Vì sao Việt Nam chưa chọn một phe nào ở Venezuela?

KAMI –

Vì sao Việt Nam chưa chọn một phe nào ở Venezuela?

.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí chiều 24/1. Ảnh: NH

Ngày 26/1/2019, trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các nước là thành viên Liên Hiệp Quốc hãy “chọn một phe” ở Venezuela, đồng thời ông này thúc giục các nước ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido và kêu gọi bầu cử tự do và công bằng sớm nhất có thể.

Cho đến thời điểm này (ngày 28/1/2019), giữa lúc tình thế xung đột quyền lực giữa chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và lãnh tụ phe đối lập Juan Guaido, vẫn đang ở thế giằng co, chưa thể có kết quả ngã ngũ như mong đợi của không ít người quan tâm. Các nước trên thế giới đã lần lượt chọn bên ủng hộ cho mình tạm chia thành 03 bên:

  1. Một bên là các nước đứng đầu là Hoa Kỳ ủng hộ Tổng thống lâm thời Juan Guaido gồm các nước:  Anh, Pháp, Đức, Australia, Irael, Albania, Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Guatemala, Honduras, Panama, Paraguay, Peru, Kosovo, Ukraine, El Salvador, Georgia.
  2. Một bên là các nước ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro đứng đầu là Nga và các nước: Trung Quốc, Bolivia, Cuba, Iran, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay, Syria, Bắc Hàn, Campuchia.
  3. Phần còn lại đông nhất là các nước đến giờ phút này vẫn tỏ ra trung lập, họ chưa quyết định ủng hộ bên nào, trong đó có Việt Nam.

Trong bài viết “Khủng hoảng chính trị tại Venezuela với góc nhìn từ Việt Nam”, về lập trường của Chính phủ Nước CHXH Chủ Nghĩa Việt Nam, theo đó có đánh giá rằng, “Liên quan đến biến động chính trị tại Venezuela, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 24/1/2019 có một phát biểu thuộc hàng siêu đẳng của chính trị đu dây khi cho biết: “Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình và ổn định, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Venezuela, vì lợi ích của nhân dân 2 nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định hợp tác giữa 2 khu vực và trên thế giới”.” Kèm theo lời giải thích, “Muốn làm chính trị được người ta phải biết phát biểu khéo léo đến như thế để không mất lòng ai cả”.

Rất đơn giản, việc các quốc gia quyết định việc ủng hộ một bên trong vấn đề ở Venezuela hoàn toàn dựa trên chính sách đối ngọai và lợi ích quốc gia của họ. Đối với Việt Nam cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.

Như chúng ta đã biết, chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam hiện nay, với lập trường và quan điểm dứt khoát là, Việt Nam không liên minh hay liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại bên thứ 3. Đó chính là lập trường “ba không” của nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại. Nội dung của chính sách “ba không” cụ thể là, Việt Nam cam kết “không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước nào để chống nước khác”. Đây là điều mà những người không ủng hộ chủ trương này cho là “chính sách ngoại giao du dây”.

Tại thời điểm hiện tại, giữa lúc quan hệ Việt Nam – Trung Quốc căng thẳng dần lên, là điều khác hẳn với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang có những chuyển biến tích cực và xu hướng xich lại gần nhau nhiều hơn xung quanh vấn đề lập trường ở Biển Đông. Cụ thể,gần đây Việt Nam bất ngờ đưa ra những yêu sách cứng rắn với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Asean và Bắc Kinh. Theo đó, phía Hà Nội đòi đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hành động mà Bắc Kinh đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua, trong đó bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai các loại vũ khí phong toả biển như hệ thống tên lửa.

Đồng thời, Việt Nam cũng thúc đẩy những điều khoản nhằm ngăn chặn Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực Biển Đông, một động thái mà Bắc Kinh đã từng đơn phương thực hiện trên khu vực biển Đông Trung Hoa vào năm 2013. Đồng thời Hà Nội yêu cầu các nước tham gia đàm phán minh định yêu sách của họ về chủ quyền trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế. Động thái này nhiều khả năng nhắm vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông.” Đó là những minh chứng không thể chối bỏ.

Tuy nhiên, về mặt hình thức quan hệ giữa Việt Nam và Venezuela là quan hệ giữa 2 quốc gia có cùng lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội, là một chiêu bài của Ban lãnh đạo đảng CSVN hòng đánh lừa dân chúng, đặc biệt là thành phần cựu chiến binh nhằm duy trì ngôi vị lãnh đạo độc tôn của họ. Kể cả việc phía Việt Nam từng mất trắng khoản tiền góp vốn đầu tư 1,8 tỷ USD để thăm dò dầu khí ở Venezuela cũng không ngoài mục đích này. Nói một cách ngắn gọn, nếu đặt vấn đề sự sống còn về chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông đề so sánh với mối quan hệ Việt Nam – Venezuela thì rất dễ dàng có câu trả lời, cho câu hỏi “Việt Nam sẽ chọn ủng hộ bên nào trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Giữa Nicolas Maduro và Juan Guaido?”.

Sự lưỡng lự của Việt Nam trong vấn đề này cũng có lý do của nó, bởi việc giải quyết khủng hoảng chính trị ở Venenezuela không đơn giản như người ta nghĩ. Việc Nicolas Maduro giải quyết cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ một cách hết sức mềm dẻo, cũng như không bắt giữ lãnh tụ đối lập Juan Guaido, đã khiến Donald Trump vẫn chưa tìm được một lý do chính đáng nào để dùng lực lượng quân sự để can thiệp vào Venezuela. Chưa kể đến việc Nga và Trung Quốc không dễ gì từ bỏ chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro, vì họ vẫn hi vọng sẽ thu hồi lại hàng tỉ đôla các khoản đầu tư và viện trợ tại Venezuela trong nhiều năm qua. Nói như vậy để thấy, việc Nicolas Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ phía quân đội Venezuela, đây là yếu tố quan trọng bậc nhất.

Người ta cho rằng, quân đội Venezuela hàng chục năm qua được sự ưu ái và nhận nhiều bổng lộc từ các chính sách của các chính phủ trước đó cũng như Nicolas Maduro, cho đó là nguyên nhân quân đội đến lúc này vẫn ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, dưới áp lực từ nhiều phía thì sự trung thành này sẽ trở thành có giới hạn, quân đội Venezuela sẽ sử dụng quyền lực của mình để truất phế Nicolas Maduro nếu thấy cần thiết là vấn đề trong tầm tay của họ. Việc lãnh tụ đối lập Juan Guaido bí mật gặp lãnh đạo quân đội Venezuela hôm nay, sẽ chính là hành động rút lửa đáy nồi. Nếu các vấn đề hai bên – giữa quân đội và Juan Guaido đưa ra đạt được thỏa thuận, đảm bảo khủng hoảng chính trị tại Venezuela được giải quyết một cách hòa bình, tránh đổ vỡ thì chắc chắn số phận của Nicolas Maduro khi ấy sẽ được định đoạt. Tất nhiên các vấn đề vừa nêu sẽ là cả một quá trình, không thể giải quyết một vấn để mà tránh được đổ vỡ trong ngày một, ngày hai.

Không cần nói đến sự khéo léo và uyển chuyển của truyền thông nhà nước Việt Nam trong việc đưa tin vấn đề khủng hoảng tại Venezuela sẽ không làm mất lòng bất cứ bên nào. Chính vì thế, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 24/1/2019 liên quan đến biến động chính trị tại Venezuela, khi cho rằng: “Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình và ổn định, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Venezuela, vì lợi ích của nhân dân 2 nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định hợp tác giữa 2 khu vực và trên thế giới”.” có hợp lý hay không? Khi mà người ta nói ủng hộ nhà nước Venezuela nói chung, chứ họ có nói ủng hộ cụ thể cho bên nào đâu? Nói như vậy thì bất kể bên nào thắng thì Việt Nam chả làm mếch lòng bất cứ ai cả.

Ngày 28 tháng 01 năm 2019

© Kami

Nguồn: Kami’s Blog / RFA

Bài Khác