Việt Nam xuống hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu

VN xuống hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu

.

Ảnh minh họa: Một triễn lãm về khoa học kỹ thuật công nghệ ở Hà Nội trước đây. AFP

Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp xuống hạng trong bảng chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI), đứng sau cả Lào và chỉ xếp trên Campuchia.

Vietnamnews loan tin vừa nói hôm 23 tháng 1 năm 2019.

Cụ thể năm 2019, Việt Nam xếp hạng 92 trên tổng số 125 quốc gia về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu – GTCI, thấp hơn đa số các nước trong khu vực ASEAN, chỉ đứng trên Campuchia.

Chỉ số GTCI, viết tắt theo tiếng Anh là Global Talent Competitiveness Index, do trường Đào tạo về kinh doanh INSEAD của Pháp phối hợp với Tập đoàn Dịch vụ tuyển dụng nhân sự Adecco của Thụy Sỹ và Human Capital Leadership Institute – của Singapore, công bố hàng năm. Báo cáo đo lường kết quả trung bình dựa trên 68 yếu tố, gồm 125 quốc gia tham dự.

Theo báo cáo, với vị trị 92/125, Việt Nam tiếp tục tụt hạng trong năm thứ 4 liên tiếp. Năm 2018, Việt nam đứng thứ 87 và năm 2017 là 86.

Nổi bật nhất trong khu vực là Singapore với vị trí thứ 2. Các quốc gia khác như Malaysia hạng 27, Phillipines 58, Thái Lan 66, Indonesia 67, Lào xếp hạng 91 và Campuchia thứ 107.

Theo ông Andree Mangels, Giám đốc Điều hành Adecco Việt Nam, nhân lực Việt Nam dù rất chăm chỉ và có tinh thần khởi nghiệp, vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư.

Năm nay, Thụy Sĩ là nước có chỉ số GTCI cao nhất, theo sát là Singapore, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan. Đây là những quốc gia có thu nhập cao, chính sách và quy định về thu hút nhân tài ít bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị – xã hội.

Trong  khi đó, Việt Nam đã lần đầu tiên có tên trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng.

Đây là lần thứ 7 Bloomberg thực hiện xếp hạng này. Các quốc gia được xếp hạng về mức độ sáng tạo dựa 7 tiêu chí chính, gồm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; giá trị gia tăng trong ngành sản xuất; năng suất lao động; mức độ tập trung của các công ty đại chúng trong lĩnh vực công nghệ cao; hiệu quả của giáo dục bậc cao; mức độ tập trung của các nhà nghiên cứu; và hoạt động bằng sáng chế.

Hàn Quốc tiếp tục đứng ở vị trí số 1, Đức bám sát nút Hàn Quốc nhờ những bước tiến trong nghiên cứu và giáo dục.

Mỹ tăng từ vị trí thứ 11 của năm ngoái lên vị trí thứ 8 của xếp hạng năm nay.

Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có 3 nước khác có mặt trong xếp hạng, gồm Singapore vị trí 6, Malaysia thứ 26 và Thái Lan 40.

Theo Bloomberg, tổng số điểm của Việt Nam trong đánh giá này đạt 45,92 điểm, so với mức 87,38 điểm của nước đầu bảng Hàn Quốc. Việt Nam có điểm số thấp nhất ở tiêu chí mật độ các công ty công nghệ cao, và điểm cao nhất là năng suất.

Nguồn: RFA

Bài Khác