Vụ 39 người chết: Truyền thông quốc tế nói gì?

Vụ 39 người chết: Truyền thông quốc tế nói gì?

Vợ chồng ông Phạm Văn Thìn, nhớ về con gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi) - ảnh tại nhà ở Hà Tĩnh ngày 26/10
Image captionVợ chồng ông Phạm Văn Thìn, nhớ về con gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi) – ảnh tại nhà ở Hà Tĩnh ngày 26/10

Một tuần kể từ khi nhà chức trách Anh phát hiện 39 thi thể trong xe thùng tại Essex phía đông London hôm 23/10, truyền hình và đài báo Anh nói riêng và toàn cầu nói chung liên tục theo dõi và tường thuật về thảm kịch này.

Trong khi nhà chức trách Anh chưa tuyên bố danh tính các nạn nhân bởi công tác giảo nghiệm còn đang được tiến hành, báo chí bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về khu vực được cho là nơi nạn nhân ra đi.

BBC và Reuters đều có phóng viên tới Yên Thành, Nghệ An, nơi có một số gia đình đề nghị ngoại giao Việt Nam thông qua phía Anh tìm người nhà mất tích.

Jonathan Head, phóng viên BBC News Đông Nam Á gặp một gia đình đang chờ đợi trong đau khổ và tuyệt vọng.

“Đã hơn 10 ngày kể từ lần cuối họ nghe tin từ Nguyễn Trọng Thái, 26 tuổi và rồi gia đình bắt đầu nghe được tin có chuyện chẳng lành và công an tới để lấy mẫu tóc và móng tay.

“Khả năng tồi tệ rằng con trai họ có thể nằm trong số 39 người chết trong xe thùng và mẹ của Thái chỉ biết trong đợi chính phủ Anh Quốc mau chóng tìm ra con trai mình.

Phóng viên BBC mô tả hầu hết nạn nhân trong xe được cho là tới từ khu vực này của Việt Nam và rất nhiều gia đình khác cũng đang cùng quẫn vì chưa có tin xác nhận.

“Người ta nói rằng, nghèo đói là nguyên nhân khiến người dân ở đây tìm đường ra nước ngoài, nhưng điều đó không hẳn chính xác”.

Vụ 39 người chết tại Anh: Làng quê Việt Nam chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Theo Jonathan Head, nhiều vùng của Việt Nam còn nghèo, nhưng ở đây, người ta thấy có thể giàu nhanh lên cỡ nào chỉ sau vài năm sống ở Anh và nhà lầu, xe hơi bóng loáng chính là động lực thúc đẩy các thanh niên ở đây tìm đường ra nước ngoài.

Bài phóng sự video có phỏng vấn Lê Đình Tuấn, từng đi trên một chuyến xe như vậy hơn 10 năm trước, với điểm đến cuối cùng là Anh sau khi trót lọt nhờ đi trong một chiếc xe tải.

“Tuấn được nhận vào làm trong một cơ sở trồng cần sa và sau đó bị bắt, ngồi nhà giam 7 tháng và bị trục xuất về Việt Nam và tuy vậy, đến thời điểm này, anh vẫn giữ ước nguyện được cùng cả gia đình sang Anh sinh sống.

Theo phóng viên BBC, thời gian qua đi đã hình thành một sợi dây liên kết ngầm giữa Anh Quốc và vùng quê này của Việt Nam. “Sợi dây từng được kết thành từ ước mơ đổi đời, nhưng giờ lại là bằng một thảm kịch,” Jonathan Head bình luận.

Cảnh chụp ở Hà Tĩnh
Image captionCảnh chụp ở Hà Tĩnh

Miền biển bị nhiễm độc

Bài ‘Postcards from a poisoned coast: Vietnam’s people-smuggling heartland‘ (tạm dịch ‘Ký sự từ miền biển bị nhiễm độc: Cái nôi buôn lậu người tại Việt Nam’ của James Pearson, trưởng văn phòng Reuters tại Hà Nội, viết sau chuyến đi tới Nghệ An vào tuần này nói về một số điểm đáng chú ý.

Theo quan sát của tác giả, Nghệ An và Hà Tĩnh có khá nhiều các biển quảng cáo về việc làm của các công ty xuất khẩu lao động hoặc du học nước ngoài.

“Hàng ngàn người bị hấp dẫn của một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài mỗi năm, nhưng nhiều người đi theo con đường chui – thông qua những kẻ đưa người lậu và đôi khi là những chuyến đi nguy hiểm bằng đường biển và đường bộ.

Trong số những người từng lên đường từ Nghệ An đi tìm việc ở nước ngoài có nhà cách mạng cộng sản và người lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí MinhJames Pearson, Reuters, Hà Nội

“Hiện tượng này hiện đang được soi rọi mạnh sau khi 39 thi thể được phát hiện trong một chiếc xe tải ngoại vi London vào tuần trước và người ta lo rằng nhiều nạn nhân là người Việt từ Nghệ An và Hà Tĩnh”.

Bài viết mô tả việc làm thiếu thốn, chính quyền động viên [đi nước ngoài lao động], các băng đảng buôn lậu, thảm họa môi trường và áp lực của chính phủ đối với người Công giáo là “tất cả các yếu tố địa phương đằng sau làn sóng người di cư”.

Một người đàn ông có cháu nghi là nạn nhân trong số 39 người nói với Reuters rằng hầu như tất cả mọi người ở đây đều có người thân ở nước ngoài và rằng người già ở lại nhưng người trẻ phải tìm cách làm việc ở nước ngoài vì khó khăn về công việc ở địa phương.

Một người cha mất liên lạc với con trai đã đặt bàn thờ cho con mình

“Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi ích của người dân di cư hợp pháp ra nước ngoài để làm việc là rõ ràng,” theo tác giả.

“Ủy ban Nhân dân Tỉnh Nghệ An đã có một báo cáo về thúc đẩy xuất khẩu lao động trong tháng 9 này.

“Xuất khẩu lao động là ưu tiên của trong Chương trình phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm thúc tiến tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển nghề nghiệp và tạo thu nhập cho người dân, báo cáo về Quyết định số 274/2009 / NQ-HDND nói.

Trong khi GDP bình quân đầu người ở cả hai tỉnh thấp hơn mức trung bình quốc gia thì tiền chuyển từ nước ngoài về đóng vai trò cải thiện với chỉ riêng Nghệ An đã mang về 255 triệu đô la mỗi năm, theo truyền thông nhà nước.

Xuất khẩu lao động là một giải pháp cho thất nghiệp, Phó chủ tịch xã Thanh Lộc, huyện Cần Lộc, Nguyễn Quang Phú nói với Reuters. “Kiều hối đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân ở đây”.

“Bất chấp lợi thế kinh tế, thảm kịch vào tuần trước đã phơi bày giới hạn về khả năng Đảng Cộng sản quản lý việc mọi người ra đi như thế nào. Cộng đồng Công giáo mạnh và băng đảng buôn người đều gây đau đầu cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự cố nhiễm độc ngư trường cách đây ba năm trước là một động lực thêm để người ta tiếp tục ra nước ngoài,” tác giả phân tích.

Hiện trường vụ 39 nạn nhân trong xe tải đông lạnh ở Anh

Nhà báo James Pearson mô tả Nghệ An và Hà Tĩnh có bề dày quá khứ về hành trình ra nước ngoài tìm việc.

“Trong số những người từng lên đường từ Nghệ An đi tìm việc ở nước ngoài có nhà cách mạng cộng sản và người lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, đã đến Liên Xô cũ vào những năm 1990 trước khi về nước để xây dựng tập đoàn Vingroup của mình. Hà Tĩnh là quê của ông Vượng”.

Mimi Vu, một nhà hoạt động độc lập chống buôn người tại TP HCM, được dẫn lời nói: “Những người từ các tỉnh này [Nghệ An và Hà Tĩnh] có lịch sử nhiều năm về việc đi nước ngoài để kiếm tiền gửi về nước, đặc biệt là trong thời gian có chương trình xuất khẩu lao động cho các nước thuộc khối Xô Viết cũ.

“Sau nhiều thập niên, người dân tin rằng, đó là cách duy nhất để thành công và giúp gia đình bằng kiều hối, bà Vũ nói. Mặc dù không thể định lượng được, nhưng người dân địa phương và các chuyên gia nghiên cứu về buôn người tin rằng nhiều người rời đi với sự giúp đỡ của các băng đảng buôn lậu tại Việt Nam, những người tính phí nhiều ngàn đô la với các gia đình để đưa được người thân ra nước ngoài”.

Theo tác giả, cơ hội việc làm tại địa phương đã bị cản trở bởi thảm họa môi trường hồi 2016 với sự cố cá chết hàng loạt do ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung và điểm đầu tiên là Vũng Áng, Hà Tĩnh và thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt, và sinh kế của ngư dân.

“Báo tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng trước cho biết hơn 40.000 người rời tỉnh hàng năm để làm việc ở nơi khác, bao gồm cả tại nước ngoài,” Reuters dẫn nguồn chính phủ Việt Nam.

Trong khi đó nhà báo Annie Kelly từ tờ The Guardian của Anh kể về cuộc phỏng vấn cô thực hiện với một thanh niên Việt Nam vào năm ngoái vốn từng vượt từ Pháp vào Anh qua eo biển trong chiếc xe thùng sau khi được đưa qua nhiều địa điểm khác nhau.

Khi tới Pháp, cậu được nói phải trả 20 ngàn bảng và cách để trả món nợ mà bản thân cậu và gia đình không có khả năng chính là việc chấp nhận bị dưa vào cơ sở trồng cần sa tại Anh sau này.

Xét về luật thì có sự phân tách giữa công việc làm lậu và nô lệ hiện đại. Tức là một đằng là tội phạm trong khi cũng có thể được coi là nạn nhân và trên thực tế danh giới giữa hai khái niệm này là không thật rõ ràng.

Trên toàn Anh Quốc, hàng ngàn người bị đẩy vào tình trạng bị bóc lột và không được trả tiền khi làm ở nhà hàng, điểm rửa xe, cánh đồng nông nghiệp, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, khách sạn và tiệm làm móng. Họ là những người ta có nhìn thấy nhưng lại không thấy, theo tác giả.

Bài viết bàn về thực trạng số vụ bị bắt và truy tố và kết tội liên quan tới nô lệ hiện đại và buôn người lậu là rất nhỏ so với số người sống chui lủi.

“Các kẻ buôn người nói với những nạn nhân rằng nếu họ gặp cảnh sát thì họ sẽ bị bắt và giam giữ, và thường thì đúng như vậy,” theo tác giả. “Con số chính thức nói có tới 15000 người bị kẹt vào một kiểu lao động nô lệ hiện đại nào đó. Trong khi đó giai đoạn 2017-18 chỉ có 185 người bị kết tội”.

Vấn đề nằm ở chỗ những nạn nhân có ra trình báo để đi theo qui trình xét xử theo luật với hy vọng được cấp qui chế tị nạn hay không.

Họ có thể thấy mình bị mắc kẹt trong tình thế phức tạp và cuối cùng, các nạn nhân có lẽ sẽ được đưa trở lại đất nước nơi họ ra đi: theo số liệu của chính phủ Anh, chỉ có 12% nạn nhân của cái gọi là nô lệ hiện đại được cấp qui chế vĩnh trú, tác giả cho biết.

Port of Zeebrugge sign
Image captionQuan chức Zeebrugge tin rằng “39 người đã chết” khi thùng xe đông lạnh vào cảng này trước khi sang Anh

Còn tờ Telegraph của Anh có bài mô tả khả năng 39 nạn nhân có thể bị chết ngạt thay vì bị chết cóng bởi tài xế tưởng xe này chở bánh quy.

Báo này dẫn nguồn nhà chức trách Bỉ xác nhận nghi phạm bị bắt ở cảng Dublin của Cộng hòa Ireland chính là tài xế đã chở thùng container chứa 39 thi thể tới cảng Zeebrugge của Bỉ trước đó.

Báo Het Nieuwsblad ở Bỉ dẫn lời quan chức ở cảng Zeebrugge nói tài xế Robinson được cho là đã nói rằng anh ta không cần bật hệ thống làm lạnh của container vì những chiếc bánh bên trong container này không cần phải làm lạnh.

Tuy nhiên hiện chưa có xác nhận độc lập nào trong bối cảnh phiên tòa xử tài xế đã và đang diễn ra.

Báo Trung Quốc chỉ trích báo chí phương Tây

Tờ Global Times của Trung Quốc chỉ trích “tiêu chuẩn kép” của truyền thông Anh và phương Tây quanh vụ 39 người chết.

Hôm 29/19, xã luận tiếng Anh và tiếng Hoa của báo này nói truyền thông phương Tây “máu lạnh” lợi dụng vụ việc để phê phán bất bình đẳng và nghèo ở Việt Nam, mặc dù cảnh sát Anh chưa xác nhận danh tính của nạn nhân.

Tờ báo này nói truyền thông phương Tây trước đó có các bài tương tự về Trung Quốc khi ban đầu tưởng đây là nạn nhân Trung Quốc.

“Dư luận châu Âu chưa kiểm điểm trách nhiệm đạo đức của họ vì bi kịch, nhưng lại xoay cáo buộc sang các nước nơi xuất phát của người di cư bất hợp pháp,” tờ báo viết.

Bài Khác