TTVH Hồng Bàng, một phần tư thế kỷ gìn vàng giữ ngọc nơi hải ngoại

Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng, một phần tư thế kỷ gìn vàng giữ ngọc nơi hải ngoại

Văn Lan / Người Việt
.
.
Em Trần Nhật Andrew, học sinh lớp 6, đại diên toàn thể học sinh nói lời cảm ơn thầy cô, bên cạnh là cô Huỳnh Thị Ngọc xúc động lắng nghe. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

GARDEN GROVE, California – Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng (TT.VHHB) vừa tổ chức kỷ niệm 25 năm tìm về nguồn cội, giữ gìn văn hóa và tiếng Việt truyền thống nơi hải ngoại, tại trường Jordan Intermediate School, Garden Grove vào hôm Chủ Nhật, 18 Tháng Mười Một.

.

Mở đầu chương trình là phần biểu diễn màn trống do đoàn trống của TT Việt Ngữ Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang trình diễn.

Tiếp theo là nhạc phẩm “Bonjour Việt Nam” hát bằng song ngữ Việt-Mỹ, do các em phụ giáo trẻ của trường Hồng Bàng trình bày.

Toàn thể ban giám hiệu, thầy cô cùng nhân viên TT Văn Hóa Hồng Bàng trong ngày kỷ niệm 25 năm thành lập. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Tôn Huân và cô Tố Mai, đại diện phụ huynh học sinh, nói lời cảm ơn chân thành dành cho TT Việt Ngữ Hồng Bàng đã luôn tiếp sức cho sứ mệnh truyền đạt tiếng Việt đến những mầm non của cộng đồng Việt Nam quốc gia.

Các em lớp Mẫu Giáo 3 mới nhập học, do thầy Phạm Xuân Điền, Trần Đức Hoàng Long và cô Đặng Uyên Caroline hướng dẫn, đã trình diễn đọc thuộc lòng bảng chữ cái a, á, ớ, b, c… Chẳng những đọc thuộc, mà các em còn viết đúng và viết đẹp, để nhận được tràng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.

Một tiết mục khác cũng khá hào hứng được diễn ra là cuộc tranh tài hùng biện giữa hai đội Carrots và Thỏ Ngọc, học sinh lớp 7, trong vở kịch “Nhà dưỡng lão, nên hay không nên”, do thầy Bùi Mạnh Hùng sáng tác. Nội dung tranh luận trong vở kịch này là “Việc đưa ba mẹ vào nhà dưỡng lão có thể sẽ làm cho ba mẹ buồn vì nghĩ là mình bị con cái bỏ rơi. Các em nghĩ sao về điều này?”

Từ trái: cô Huỳnh Thị Ngọc, thầy Nguyễn Tiến Thịnh, và thầy Tạ Trung, ba trong năm vị thầy khai sáng TT Văn Hóa Hồng Bàng từ năm 1993. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong sự tranh luận quyết liệt, với những lý luận sắc bén, cùng kết luận đầy tình lý khiến khán giả quyết định bỏ phiếu cho đội Thỏ Ngọc giành chiến thắng, với câu trả lời nói lên lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ già, đề tài đang tranh luận gắt gao trong xã hội hiện nay.

Nói với Người Việt, cô Bùi Phong Thu, trưởng TT Việt Ngữ Hồng Bàng cho biết lúc đầu do ông bà cha mẹ muốn con mình đi học để biết nói tiếng Việt trong gia đình, nhưng hiện nay trường đã cải tiến rất nhiều về các mặt để thích ứng được với cuộc sống của các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

“Trong chương trình học có những môn lịch sử, địa lý, thơ văn. Các em được tham gia các sinh hoạt cộng đồng và nhất là được các em phụ giáo trẻ, sau khi ra trường trở về giúp cho đàn em mình, đây là thế hệ nối tiếp trong tuơng lai. Nếu không có sự hy sinh của thầy cô, cùng với sự vâng lời của các em học sinh, ngoan ngoãn đến trường và sự tin tưởng của phụ huynh thì cũng không thể có được như ngày hôm nay,” cô Thu nói tiếp.

Từ trái: cô Huỳnh Thị Ngọc, thầy Nguyễn Tiến Thịnh, và thầy Tạ Trung, ba trong năm vị thầy khai sáng TT Văn Hóa Hồng Bàng từ năm 1993. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô cho biết thêm, “Hiện nay các thầy cô thiên về việc đưa các em hòa nhập với cộng đồng, nhất là khi tổ chức các buổi thực hành, đưa các em về khu Little Saigon, các em đã làm quen và thích thú với những món ăn Việt, hoặc hào hứng tham dự các sinh hoạt cộng đồng, như Lễ Tưởng Niệm Bà Trưng, Bà Triệu, dự thi giải khuyến học, thi bánh chưng bánh tét Mùa Xuân, hoặc thi bé viết văn Việt, Tết Trung Thu hoặc diễn hành ngày Tết trên phố Bolsa,.v..vv…”

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, dạy tiếng Việt lớp 1 và mẫu giáo đã 25 năm, tâm sự: “Từ khi qua Mỹ, tôi nhận thấy các em học sinh gốc Việt quên tiếng mẹ đẻ ngày càng nhiều hơn. Tôi muốn giúp các em luôn nhớ tiếng Việt, để khi các em về Việt Nam hoặc ở Mỹ, nói chuyện với ông bà cha mẹ của mình, dễ thông cảm nhau hơn. Tôi cũng muốn làm sao các em khi nói chuyện phải hiểu được cách thưa gửi lễ phép như thế nào, đó chính là nét văn hóa truyền thống của người Việt mình.”

Các em học sinh lớp mẫu giáo tăng hoa thầy cô nhân lễ kỷ niệm 25 năm TT Văn Hóa Hồng Bàng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cùng tâm huyết ấy, cô giáo Trầm Bội Phương dạy lớp 3A2 thì kể rằng đây như một nghiệp dĩ, cô đến với nghề giáo từ trước ở Việt Nam, đi dạy ở Mỹ đã 20 năm. “Các thế hệ mới bây giờ đã hội nhập được vào dòng chính của Mỹ, nhưng phụ huynh vẫn đưa con em đến trường học tiếng Việt để giữ gìn nguồn cội. Các em đi học rất ngoan, biết nghe lời cha mẹ, có nhiều học trò cũ bao năm rồi về thăm trường, cô và trò cùng ngồi ăn khoai lang chia sẻ tâm tình. Đi dạy rất vui, điều thích nhất là các em học sinh dù học ở đại học rồi, nhưng khi về thăm trường cũ, vẫn nói tiếng Việt, làm mình rất vui và thêm hăng hái trong việc dạy học.”

Cô giáo Mai Nguyễn An, phó TT Việt Ngữ Hồng Bàng, đến với trường cũng hơn 20 năm, kể rằng: “Thời ấy khi dắt con đến trường học tiếng Việt, vì muốn giúp cộng đồng mình bảo tồn văn hóa, và nhất là để con cháu mình sinh ra ở Mỹ không quên tiếng mẹ đẻ, nên cả gia đình và hai đứa con lớn cũng tham gia dạy tiếng Việt, phụ giúp các đàn em của mình. Và các con sau khi ra trường, đi làm khắp nơi, thì lớp cháu mình lại tiếp tục đến trường học tiếng Việt, đó là một dòng chảy tiếp nối không ngừng cho ngôn ngữ Việt.”

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ, giúp học sinh đọc, nghe, viết và hiểu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, TTVHHB từ khi thành lập 1993 đến nay đã ngày càng vững mạnh, luôn giữ vững qua những thăng trầm, phát huy cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Người Việt

Bài Khác