công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho xóm làng hay không, anh Trung cho biết rằng anh tiên đoán có lẽ tình hình không có gì thay đổi nếu như đồng lương của họ không được cải thiện.

Vào ngày 10 tháng 7, Báo mạng VnExpress dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết việc bố trí lực lượng “trị an viên”, tức lực lượng công an xã bán chuyên trách cơ bản không tăng thêm kinh phí từ ngân sách địa phương bởi chi trả vẫn như cũ.

Theo số liệu của Bộ Công an, Việt Nam hiện có 14 ngàn ngàn trưởng và phó công an xã, thị trấn cùng 113 ngàn công an viên không chính quy. Trong trường hợp đề xuất của Bộ Công an được thông qua thì chi phí, phụ cấp cho lực lượng “trị an viên” được ước tính khoảng 2.256 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, người dân không muốn nêu tên ở Nghệ An lưu ý về số lượng 3000 công an chính quy được điều về các địa phương để đảm nhiệm chức danh công an xã, tính đến đầu năm 2019 thì mức độ quản lý, kiểm soát người dân địa phương sẽ chặt chẽ hơn:

“Bây giờ họ điều động công an (chính quy) ở huyện về để trực tiếp điều hành lãnh đạo tổ chức của ‘trị an viên’ này thì điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền đang gia tăng quyền kiểm soát cũng như quyền lãnh đạo của họ để họ muốn đảm bảo trật tự, trị an của người dân. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ đó chưa hẳn là mục đích của họ mà họ nhận thấy rằng người dân hiện tại có nhiều nỗi băn khoăn và bất cập và người dân vùng lên, đấu tranh nên chính vì thế có lẽ đây là một chính sách mới để họ biết những thông tin tình báo ngay ở các cơ sở và từ đó họ có những hướng đàn áp, xử lý người dân một cách triệt để ngay từ lúc ban đầu.”

Một số người dân ở các địa phương, gọi là “điểm nóng” như Nghệ An, nơi mà hàng trăm người dân từng tuần hành yêu cầu chính quyền bồi thường thỏa đáng trong biến cố thảm họa môi trường biển Formosa còn tỏ ra lo ngại có thể xảy ra tình trạng các công an xã bán chuyên nghiệp sẽ cậy quyền cậy thế, hống hách, sách nhiễu người dân khi họ muốn lập công trạng để thăng tiến trở thành công an xã chính quy.

Còn không ít người trong giới đấu tranh dân chủ ở trong nước nhận xét với RFA rằng đề xuất đổi tên gọi “trị an viên” của Bộ Công an chỉ là một hình thức nhằm né tránh từ ngữ “công an”, trước cáo buộc của các tổ chức nhân quyền thế giới và Chính phủ Hoa Kỳ hồi năm 2018 rằng Hà Nội duy trì chế độ công an trị để cai trị dân chúng tại Việt Nam.

Nguồn: RFA

Bài Khác