Mùa sim muộn Đông Bắc

NGUYÊN QUANG –

Mùa sim muộn Đông Bắc

.

Chợ Cốc Lếu, Lào Cai, một trong những trung tâm vận chuyển hàng bất minh của Trung Quốc phân bổ khắp Việt Nam.
(Nguyên Quang/Viễn Đông)

Không nhắc đến chợ Đồng Đăng xem như chưa biết gì về hoa sim, trái sim Đông Bắc cũng như chiến tranh ở đây đang diễn ra như thế nào. Phải nói là đang diễn ra!

Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đông Bắc không phải chỉ ngần ấy tỉnh, nhưng nói tới Đông Bắc, người ta nghĩ ngay đến ba tỉnh này. Bởi dường như mọi sự kiện lịch sử ở Đông Bắc có liên quan đến máu xương, nước mắt của con dân đất Việt đều gói gọn trong ba tỉnh này. Từ tiền nhân ngàn năm trước cho đến hôm nay, cửa ngõ Đông bắc giáp giới với Trung Hoa này cũng là mảnh đất vùi biết bao máu xương. Trong từng ngọn gió, trong từng lá cây, trong từng trái chín có thoảng mùi hương tiền nhân. Đông Bắc mùa sim chín muộn, có chút gì làm nhớ chiến trường Đông Bắc khói lửa. Và những ông hàng nước chè vỉa hè hôm nay cũng rưng rưng câu chuyện khói lửa hôm qua, bởi họ là những chứng nhân bị quên lãng.

Chợ Cốc Lếu, Lào Cai, một trong những trung tâm vận chuyển hàng bất minh của Trung Quốc phân bổ khắp Việt Nam. (Nguyên Quang/Viễn Đông)
Ông bán nước chè nói, “Ông Lý Hiển Long nói đúng.”

Người miền Nam uống cà phê buổi sáng, người miền Bắc có thói quen uống nước chè (trà) buổi sáng. Mãi cho đến bây giờ, khi nguồn cà phê cung cấp ra miền Bắc không bị ngăn sông cấm chợ thì dường như cà phê chỉ là thú vui giải trí trong giờ làm việc hoặc dành cho khách miền Nam hoặc dành cho những giờ giải lao. Với người Bắc, uống chè (trà) vẫn là muôn thuở. Và dường như mọi câu chuyện nhân tình thế thái cũng được kể, được phô diễn trong quán chè.

Cái quán chè mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây chính là quán của ông Lê Hùng, một cựu binh chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, từng có hơn 10 năm trong quân ngũ, chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết của đồng đội, cuối cùng may mắn trở về, được phép bày mấy cái ghế, một cái bàn nhỏ bán nước chè bên vỉa hè. Với ông, chữ “được” ở đây có ý nghĩa vô cùng lớn, bởi, “May là chúng nó không bắt, không dẹp bàn ghế, không đánh càn mình chứ không thì nhục bỏ mẹ ấy chứ!”
“Sao lại có chuyện đánh, chuyện làm nhục ở đây hả bác?”

Nơi đây vẫn còn một ngôi miếu thờ cô hồn trận vong. (Nguyên Quang/Viễn Đông)


Cảnh sống của người Tày ở gần thị trấn Đồng Đăng, họ vẫn gắn bó với những rừng sim và đồi cải ngồng. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Cậu này hỏi hay! Thì bây giờ, thời của mình qua rồi, mình ôm súng đi đánh trận, hết trận trở về, vì không bị thương nên cũng không có chế độ thương binh, chỉ là cựu quân nhân, lâu lâu nhà nước mời lên nghe diễn văn rồi cho ăn một bữa. Mà tớ đếch có thèm ba cái bữa ăn ấy cho dù tớ từng đói khổ. Dù sao tớ cũng cảm ơn cuộc đời này nó chưa có làm nhục tớ, nó còn cho tớ cái chỗ ngồi để bán nước chè! Có biết bao nhiêu người theo đảng, cống hiến cả đời với lý tưởng cao cả theo lời tuyên truyền, để cuối đời, bọn oắt con nó lên giọng dạy đời và bứng mình ra khỏi nhà đấy! Đời mà, chính trị là vậy, khi anh còn non mởn thì người ta bồng nước anh, khi anh đấu xong trận thì người ta giết thịt anh! Vậy thôi!”
“Hồi đó chiến tranh diễn ra như thế nào bác? Nghĩa là quân Trung Quốc sang đây ra sao? Cái cảm giác đó bác có còn nhớ?”

Đền Mẫu bên sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn, nơi có chiếc cầu bị giật sập năm 1979. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Nói thực tình thì mình không biết gì về chiến trường Campuchia, mình chưa từng vào miền Nam. Nhưng ngẫm lại ở đây, lại thấy ông Lý Hiển Long nói rất đúng, Việt Nam đổ bộ quân sang Campuchia là xâm lược, vì nhiều thứ, nếu không có Liên Hợp Quốc chắc gì mình đã rút quân về nước. Nói như tụi Trung Quốc năm 1979 sang đây, nhiều người vẫn nhầm tưởng họ là tình nguyện quân sang giúp Việt Nam, khi thiết giáp của tụi nó vào thị xã Lạng Sơn này, dân vẫn ra vẫy tay chào mừng. Ai dè chào chưa xong thì nó bắn tơi tả! Nhưng mà chuyện ngày hôm trước đó nữa kia mới đáng nói.”“Trước đó thì sao hả bác?”

Ngôi nhà sống sót sau chiến tranh biên giới ở giữa trung tâm thành phố Lạng Sơn. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Trước đó một ngày, vào sáng sớm, chừng 5 giờ, người dân thành phố ai dậy sớm cũng có thể nhìn lên trên đỉnh Phai Vệ (ngọn núi nhỏ đóng giữa thị xã – bây giờ là thành phố Lạng Sơn), nó đứng nó tập thể dục như nhà của nó, bộ đội mình thì không thấy đâu. Dân cứ ngỡ nó sang mình để làm giúp cái gì đó như hồi chiến tranh Nam – Bắc. Ai dè là nó chiếm mất thành phố rồi. Không hiểu sao mà nó sang rất là gọn lẹ, tôi nghĩ phải có nội ứng hay sao ấy chứ!”

“Hồi đó bác chưa đi bộ đội?”

“À, tôi ở trong lực lượng tự vệ, sau đó thì gia nhập lực lượng chính qui theo lệnh của cấp trên. Nói chung, về chuyện đánh nhau thì chẳng biết kể sao cho trọn, chỉ riêng cây cầu nối giữa hai bờ sông Kỳ Cùng, gọi là cầu Kỳ Cùng trước đền Mẫu, người ta phải giật phá nó đi để tránh tình trạng nó mang xe tank qua mỗi lúc một nhiều, nó bắn không thương tiếc ai hết, dân thường bị nhiều nhất. Đến ngày thứ hai thì thị xã Lạng Sơn gần như xơ xác, vườn không nhà trống, hầu hết chạy xuôi về Chi Lăng, sau đó lại dạt xuống gần Hà Nội, gọi là đi tản cư đấy! Còn ở thị trấn Đồng Đăng thì thê thảm hơn.”

“Lúc đó bác ở đâu?”

Nơi đây vẫn còn một ngôi miếu thờ cô hồn trận vong. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Tôi cùng một số anh em bên tự vệ chạy ngược sang Đồng Đăng theo lệnh của cấp trên và lên tận trên núi, nơi giáp giới Trung Quốc, khu vực này tuy gần nó, nguy hiểm nhưng lại ít nguy hiểm hơn dưới Lạng Sơn vì nó càn quét thị xã không còn gì để nói. Đánh nhau đâu phải đôi ba năm như mấy ông nghe, cuộc chiến này kéo dài cả gần mười năm đấy! Chết không thương tiếc. Và nó cũng không phải mới diễn ra năm 1979. Trước đó, 1978, nó bắt đầu tấn công mình, ở đây có một ông bộ đội biên phòng chết năm 1978. Cuộc chiến đầu tiên không phải súng đạn mà là bằng đất đá. Cứ đôi bên ném đá vào nhau để dành đường biên giới, nó ném một anh bộ đội biên phòng của mình vỡ đầu, chết. Nhưng sự vụ này không thấy ai nhắc tới. Tui biết rõ vụ này. Nó chìm xuồng rồi!”

“Nhưng cháu vẫn chưa hiểu, sao lúc nãy bác có nói là người ta để mình bán nước chè, không bắt bớ, đánh đập là đỡ nhục?”

“Thì tôi có nói đấy, cậu nhìn xem thử có bao nhiêu anh em từng bồng súng ra chiến trường vì lý tưởng này nọ, vì yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Nhưng kết cục là sao? Là làm chó săn để đi săn lại những đồng bào từng nuôi mình như các anh em thương binh Hà Nội, nhà nước cấp cho mấy cái xe máy ba bánh để kiếm sống nhưng với điều kiện khi cần thì phải xung trận. Mà xung trận ở đâu, ở công viên Lý Tự Trọng dẹp dân oan, ở tượng đài Lý Thái Tổ dẹp biểu tình chống Trung Cộng, nghĩa là dập hết máu xương của anh em đồng đội vì miếng ăn. Không nhục thì làm sao nữa! Tớ nói thật, tớ sống chết nhiều rồi, tớ đếch sợ, thằng công an nào bắt tớ, tớ nói với nó là ngày xưa tao đánh Trung Quốc để cha mẹ mày sống đẻ ra mày, giờ mày lại đánh tau, thế thôi!”

Nhìn từ hàng nước chè của ông Hùng trên đất Lạng Sơn. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Ông Hùng nói như quát giữa phố, có mấy người công an tới ngồi uống chè. Cảm giác ớn lạnh thoáng qua, chúng tôi nói lảng sang chuyện khác nhưng cũng không ngăn được ông. Đành đứng dậy thanh toán tiền rồi đi tiếp.

Cầu Cốc Lếu nối Lào Cai, Việt Nam với Hà Khẩu, Trung Quốc. Đây cũng là cây cầu từng bị đánh sập trong chiến tranh biên giới phía bắc để ngăn các đoàn thiết giáp của Trung Cộng. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Chợ Đồng Đăng bây giờ

Nói về sim, về chiến trường Đông Bắc, về mùa hoa khói lửa, tự dưng đá sang chợ Đồng Đăng thì nghe hơi nghịch. Nhưng thực ra, không nhắc đến chợ này xem như chưa biết gì về hoa sim, trái sim Đông Bắc cũng như chiến tranh ở đây đang diễn ra như thế nào. Phải nói là đang diễn ra!

Bởi vì nếu như năm 1979 đến 1989, từ khi chiến tranh biên giới tới khi kết thúc chiến tranh (những quả đạn pháo cuối cùng của Trung Cộng ném vào Vị Xuyên) cùng thời gian với việc quân tình nguyện Việt Nam có mặt ở Campuchia và rút về nước. Chợ Đồng Đăng vốn là khu chợ thị trấn phục hồi sau chiến tranh vài năm (từ 1985 đến nay), là cái chợ chống Trung Cộng số một. Và người dân ở đây có thói quen mua bán những rổ trái sim rừng, những bó hoa sim ở chợ vào ngày Rằm, Mồng Một để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống.

Có thể mua súng thật ở những cửa hàng đồ chơi nếu biết hỏi. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Thế nhưng, cũng cái chợ từng bị Trung Quốc bắn tan nát này, bây giờ là cái ổ chứa mọi thứ rác của Trung Quốc, người ta thi nhau vào chợ để tranh giành rác Trung Cộng. 

Nói như chị Lò Thị Phiến, một người bán thuốc Nam trong chợ, “Ở đây bây giờ còn đáng sợ hơn thời chiến tranh.”

“Nghĩa là sao chị? Có nguy hiểm gì hay sao?”

“Ngày xưa chiến tranh bằng súng đạn, người ta có thể ôm nhau mà chết, người ta chia sẻ với nhau từng manh chiếu rách để chôn người thân. Còn bây giờ, Trung Quốc nó đâu có thèm dùng súng đạn, nó bắn ma túy, thuốc kích dục, súng hoa cải sang đây để dân mình tự giết nhau.”

“Trong chợ này có những thứ đó?”

“Nói cho cậu biết thôi, đừng hỏi bậy mà thiệt thân. Ở đây, chỉ có dân máu mặt mới dám buôn mấy thứ đó, dây vào là thiệt thân ngay! Cậu biết là có đến hàng tấn mấy thứ tạp nhạp kia phân phối đi cả nước từ cái chợ này, mà đố ai biết được.”

“Công an không vào cuộc sao chị?”

“Không rõ họ có vào cuộc hay không, hay là họ cũng buôn mấy thứ này bằng cách thuê lại đám đầu gấu, mà đám đầu gấu chủ yếu là con của các gia đình liệt sĩ 1979 – 1989 hết đấy.”

“Nghĩa là sao?”

Không thiếu bất kì thứ hàng hóa Trung Quốc nào ở đây, từ đồ chơi trẻ em đến đồ người lớn. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Họ có điểm giao dịch ngầm trong chợ, cậu vào đó mà mang máy ảnh, đi lơ ngơ là bị thịt đấy. Các loại thuốc kích dục mà mấy ông hay dùng để lừa gái, mấy ông già, có tiền, có quyền thì cậu biết là ai rồi đấy. Đương nhiên đường dây này được bảo kê từ người bán cho đến người mua. Một người trên núi đi bán thuốc như tôi mà còn rành vậy thì sao công an không biết được! Họ làm ngơ thôi!”

“Ví dụ như đi mua thuốc kích thích và súng hoa cải ở đây, mình phải làm sao hả chị?”

“Nếu cậu thực sự muốn mua thì dễ lắm, cậu cứ đi lơ ngơ là có người chào hàng. Nhưng họ tinh ranh lắm, nhìn là biết cậu loại gì, có phải cớm hay không liền à! Họ mời xong, nếu đồng ý thì làm theo hướng dẫn của họ. Lúc đó cậu vào tròng rồi, khó mà lừa họ được. Đương nhiên họ cũng không lừa để hại cậu đâu. Nhưng cẩn thận tụi lừa người sang Trung Quốc, dân buôn nội tạng đấy!”

“Có trong đó luôn?”

Cột cờ trên đỉnh núi Phai Vệ, nơi lính Trung Quốc đứng tập thể dục mỗi sáng những năm 1979. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Có hết, nó lừa cậu mua tour đi du lịch, nhiều người bị mất tích lắm đấy. Còn thuốc kích dục, bình xịt hơi cay, roi điện, thậm chí mã tấu thì mua dễ thôi. Cậu cứ thử vào đi lơ ngơ là biết. Nhớ cẩn thận!”
Tạm biệt chị bán thuốc Nam, chúng tôi tiến vào chợ với điệu bộ lơ ngơ du khách. Nếu nhìn qua thì chợ bán thức ăn, xoong nồi, đồ điện tử và nhiều thứ hàng hóa khác như mọi cái chợ. Nhưng tôi lang thang một lúc thì có người phụ nữ ghé đến hỏi thăm có mua thuốc kích dục không. Tôi lắc đầu, nói cần mua bình xịt hơi cay. 

Người Nùng gánh thuốc nam đi bán ở Lạng Sơn. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Người phụ nữ mời tôi vào quán nước chè và lấy điện thoại ra mở hình, giới thiệu hàng loạt thuốc kích dục và mẫu bình xịt. Tôi chỏi một mẫu bình xịt có giá 250 ngàn đồng (hơn $10 đô) về dung lượng của nó, chị này nói nó xài được ít nhất là ba lần. Tôi đồng ý mua, trả tiền trước và cho một cái địa chỉ giả để chị ta gởi hàng. Sau đó tôi hỏi qua súng hoa cải. Chị này cho biết là muốn thử luôn cũng được nhưng phải hẹn giờ và vào rừng sim để thử, tiền đạn hoa cải lúc thử thì khách tự trả, thấy thích cây nào thì bốc cây đó.

Đương nhiên, cuộc hẹn thử súng nơi rừng sim không diễn ra vì sau buổi nói chuyện là chúng tôi lẳng lặng lên xe về Hà Nội. 

Cái rừng sim xứ Bắc vẫn chưa bao giờ im tiếng súng từ Trung Quốc.  Một người bạn đã nói vậy trên đường về!

Nguồn: Viễn Đông

Bài Khác