Bảng quy hoạch mọc lên sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, cư dân phẫn nộ

Bảng quy hoạch mọc lên sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, cư dân phẫn nộ

.

Cư dân phản đối nhà chức trách cắm bảng quy hoạch khu đất vườn rau Lộc Hưng, phường 6, Quận Tân Bình, TP.HCM, ngày 11 tháng 1, 2019. (Hình trích từ video đăng trên Facebook)

Nhà chức trách Quận Tân Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Bảy đã cắm các bảng quy hoạch trên một khu đất vừa bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong những ngày gần đây, khơi lên sự phẫn nộ của những cư dân mất nhà cửa và cáo buộc của họ rằng chính quyền đang bắt đầu nỗ lực “cướp đất.”

Khoảng 200 căn nhà và cấu trúc ở khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, nơi sinh cư của nhiều thế hệ giáo dân Công giáo người bắc di cư vào nam từ năm 1954, đã bị phá sập vì bị cho là xây dựng trái phép trong khi nhà chức trách xúc tiến kế hoạch xây dựng một cụm trường học đạt chuẩn quốc gia trên khu đất này.

Cư dân khẳng định họ có chủ quyền đối với khu đất và đã không được giới hữu trách tham khảo ý kiến về dự án thi công. Một cư dân bị mất nhà nói với VOA rằng ba bảng quy hoạch đã nhanh chóng được dựng lên trong ngày thứ Bảy để xác lập quyền quản lí khu đất.

“Chúng tôi có kéo nhau ra (khu đất) lúc 1 giờ 30 chiều để phản bác việc nhà nước tự dựng bảng quy hoạch trên đất của chúng tôi khi chưa có quyết định thu hồi,” ông Cao Hà Trực nói với VOA qua điện thoại tối ngày thứ Bảy. “Tôi khẳng định chính quyền cố tình cướp đất của chúng tôi.”

Những video đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân tụ tập tại một góc đường la lối và chỉ trỏ đầy phẫn nộ trước một tấm bảng quy hoạch trong khi lực lượng an ninh mặc sắc phục lảng vảng xung quanh theo dõi. Không có vụ đụng độ nào được báo cáo.

Trước đó một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Quận Tân Bình nói với báo Tuổi Trẻ rằng hai đợt cưỡng chế vào ngày 4 và 8 tháng 1 mà quận thực hiện đã được chính quyền thành phố chấp thuận, và rằng họ tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất.

Vị lãnh đạo không được nêu danh tính này cũng khẳng định quận thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình như lập biên bản, ban hành quyết định, thông báo, niêm yết trước khi cưỡng chế.

Nhưng cư dân khu vườn rau bác bỏ những tuyên bố đó.

Ông Trực nói nhà chức trách “chưa bao giờ” chính thức làm việc với ông về quyết định cưỡng chế và họ từ chối giải thích khi được ông và người nhà yêu cầu.

“Khi chúng tôi hỏi là, ‘ông phó chủ tịch, ông cho tôi coi giấy tờ quyết định cho ông vô nhà tôi dọn đồ mà không xin phép,’ thì ông ấy nói là, ‘Tao không cần giấy tờ gì hết, tao không phải đưa quyết định gì cho mày,’” ông kể.

VOA không thể liên lạc được ngay tức thì với Ủy ban Nhân dân Phường 6 Quận Tân Bình để yêu cầu bình luận.

Trong khi đó nhà chức trách Quận Tân Bình cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền về vụ cưỡng chế bằng cách kêu gọi người dân ủng hộ dự án xây trường học “vì sự nghiệp giáo dục của quận nhà,” theo một tờ thông báo của Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình.

Ban Tuyên giáo cũng nói rằng Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt “mức giá hỗ trợ” là 7.055.000 đồng một mét vuông cho các hộ dân tại “khu vực đất công cộng.”

Ông Trực, 47 tuổi và có bốn người con, cho biết hiện ông đang ở nhờ nhà của bố đẻ gần đó cùng với 24 anh em trong gia đình. Nhưng ông nói ông còn may mắn hơn rất nhiều người đang không có chỗ ở. Cú sốc mất đất đai và nhà cửa choán hết tâm trí của nhiều người và đặc biệt đau đớn khi dịp tết đang đến gần.

“Người người, nhà nhà đang rạo rực, chuẩn bị vui đón xuân thế mà… Sao chúng tôi lại không được rộn ràng theo???” một cư dân chia sẻ trên Facebook kèm theo những hình ảnh nhà cửa bị đập phá tan hoang. “Lòng dạ nào, tâm trí nào nữa mà đón tết.”

Nguồn: VOA

Bài Khác