Châu Á: mảnh đất màu mỡ của ma túy

Châu Á: mảnh đất màu mỡ của ma túy

26/07/2019 09:50 GMT+720Lưu

TTO – Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), các băng tội phạm đã xây dựng một mạng lưới rộng lớn vươn vòi khắp châu Á, buôn bán hàng chục tỉ USD ma túy mỗi năm bên cạnh việc buôn người, nội tạng, hàng giả…

Châu Á: mảnh đất màu mỡ của ma túy - Ảnh 1.

Công an Nghệ An triệt phá một đường dây ma túy “khủng” 700kg vào tháng 4-2019 – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Báo cáo của UNODC được công bố tuần trước ước tính lượng methamphetamine (meth) buôn bán tại khu vực Đông Nam Á, Úc, New Zealand và Bangladesh lên đến 61 tỉ USD mỗi năm. Đây là con số khổng lồ so với 15 tỉ USD vào năm 2010 và gấp nhiều lần thị trường heroin, vốn chỉ khoảng 10 tỉ USD.

Chúng tạo thành chuỗi cung ứng từ sản xuất tại Myanmar với các nhà hóa học của Đài Loan, bán ra các nước láng giềng cho đến tận Úc, Nhật, Hàn Quốc, điều hành bởi các “chuyên gia tài chính” Thái Lan, Macau, Trung Quốc và sau đó rửa tiền qua các sòng bài ở Lào, Campuchia.

Ma túy chỉ bằng giá một chai bia

Nếu những năm 1970 đến 1990, bọn tội phạm chủ yếu bán thuốc phiện và heroin thì nay meth đang là con gà đẻ trứng vàng. Trong năm qua, chính phủ nhiều nước châu Á đã phá hàng loạt phi vụ ma túy khổng lồ, tuy nhiên không là gì so với mạng lưới đang hoạt động tại khu vực. 

Giá ma túy tổng hợp đang giảm xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy nguồn cung vẫn vô cùng dồi dào. Tại Thái Lan, một viên ma túy có giá chưa đến 1 USD, tức chỉ bằng một chai bia. “Việc sản xuất meth vẫn tiếp tục tăng và các xưởng sản xuất ở Myanmar đang hoạt động hết tốc lực” – Jeremy Douglas, đại diện khu vực của UNODC, nhận định.

Theo báo cáo, mạng lưới cung cấp ma túy tổng hợp tại châu Á vô cùng phức tạp với sự tham gia của nhiều băng đảng xuyên quốc gia. Hầu hết meth được sản xuất tại các xưởng ở khu vực bang Shan hẻo lánh và vô kiểm soát của Myanmar bằng các hóa chất được nhập lậu từ những nước láng giềng. 

Ma túy được tổng hợp bởi các nhà hóa học Đài Loan, quản lý tài chính bởi các nhóm ở Thái Lan, Macau và Trung Quốc. Thuốc giá rẻ thường được phân phối tại Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Myanmar. UNODC cho biết “một lượng lớn” ma túy được chuyển qua Lào đến Việt Nam và sang Malaysia, Philippines.

Nhưng các băng đảng đang nhắm đến những thị trường giàu có, tiềm năng hơn như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… Một gram meth được bán với giá đến 560 USD tại Nhật Bản và 390 USD tại Hàn Quốc vào năm 2017. Tại Mỹ, meth tinh chất có giá 70 USD/gram. 

Tại Úc, nguồn ma túy chất lượng cao nhưng giá lại rẻ từ châu Á cũng thu hút nhiều băng đảng tham gia vào mạng lưới. Nguồn lợi nhuận khổng lồ sau đó được “rửa” qua các casino đang mọc lên như nấm sau mưa khắp khu vực Mekong, từ Myanmar, Lào đến Campuchia, cũng như bất động sản, khách sạn…

Khu vực (châu Á) đang trở thành trung tâm của mua bán ma túy tổng hợp toàn cầu.

Jeremy Douglas (đại diện khu vực của UNODC) nhận định

Cần giải pháp đa quốc gia

Theo UNODC, sự bùng nổ của ma túy ở châu Á có nhiều nguyên nhân, từ hệ thống luật pháp lỏng lẻo cho đến sự phát triển hạ tầng với nhiều cầu đường mọc lên cũng giúp việc vận chuyển ma túy trở nên dễ dàng hơn. 

“Các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động như những doanh nghiệp, và các điều kiện để buôn ma túy, buôn người và hàng hóa khác cũng thuận lợi” – ông Douglas nói. Chẳng hạn, tuyến cao tốc R3A hoạt động từ năm 2011 kết nối Trung Quốc, Lào và Thái Lan nhằm lưu thông hàng hóa Trung Quốc xuống phía nam lại đang trở thành cầu nối cho bọn buôn ma túy.

Các nước đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động chống tội phạm. Thái Lan từ đầu năm 2019 đã tăng cường truy quét tại biên giới phía bắc với Myanmar, tuyến đầu của mạng lưới ma túy. 

Tuy nhiên báo cáo cho biết trong khi chính quyền các nước tìm cách trấn áp các tuyến hoạt động của bọn tội phạm, chúng đã nhanh chóng chuyển đến các khu vực ít kiểm soát hơn, bao gồm các vùng biên giới dọc sông Mekong với nhiều “điểm mù”.

Tại nhiều khu vực của Đông Nam Á, chính quyền thậm chí còn tiếp tay cho tội phạm và việc đưa hối lộ tại các vùng biên giới cũng thường tình giống như đóng phí cho chính quyền. 

“Chúng ta đang thấy các bằng chứng rõ ràng rằng chiến lược thực thi luật hiện tại không ảnh hưởng đến nguồn cung (ma túy) hay các băng đảng tội phạm trong khu vực” – CNN dẫn lời ông John Coyne, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo chiến lược của cảnh sát Úc, nhận định.

Để đối phó với bọn tội phạm, chính phủ các nước cần có những chiến lược nghiêm túc thực sự và cần bắt tay với nhau. 

“Chúng ta cần một giải pháp xuyên quốc gia cho tội phạm xuyên quốc gia – ông Douglas nói – Cần có sự hợp tác tuần tra và thực thi luật pháp xuyên biên giới để trấn áp nguồn cung, nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực từ các cấp cao nhất của chính quyền và sự đầu tư vào việc phòng ngừa, điều trị và giáo dục xã hội để giải quyết nguồn nhu cầu và sự tăng trưởng thị trường của ma túy”.

Không chỉ ma túy, bọn tội phạm cũng kiếm thêm hàng chục tỉ USD từ các ngành “tay trái” như buôn người, nội tạng, thuốc giả, động vật hoang dã, gỗ và thậm chí quần áo, thuốc lá. “Trong tổng số nạn nhân bị bán để bóc lột tình dục, 70% là thiếu nữ chưa đủ tuổi trưởng thành” – báo cáo của UNODC viết.

120 tấn

Số lượng meth bị thu giữ trong 5 năm qua đã tăng gấp 3 lần, theo UNODC. Năm 2018, cơ quan chức năng bắt hơn 120 tấn meth tại Đông Nam Á, so với khoảng 40 tấn vào năm 2013.

Hơn một nửa trong số này là tại Thái Lan với hơn 515 triệu viên meth bị thu giữ. Trong khi đó, Lào và Malaysia cũng có những phi vụ bắt giữ ma túy kỷ lục trong tám tháng đầu năm nay, còn Trung Quốc cho biết lượng meth bị thu giữ ở tỉnh Vân Nam đã tăng gấp 22 lần so với năm 2015.

Tại Úc, chỉ trong năm 2017, chính quyền thu hơn 1,4 tấn ephedrine nhập từ Trung Quốc và sau đó bắt 119kg meth chuyển từ Malaysia đến Melbourne. Cả hai đều liên quan đến các băng đảng xe môtô tại Úc.

Bài Khác