PVN ‘đốt’ hơn $770 triệu USD vì ‘đầu tư không hiệu quả’

PVN ‘đốt’ hơn $770 triệu vì ‘đầu tư không hiệu quả’

.

Hàng chục dự án của PVN đầu tư ra ngoại quốc không hiệu quả, gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la. (Hình: Tuổi Trẻ)

HÀ NỘI, Việt Nam – Trong số hàng chục dự án đầu tư ra ngoại quốc của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí “không thành công,” gây tổng thiệt hại khoảng $773 triệu.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Năm, 2019, thông tin trên vừa được Kiểm Toán Nhà Nước đưa ra trong phúc trình tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 gửi Quốc Hội CSVN.

Kiểm Toán Nhà Nước khẳng định “hoạt động đầu tư ra ngoại quốc của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí tại ngoại quốc của PVN không thành công, đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án, tổng thiệt hại $773 triệu.”

Riêng hai dự án Danan ở Iran và dự án Junin 2 ở Venezuela “buộc phải dừng trong khi đã đầu tư $660 triệu.”

Hai dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Peru dù đã đầu tư $849 triệu nhưng PVN “đang xin chủ trương chuyển nhượng dự án.”

Trong quá trình kiểm toán tại PVN, Kiểm Toán Nhà Nước cũng phát hiện PVN đã thực hiện chuyển vốn đầu tư ra ngoại quốc “vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.” Cụ thể là các dự án Lô 67 PVN đã chuyển vượt $142 triệu; dự án SK 305 chuyển vượt $15 triệu.

Kết quả kiểm toán PVN trong năm 2018 cũng chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp thuộc PVN gửi tiền tại OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân Hàng Nhà Nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp. Trong đó, công ty mẹ PVN chậm 5,026 tỷ đồng ($215 triệu), $86 triệu và 2,171 EUR.

Các công ty con như: PV Power hơn 21 tỷ đồng($898,480), Công Ty Cổ Phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng($14.2 triệu), Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Lọc Hóa Dầu Bình Sơn 2,743 tỷ đồng ($117.3 triệu), PVOIL 262 tỷ đồng($ 11.2 triệu) và PV Trans 181 tỷ đồng($7.7 triệu).

Trong giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản Lý dự án Công Trình Liên Hợp Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại hai ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật số tiền 22.1 tỷ đồng ($945,297). Kiểm Toán Nhà Nước đã chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, tại một số dự án của PVN “phức tạp hơn nhiều.” Chẳng hạn về dự án Junin 2 ở Venezuela. Đây là dự án đã được cảnh báo về tính hiệu quả trong đầu tư, nhưng các bên liên quan vẫn thực hiện để cuối cùng phải dừng vào năm 2013.

Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra ngoại quốc cho dự án, nhưng ngoài $1,241 tỷ tiền đầu tư, PVN lập lờ thêm “tiền hoa hồng” dự án là $584 triệu để tránh việc sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên Chính phủ phải trình Quốc Hội. Sau đó, Chính phủ có báo cáo điều chỉnh phần vốn góp của PVN, giảm từ $956 triệu còn $547 triệu, tức chỉ còn chiếm 29.9% để không phải công khai trình Quốc Hội.

Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế, Buôn Lậu cũng đã có văn bản gửi PVN yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án khai thác dầu khí Junin 2 tại Venezuela.

Theo PVN, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí “hết sức rủi ro” khi tính giá trung bình mỗi mũi khoan thăm dò khoảng $20 triệu. Bởi vậy chỉ cần vài mũi khoan “trượt” có thể “nướng” cả trăm triệu đô la.

Nguồn: Người Việt

Bài Khác