Võ sĩ Robot

Võ sĩ Robot

By Trần Trí Dũng – May 6, 2019

“Robot Fighting” là cuộc tỉ thí giữa 2 võ sĩ máy mỗi bên tìm đủ cách để phá hủy / làm đối phương bất động. Có nhiều cách gọi khác như “Robot Battles”, “Robot Wars”, “Battle Bots”… chung quy để chỉ trận tranh tài cao thấp giữa cặp robot được điều khiển bằng vô tuyến. 

Các cặp đấu robot thường tuân thủ giới hạn cân nặng rất sít sao vì chỉ cần chênh lệch tí ti có thể là lợi thế hoặc bất lợi lớn. Thí dụ các võ sĩ máy dự tranh “Battlebots” chỉ được có trọng lượng tối đa không quá 250 lb (113 kg). Tương tự như võ đài thực thụ, các trận “máy đấm” cũng giới hạn thời gian, thường là 3 ván. Võ sĩ robot thắng trận khi làm cho đối phương “đứng hình” vì máy móc, computer bị cháy, hoặc bị dồn vô góc hết đường nhúc nhích. Nếu đôi bên bất phân thắng bại sau 3 ván, các giám khảo chọn kẻ thắng cuộc qua điểm số.

Thực tế môn chơi võ sĩ robot đánh nhau ngày càng phổ biến. Các cuộc tranh hùng Robot lần đầu được chiếu trên TV nhiều nhất ở Hoa Kỳ và Anh Quốc từ cuối thế kỷ 20, và bùng phát trở lại khoảng 10 năm gần đây. Tất cả 18,000 vé vào sân Staples Center ở thành phố Los Angeles tiểu bang California xem trận chung kết League of Legends World Finals năm 2017 bán sạch chỉ trong vòng 45 phút. Thêm 36 triệu khán giả xem trên internet, thậm chí nhiều hơn số người xem Game 7 trong series chung kết banh rổ quốc gia NBA Final năm đó. Không khó hiểu khi có những dự báo “Robot Fighting” đang thành “next UFC”, thậm chí sẽ trở nên môn thể thao mới của thế kỷ 21.

Thiết kế và tốn kém của các võ sĩ robot cũng rất khác nhau. Ðơn cử người máy “Mark III” chỉ riêng phụ tùng đã ngốn hết $750,000 – tổng cộng tốn kém $2.5 triệu.

Thiết kế “Robot” đặc biệt nhắm đến trang bị các “võ khí” triệt hạ đối phương mau lẹ nhất. Nhiều người máy “đô con” có đeo xích sắt để đi đứng vững vàng và dễ bề “ăn hiếp” đối thủ. Có võ sĩ “Chain Saw” với cánh tay cưa sắt để cắt vụn đối phương. Các máy “Rammer” nặng ký máy mạnh sở trường ủi đối phương liên tục tới khi… bể bụng mới thôi.

Những robot “Flipper” lại có cánh tay đặc dụng để lật đối thủ chổng vó lên trần nhà. Lại thấy có người máy “Crusher” với những chiếc gọng thép nghiền “con người ta” như nghiền giấy. Robot “Mark III” thượng dẫn thiết kế khéo léo đến nỗi, ngay cả khi các cánh tay bị kéo đứt, phần còn lại của robot vẫn đánh đấm hữu hiệu. Ngoài kỳ công của kỹ sư, đây còn là một chiêu câu khách, vì khán giả xem robot đánh nhau rất thích cảnh tay chân mình mẩy người máy tróc, vỡ… càng nhiều càng giải trí cao. Thậm chí, có kỹ sư còn soạn chương trình máy tính làm cho Robot làm như thể biết… thở hổn hển, mệt nhọc, v.v… Nhưng thiết kế thế nào thì các “cha đẻ” của võ sĩ Robot cũng phải tuân thủ một số luật chơi chung như: không được gắn súng ống, lựu đạn, lưới, chất lỏng, hoặc các kỹ thuật phá sóng vô tuyến “Radio Jamming”, phá bình điện, phóng hỏa, v.v…

Một trong những giải đấu võ sĩ robot đầu tiên là “Critter Crunch” có mặt tại Hoa Kỳ từ năm 1987. Các trận “Robot Battles” lần đầu tiên ra mắt năm 1991. Ðến 1994 có trận Robot Wars đầu tiên ở San Francisco và tái ngộ 2 năm gần đây 2017&2018 trên đài BBC2. Năm 1999 xuất hiện BattleBots trên đài Comedy Central thường xuyên đến 2002. Năm 2004 – Robot Combat ra mắt với các cuộc tranh hùng ở nhiều nước khác nhau. Nhưng đặc sắc bậc nhất có lẽ là các sự kiện mang tên “Megabots” với các kỹ sư Hoa Kỳ và Nhật đua tranh chế tạo siêu Robot bắt chước mẫu “Transformers”. Các chú người máy này nặng sơ sơ vài tấn và khi đối đầu trực tiếp thì vô cùng hấp dẫn.

Mùa hè 2015, lần đầu tiên công ty MegaBots Inc của Hoa Kỳ trình làng người máy “Mark. II” cao 15-foot nặng 12,000lb có thể ném vật thể nặng 3lb tốc độ trên 130 MPH. Trận đánh giữa “Mark II” và 1 robot Nhật cao 13-foot chiếu trên YouTube được gần 7 triệu khán giả đón xem. Tháng 10, 2017, lại có lần đọ sức tập 2 mệnh danh là “The Giant Robot Duel” với “Eagle Prime” đụng độ “KURATAS”. Quanh sự kiện này, các kỹ sư MegaBots gây quỹ được $550,000 và sau đó thu hút thêm $3.85 triệu tài trợ từ các mạnh thường quân.

MegaBots Inc. tham vọng mở mang thành giải đấu nhiều Robot triệu bạc, thu hút nhiều nhà đầu tư, hứa hẹn khán giả yêu thích cảm giác mạnh được giải trí lành mạnh dù ít máu me, đồng thời tạo dựng kỹ nghệ thể thao giải trí mới với doanh số bạc tỉ mỗi năm.

TTD

Bài Khác