Việc quân sự hóa, mở rộng đá Chữ Thập và Huy Gơ ở Trường Sa của TQ vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế

Việc quân sự hóa, mở rộng đá Chữ Thập và Huy Gơ ở Trường Sa của TQ vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế

Ngày đăng 06-05-2019

Chữ Thập và Huy Gơ là hai đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng, kiểm soát trái phép. Sau đó, nước này đã liên tục mở rộng, cải tạo để biến hai đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này.

Hình ảnh về hoạt động quân sự hóa, mở rộng đá Chữ Thập và đá Huy Gơ của TQ. Nguồn: AMTI/CSIS

Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiến hành chiếm đóng, kiểm soát đá Chữ Thập, sau đó không ngừng mở rộng, cải tạo xây dựng , ý đồ muốn biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất của nước này án ngữ ở Biển Đông, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền trong vùng biển này. Trong khi đó, bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, hay còn gọi là đá Tư Nghĩa. Bãi đá này chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Cũng trong năm 1988, Trung Quốc bất ngờ cho quân đội chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ.

Chữ Thập là một trong 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa mạnh nhất hiện nay. Trong thời gian ngắn chưa đầy 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m được trang bị hệ thông thông tin liên lạc gồm ăng-ten, radar. Nước này đã phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 10/2018, Trung Quốc đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nước này còn dựng lên một tượng đài để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Trên đá Chữ Thập có một bệnh viện với hơn 50 bác sỹ, các tàu thuyền cơ động cao tốc.

Tại bãi đá Huy Gơ, Trung Quốc xây dựng một toà nhà kiên cố 02 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… Từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 02 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ. Trung Quốc huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Huy Gơ cũng với ý đồ nham hiểm là biến nơi đây thành căn cứ quân sự tiền đồn của họ. Theo các báo cáo mới nhất từ các nước, hiện nay căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 rada hàng hải và 2 parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30mm (7 nòng), tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100m. Trung Quốc còn cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Huy Gơ, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng.

Nghiêm trọng nhất là việc Trung Quốc lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên đá Chữ Thập. Bên cạnh đó là hầm, kho chứa bom, đạn và các khí tài quân sự khác. Nhiều cơ sở radar và hầm chứa tên lửa cũng được phát hiện khắp hòn đảo. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã lắp đặt trên 2 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam các thiết bị có khả năng làm nghẽn hệ thống radar và liên lạc. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc đang xây dựng tại đá Chữ Thập một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.

Dư luận đang quan ngại việc Trung Quốc sử dụng “chiến lược cải bắp” tại đá Huy Gơ. Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc duy trì số lượng lớn tàu các loại xung quanh khu vực đá này. Có thời điểm, số lượng tàu khoảng từ 40 đến 50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, về ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi. Đáng chú ý, trong số đó có cả những tàu tải trọng rất lớn vượt trội các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng, lên đến vài nghìn tấn nhưng lại được phía Trung Quốc đưa vào danh sách tàu cá. Những tàu cá này của Trung Quốc nổi tiếng hung hăng và sẵn sàng sử dụng vũ khí để ngăn cản, xuôi đuổi khi có tàu nước ngoài tiếp cận khu vực xung quanh bãi Huy Gơ. Đội ngư dân là lực lượng “hải quân mới” của Trung Quốc. Những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân Trung Quốc trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước.

Cộng đồng quốc tế, khu vực quan ngại sâu sắc về hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo về hệ lụy của hành động này. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thâp là “một sự leo thang lớn”. Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự; nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Bài Khác