Vì sao Mỹ « giơ cao đánh khẽ » với Airbus ?

Vì sao Mỹ « giơ cao đánh khẽ » với Airbus ?

Minh AnhĐăng ngày 04-10-2019 

media

Chiếc Airbus A330neo bay biểu diễn nhân Triển lãm hàng không Le Bourget, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 17/06/2019.REUTERS/Benoit Tessier/Pool/File Photo

Sau Trung Quốc đến lượt Liên Hiệp Châu Âu lãnh đòn thuế quan của Mỹ. Le Monde (04/10/2019) trên trang nhất chạy tít lớn « Trump tấn công châu Âu sau khi WTO bật đèn xanh ». La Croix nhận định « Hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu cho Airbus thổi bùng căng thẳng với Trump ».

Nhật báo Công giáo giải thích ngọn nguồn của căng thẳng. Airbus và Boeing tố cáo lẫn nhau đã hưởng hỗ trợ bất hợp pháp từ chính phủ. Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO vừa xử Boeing thắng kiện trong khuôn khổ đơn kiện đầu tiên được đưa ra cách nay 15 năm. Nhưng điều ngạc nhiên là đòn phạt Mỹ đưa ra đối với Airbus là chỉ áp thêm thuế 10% nhắm vào các chiếc máy bay của châu Âu.

Vì sao Hoa Kỳ lại « giơ cao đánh khẽ » đối với Airbus ? Bởi vì theo Les Echos, phía Mỹ đã từng dọa áp thuế đến 100% theo giá bán các loại máy bay và linh kiện rời nhập của châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cấm Airbus bán các sản phẩm của mình ở Mỹ. Và biện pháp này cũng có thể đe dọa đến sự sinh tồn của các chuỗi dây chuyền lắp ráp dòng A320 Mobile tại bang Alabama.

Ngoài ra, mức thuế áp thêm 10% có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động của nhiều hãng hàng không Mỹ, vốn dĩ đã đặt hàng 700 chiếc máy bay với Airbus. Les Echos lưu ý thêm hiện tại nhu cầu sắm mới máy bay của các hãng hàng không Mỹ lớn đến mức Boeing khó có thể một mình đáp ứng. Đơn đặt hàng tại hãng chế tạo hàng không Mỹ cũng kín giống như đối thủ châu Âu, trong khi hiện nay Boeing còn đang gặp khó khăn trong việc giao các chiếc 737 Max.

Nhật báo kinh tế nhắc lại rằng Boeing cũng phải nhập khẩu nhiều trang thiết bị và các linh kiện hàng không từ châu Âu để chế tạo và lắp ráp máy bay của chính mình như thân máy bay Boeing 787 do hãng Leonard của Ý cung cấp hay như một nửa các động cơ 737 là do tập đoàn Safran Pháp chế tạo. Do vậy, áp thuế các mặt hàng hàng không của châu Âu chẳng khác gì tự đánh thuế vào chính Boeing của Mỹ !

Airbus thoát nạn, 150 mặt hàng khác lãnh đòn thay

Có điều khi đánh khẽ Airbus, khoảng 150 mặt hàng nông sản hay công nghiệp lại phải lãnh đòn phạt thay. Hoa Kỳ thông báo một danh sách dài các mặt hàng của từng nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ bị áp thêm 25% thuế kể từ ngày 18/10/2019 như rượu vang (Pháp và Tây Ban Nha), phô mai (Pháp và Ý), whisky (Scotland), các loại dụng cụ công nghiệp, từ lưỡi rìu cho đến tuốc-ne-vít hay lưỡi lam các loại dao xếp (Đức) hay các loại sản phẩm may mặc bằng len (Anh)…

Bộ trưởng Tàu Chính Pháp Bruno Le Maire cho đó là « một sai lầm kinh tế và chính trị ». Phát ngôn viên Ủy Ban Châu Âu cho biết nghiên cứu mọi giải pháp và dĩ nhiên « dự trù cả những biện pháp đáp trả ». Le Figaro đặt câu hỏi : « Liên Hiệp Châu Âu có thật sự trong thế mạnh hay không ? » để rồi tự nhận thấy là châu Âu giờ đang trong tình thế khá tế nhị.

Sự việc cho thấy Mỹ đang gia tăng sức ép với Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác mà ông Donald Trump không ngừng cáo buộc là còn «tệ hơn cả Trung Quốc nhưng có quy mô nhỏ hơn ». Quyết định này đưa ra trong bối cảnh các mặt hàng nhôm và thép của EU đang bị áp thêm thuế. Do đó, ông Donald Trump tính rằng Washington lợi được 9 tháng trước khi WTO cho phép đến lượt Bruxelles trừng phạt Hoa Kỳ vì đã hỗ trợ Boeing.

Từ đây đến đó, tình hình kinh tế của châu Âu đã xấu có thể sẽ còn tệ hại hơn, nhất là với vụ Brexit. Đến ngày 13/11/2019, chính quyền Trump còn sẽ quyết định có áp thuế đối với mặt hàng xe hơi của châu Âu hay không. Triển vọng này đang khiến Đức lo ngại, quốc gia xuất khẩu xe và linh kiện lắp ráp ô tô châu Âu sang Mỹ.

Mối họa Trung Quốc

Dẫu sao thì châu Âu cũng muốn tránh một cuộc leo thang căng thẳng, mà ông Bruno Le Maire cho rằng « không phải là giải pháp tốt ». Bởi vì, theo cảnh báo của La Croix, điều này chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Nhật báo công giáo này trích dẫn nhận xét của ông Sébastien Jean, giám đốc Cepii, trung tâm nghiên cứu về kinh tế quốc tế của Pháp cho rằng «cuộc chiến này giữa Mỹ và châu Âu thật là khó hiểu, trong khi mà mối đe dọa thật sự, trên phương diện hàng không, đến từ đối thủ Trung Quốc hiện đang rình rập thâm nhập thị trường ». Bắc Kinh quả thật sắp đưa ra thị trường dòng máy bay Comac C919, máy bay đường bay trung bình, tương đương với loại B737 và A320, hai dòng hàng chính của Boeing và Airbus.

WTO : Công cụ của Hoa Kỳ ?

Cũng nhân vụ việc này, Le Figaro chỉ trích mạnh mẽ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là « nhất bên trọng, nhất bên khinh ».

Tờ báo mỉa mai đề tựa «WTO, hôm trước bị bêu xấu, hôm sau được Trump ngợi khen ». Kể từ ngày đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump không ngừng « xỉ vả » WTO nào là tổ chức này « đối xử tệ với Mỹ » (tweet ngày 17/04/2018), nào là « WTO bất công với người Mỹ » (06/04/2018)…

Nguyên thủ Mỹ chỉ trích định chế quốc tế này là « quan liêu », chiều lòng Trung Quốc hay không có năng lực giải quyết các vấn đề đương đại như bán hàng trên mạng… Và do vậy, Donald Trump có những giải pháp đơn phương thô bạo để giải quyết những vấn đề của định chế này. Ông từ chối thông qua việc bổ nhiệm các thẩm phán của Cơ quan xử lý các tranh chấp ORD của WTO.

Với Washington, những quyết định của tổ chức này thường xuyên vi phạm chủ quyền quốc gia. Mỉa mai thay, chính định chế này sẽ phải thông qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong 10 ngày nữa. Một cách hiển nhiên, chính quyền Trump vội vã ủng hộ định chế đa phương này những khi họ bảo vệ được các quyền lợi của Mỹ !

Bài Khác