Việt Nam đề nghị Malaysia trả tự do cho Đoàn Thị Hương

Việt Nam đề nghị Malaysia trả tự do cho Đoàn Thị Hương

.

Siti Aisyah (khăn trùm sáng màu) (Indonesia) và Đoàn Thị Hương (khăn trùm nâu) (Việt Nam) được cảnh sát Malaysia dẫn độ sau phiên tòa đặc biệt tại Tòa án tối cao Shah Alam, bên ngoài Kuala Lumpur 14/12/2018 với cáo buộc ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. MOHD RASFAN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gọi điện cho Ngoại trưởng Malaysia, đề nghị Malaysia trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.

Cuộc điện đàm diễn ra hôm 12/3 sau khi tòa ở Malaysia tuyên bố thả bị can người Indonesia.

Ông Phạm Bình Minh nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah, nói rằng lãnh đạo và nhân dân Việt Nam “hết sức quan tâm” vụ việc, theo Bộ ngoại giao Việt Nam.

Ông Minh đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phủ nhận tin nói Malaysia nghe theo sức ép của Indonesia để trả tự do cho bị cáo trong vụ xử nghi phạm giết anh trai Kim Jong-un.

Bà Siti Aisyah, từng bị buộc tội giết Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, bằng chất độc thần kinh VX, được trả tự do hôm 11/3.

Nhưng ngày 12/3, ông Mahathir nói với báo chí “Tôi không có thông tin” khi được hỏi về sự vận động của Indonesia.

Ông được báo Malaysia The Star dẫn lời rằng việc trả tự do chỉ diễn ra theo pháp luật.

Trước đó, sứ quán Indonesia có tuyên bố nói tổng thống Joko Widodo ra lệnh phải cố gắng vận động cho bị cáo ngay sau khi người này bị bắt hôm 15/2/2017, hai ngày sau khi Kim Jong-nam bị giết.

Chính phủ Indonesia cũng nói vận động hành lang cấp cao đã giúp cho bị cáo Indonesia được thả.

Nhưng thủ tướng Malaysia thì phủ nhận: “Đây là quyết định của tòa án.”

“Cô ta bị đưa ra xử, rồi được thả. Đó là quá trình tuân theo pháp luật.”

“Tôi không rõ chi tiết, nhưng bên công tố có thể thả và không có nghĩa là trắng án.”

Bị cáo Việt Nam Đoàn Thị Hương hiện trở thành bị cáo duy nhất, tiếp tục bị đưa ra xử trong vụ này.

Vụ Kim Jong-nam: ‘Siti Aisyah chỉ là vật tế thần’

Bà Siti Aisyah, cùng với Đoàn Thị Hương của Việt Nam đã bị cáo buộc bôi chất độc thần kinh lên mặt của ông Kim tại sân bay Kuala Lumpur năm 2017.

Bà Hương ban đầu dự kiến sẽ đọc lời khai trước tòa vào thứ Hai 11/3, đây sẽ là lần đầu tiên một trong hai người đưa ra lời khai. Tuy nhiên, vụ việc của cô hiện đã được hoãn lại theo yêu cầu của luật sư.

Cả hai trước đó đều phủ nhận việc giết người, nói rằng họ đã nghĩ mình chỉ đang tham gia vào một trò chơi trên truyền hình.

Vụ án diễn ra như thế nào?

Ông Kim, anh em cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, đang chờ lên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Macau vào ngày 13/2/2017 khi hai phụ nữ tiếp cận ông ở khu vực chờ bay.

Cảnh quay CCTV cho thấy một trong số họ đặt tay lên mặt ông ta, sau đó cả hai người phụ nữ rời khỏi hiện trường.

Ông Kim chết trên đường đến bệnh viện do tiếp xúc với chất độc thần kinh VX, một trong những chất độc nhất trong tất cả các tác nhân hóa học được biết đến.

Bắc Hàn phủ nhận liên quan đến vụ giết người, nhưng bốn người đàn ông – được cho là người Bắc Hàn đã trốn khỏi Malaysia vào ngày xảy ra vụ án mạng – cũng bị buộc tội trong vụ án.

Những người này vẫn đang tại ngoại dù có “truy nã đỏ” của Interpol, tương đương với lệnh truy nã quốc tế.

Hai phụ nữ nói gì?

Hai người phụ nữ – đều ở độ tuổi 20 – đã nói rằng họ là nạn nhân vô tội của một âm mưu công phu của Bắc Hàn.

Theo các luật sư của hai người này, trong những ngày trước khi ông Kim qua đời, họ được trả tiền để tham gia một trò chơi bôi một chất lỏng vào khách tại sân bay, khách sạn và trung tâm mua sắm.

Họ nghĩ sân bay chỉ là một trò đùa khác. Luật sư của họ đã bày tỏ sự tin tưởng rằng tòa án sẽ thấy họ không có động cơ giết ông Kim.

Sau quyết định bất ngờ của tòa án hôm thứ Hai 11/3, đại sứ Indonesia tại Malaysia nói với các phóng viên rằng họ sẽ “cố gắng đưa Siti trở lại Indonesia ngay hôm nay hoặc sớm nhất có thể”, theo AFP.

Kim Jong-nam là ai?

Kim Jong-nam là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà cai trị độc tài của Bắc Hàn, Kim Jong-un.

Ông từng được coi là một nhà lãnh đạo tương lai của đất nước bị cô lập này, nhưng khi cha ông Kim Jong-il qua đời, ông bị ‘ thất sủng’ trước một Kim Jong-un trẻ hơn.

Ông Kim Jong-nam gần như xa cách với gia đình và chủ yếu sống ở nước ngoài tại Macau, Trung Quốc đại lục và Singapore.

Trước đây, ông đã lên tiếng chống lại sự kiểm soát ‘gia đình trị’ của chính gia đình mình đối với Bắc Hàn. Và trong một cuốn sách năm 2012, ông được dẫn lời nói rằng ông tin người anh em cùng cha khác mẹ của mình thiếu phẩm chất lãnh đạo.

Nguồn: BBC

Bài Khác