LS Võ An Đôn sống thế nào sau một năm bị tước thẻ?

LS Võ An Đôn sống thế nào sau một năm bị tước thẻ?

BEN NGÔ / BBC

Luật sư Võ An Đôn: ‘Người ta sống được thì mình sống được’. Ảnh: LS Đôn

Luật sư Võ An Đôn trao đổi với BBC về chuyện tại sao ông khởi kiện bộ trưởng Tư pháp và việc mưu sinh nuôi vợ cùng ba con sau một năm kể từ ngày bị tước thẻ hành nghề.

Hôm 4/12, Luật sư Võ An Đôn thông báo ông đã nộp đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp bác toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Võ An Đôn về việc bị xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh này, theo báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh.

Hôm 13/12, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn nói: “Đến nay đã nửa tháng từ ngày tôi nộp đơn kiện bộ trưởng Tư pháp nhưng tôi chưa nhận được phản hồi, dù theo luật thì tòa án phải trả lời trong 5 ngày.”

“Dựa vào thực tế của nghề luật ở Việt Nam, tôi tự biết khả năng mình thắng kiện trong vụ này không bao giờ xảy ra, vì tòa không thể nào bác quyết định của bộ trưởng.”

“Từ trước đến nay đã có một số luật sư bị tước thẻ hành nghề nhưng chưa có ai đi kiện.”

“Tôi muốn là người đầu tiên đi kiện bộ trưởng Tư pháp là để cho người dân biết bộ mặt thật của luật pháp Việt Nam.”

“Bên cạnh đó, tôi muốn giới lãnh đạo Liên đoàn Luật sư và Bộ Tư pháp phải dè chừng khi treo thẻ một người mà không có căn cứ nếu không muốn bị kiện tiếp.”

“Tôi cũng nghĩ đến khả năng mình bị tước thẻ mãi mãi nhưng sẽ vẫn chiến đấu cho vụ này.”

võ an đôn
Luật sư Võ An Đôn nói: “Thấy người dân nghèo bị quan chức chính quyền ức hiếp, tôi ra tay giúp họ miễn phí thì bị chính quyền tìm mọi cách trù dập nên tôi mới nghèo như hôm nay.”. FB VÕ AN ĐÔN
đôn
Luật sư Võ An Đôn nói với BBC rằng ‘ông bị tước thẻ nên phải làm nông mưu sinh’. FB VÕ AN ĐÔN
Cắt cỏ cho bò ăn là công việc khá khác lạ cho một luật sư
Cắt cỏ cho bò ăn là công việc khá khác lạ cho một luật sư.  LS ĐÔN

Cuộc sống sau khi bị tước thẻ

Luật sư Võ An Đôn cũng nói với BBC: “Sau khi bị tước thẻ, tôi vẫn cố gắng tư vấn pháp luật cho người dân trong một số vụ án dân sự.”

“Ngoài ra, tôi mưu sinh bằng việc làm nông, làm vườn, chăn nuôi để nuôi vợ và ba con từ 2 đến 7 tuổi.”

“Nói chung là giống như bất kỳ người dân nông thôn nào khác ở Việt Nam.”

“Người ta sống được thì mình sống được, dù trước khi có thu nhập ổn định thì mình đỡ hơn, còn nay thì phải tính toán mọi khoản chi tiêu trong nhà kỹ hơn.”

Trả lời câu hỏi của BBC về việc luật sư ở Việt Nam có nên bày tỏ chính kiến, và nếu có thì phải chuẩn bị tâm lý thế nào và sẽ gặp những rủi ro gì về nghề nghiệp, ông Đôn đáp:

“Theo tôi là luật sư thì phải biết bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề của xã hội. Vì hơn ai hết, luật sư được xem là thành phần tri thức, khi thấy những hiện tượng tiêu cực, bất công, vi phạm pháp luật, trái đạo đức thì mình phải có nghĩa vụ lên tiếng, để mọi người biết đâu là đúng, đâu là sai.”

“Luật pháp và chính trị được ví như hình với bóng, làm luật sư nghĩa là làm chính trị mà không dám bày tỏ chính kiến của mình, làm ngơ với các tiêu cực xã hội, chỉ biết kiếm tiền làm giàu cho bản thân, thì thật là hổ thẹn với lương tâm và với mọi người.”

“Luật sư Việt Nam muốn bày tỏ chính kiến thì phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, với những rủi ro thường gặp phải sau đây: bị an ninh thường xuyên theo dõi, bị tước thẻ luật sư, bị đi tù.”

“Tôi rất muốn các con của tôi sau này lớn lên thì sẽ theo nghề luật, vì nghề luật là nghề tôi đam mê từ thuở nhỏ. Hơn nữa, nghề luật giúp người học hiểu biết về pháp luật, mà pháp luật thì điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.”

“Người học luật có kiến thức tổng quát rộng, họ biết cách xử sự trong cuộc sống hàng ngày, biết đâu là đúng, đâu là sai nên hành vi của họ rất chuẩn mực.”

“Mình làm nghề luật thì có điều kiện giúp người khác về mặt pháp lý và đấu tranh cho sự công bằng của xã hội, để xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn.”

Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2108 viết:

“Trong sáu clip trả lời phỏng vấn của người có tên là Thanh Tâm trên tài khoản Facebook “Thanh Tâm Nguyễn”, ông Đôn đã nhân danh giới luật sư có nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn với nội dung không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, nói xấu thể chế chính trị. Bộ Tư pháp cho rằng những phát biểu của ông Đôn trong những clip này đã phủ nhận giá trị, vai trò của hệ thống pháp luật và hoạt động tố tụng Việt Nam; phủ nhận vị trí, vai trò của nghề luật sư và đội ngũ luật sư Việt Nam. Ông Đôn không đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cho các nội dung đã nói.”

Hồi tháng 11/2017, báo Việt Nam dẫn lời đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên giải thích quyết định tước thẻ luật sư là vì ông Đôn “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam”.

Nguồn: BBC

Bài Khác