Huế: Phá bỏ chánh điện chùa Từ Hiếu hơn 170 tuổi để xây mới

Huế: Phá bỏ chánh điện chùa Từ Hiếu hơn 170 tuổi để xây mới

.

Cảnh sắc thơ mộng của chùa Từ Hiếu. (Hình: Tuổi Trẻ)

THỪA THIÊN – HUẾ, Việt Nam – Phần chánh điện của chùa Từ Hiếu – ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng bậc nhất xứ Huế cũng là nơi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh từng xuất gia tu học và quay về an dưỡng đã bị tháo dỡ toàn bộ để xây dựng mới.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 7 Tháng Sáu, 2019, công cuộc “đại trùng tu” ngôi cổ tự nằm trên ngọn đồi Dương Xuân (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) này chỉ giữ lại hai phù điêu trang trí và một số chân tảng đỡ cột, toàn bộ cấu kiện và phần trang trí còn lại đều được thay mới trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của nhiều người.

Thượng Tọa Thích Từ Đạo, giám tự kiêm trưởng Ban Xây Dựng chùa Từ Hiếu, cho rằng chùa xuống cấp quá, không thể giữ lại. “Ngó rứa mà mối ăn, trong bộng hết, phải làm thôi, không làm thì sập, nguy hiểm,” Thượng Tọa Thích Từ Đạo nói.

Tin tờ Tuổi Trẻ cho biết, tại hiện trường việc làm mới gần như hoàn toàn, toàn bộ cấu kiện cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay…được làm bằng gỗ lim mới đã được dựng lên trên khu nền điện xưa.

Ngay cả mái ngói liệt cũng thay mới hoàn toàn. Các con giống trang trí trên bờ nóc, cuối mái cũng được làm lại bằng xi măng khảm gốm sứ. Công trình chỉ giữ lại hai mảng trang trí Long Mã khảm gốm sứ, thủy tinh và một số chân tảng bằng đá…

Một nữ du khách ngoại quốc chụp hình chánh điện chùa Từ Hiếu bị tháo dỡ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cách chánh điện mới đang xây chừng 50 mét về phía trái, toàn bộ số gỗ từ chánh điện cũ được tháo dỡ sắp xếp ngay ngắn thành khối vuông cao hơn 2mét. “Soi kỹ” từng cấu kiện, Tiến Sĩ -Kiến Trúc Sư Lê Vĩnh An, viện trưởng Viện Công Nghệ Việt Nhật (VJET) – Đại Học Duy Tân Đà Nẵng, xác định những cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay và cả rui mè, có lẽ do môi trường khói trầm, hương nên trong tình trạng tốt.

“Nhìn vào hiện trạng cấu kiện, tỷ lệ gỗ còn dùng được khoảng 70-80%, cho nên hoàn toàn có thể trùng tu với giá rẻ hơn nhiều so với làm mới, và có thể giữ lại công trình xưa tồn tại với chúng ta ít nhất hơn nửa thế kỷ nữa,” ông An nói với báo Tuổi Trẻ.

Theo tư liệu, chùa Từ Hiếu nguyên sơ là am An Dưỡng do Hòa Thượng Tánh Thiên – Nhất Định lập nên vào năm 1843. Đến năm 1848, Hòa Thượng Hải Thượng – Cương Kỷ xây dựng thành Tổ Đình quy mô hơn dưới sự hỗ trợ của triều đình, quan thái giám, Phật tử và đã trở thành một biểu tượng lòng hiếu thảo của người dân Việt Nam.

Cũng chính năm này, vua Dực Tông phong hiệu thành chùa Từ Hiếu với ý nghĩa “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là hạnh đầu của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.”

Ngoài yếu tố lịch sử, giá trị kiến trúc độc đáo, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng bởi nơi đây có lưu giữ phần mộ các quan thái giám triều Nguyễn.

Ngôi chánh điện hoàn toàn bằng gỗ mới. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngôi chùa trở thành một điểm gần như không thể bỏ qua đối với nhiều du khách mỗi khi đến Huế. Đặc biệt hơn, từ cuối năm 2018, khi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trở về đây, đã có rất đông du khách thập phương về hành lễ và chờ để gặp mặt ngài.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, thuộc dòng Liễu Quán, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Theo truyền thừa của Tổ đình Từ Hiếu thì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hiện là trú trì của ngôi chùa này.

Thế nhưng, cho đến nay chùa Từ Hiếu chưa được xếp hạng di tích, nhưng nằm trong danh mục 153 công trình, địa điểm được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên- Huế ra quyết định “bảo vệ”. Công trình “đại trùng tu” lần này được Sở Xây Dựng Thừa Thiên Huế cấp phép ngày 1 Tháng Ba, 2019.

Nhiều người cho rằng, sự việc diễn ra ở chùa Từ Hiếu chính là lời cảnh báo cho hàng loạt ngôi danh lam cổ tự, đình, đền lẫn các kiến trúc trong quần thể di tích-di sản quý giá của Huế hiện xuống cấp, đang “rục rịch” trùng tu.

Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định: “Hiện tượng ‘trùng tu,’ nhưng thực chất là làm phiên bản mới rất đáng báo động, không những trong việc trùng tu các ngôi cổ tự, nhà thờ, đền miếu… mà cả trong lĩnh vực tu bổ một số di tích cố đô Huế. Những người nặng lòng với di sản văn hóa đang không an tâm trước hiện tượng một số chùa Huế đang đánh mất thiền vị truyền thống, di tích cố đô cổ kính của Huế đang bị thay thế bởi những phiên bản kiến trúc cố đô thời công nghệ hiện đại…”

Nguồn: Người Việt

Bài Khác