Tưởng niệm giờ ngưng tiếng súng: 11 giờ 11/11/1918

Các lễ tưởng niệm liệt sỹ Đại chiến Thế giới I diễn ra trên khắp châu Âu đánh dấu thời khắc đình chiến đúng 11 giờ trưa ngày 11/11/1918.
Đó là ngày ký hiệp ước đình chiến – Armistice – giữa phe Trục và phe đồng minh.
Đế quốc Đức, Áo-Hung, Bulgaria và đế quốc Ottoman đứng về một bên đã giao tranh với phe Đồng minh gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Ý, Romania và Nhật Bản.
Khi đó, người ta mới chỉ gọi đây là ngày kết thúc Đại chiến Thế giới.
Sau năm 1945, có thêm khái niệm Thế Chiến I (1914-19) và Thế Chiến II (1939-45).

Tại London, ở đài liệt sỹ Cenotaph đúng 11 giờ trưa ngày thứ Hai 11/11 có lễ đặt vòng hoa.
Cả nước Anh và nhiều quốc gia châu Âu làm lễ 2 phút im lặng để nhắc đến những người đã hy sinh trong cuộc Thế Chiến khủng khiếp.
Ước tính con số người, cả quân nhân và thường dân bị giết ở nhiều chiến trường trên nhiều quốc gia là 16 triệu.
Lần đầu tiên, vũ khí hóa học được sử dụng ở châu Âu.





Chỉ trong một trận đánh do quân Anh chỉ huy, với rất đông binh lính từ các thuộc địa Úc, New Zealand, tấn công quân Thổ Nhĩ Kỳ ở bán đảo Gallipoli (04/1915), phe Đồng minh có 250 nghìn thương vong.
Quân Đồng minh và binh lính thuộc địa
Ước tính có 9 triệu quân nhân các bên đã hy sinh trong Thế Chiến I và trên 20 triệu bị thương.




Hàng triệu binh lính, công nhân quốc phòng từ các nước Á, Phi, Úc, New Zealand là thuộc địa của Anh và Pháp cũng bị điều động sang chiến trường châu Âu.
Từ Việt Nam, một con số đông đảo lính thợ, lính cứu thương và xạ thủ người Việt phục vụ trong lực lượng của Pháp đã được chuyển tới “mẫu quốc” và các chiến trường ở Bỉ.
Tư liệu có trong nghiên cứu của Clara Trần về 93 nghìn quân nhân và lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến I tại châu Âu.