Trường học ở Nha Trang biến thành ‘đặc khu du lịch’ cho người Trung Quốc

Trường học ở Nha Trang biến thành ‘đặc khu du lịch’ cho người Trung Quốc

.

Khu đất Trường Trung cấp nghề Nha Trang biến thành nơi kinh doanh phục vụ khách Trung Quốc. ( Hình: Pháp Luật Việt Nam )

KHÁNH HÒA, Việt Nam – Một trường dạy nghề thuộc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hôi tỉnh Khánh Hòa đã bị biến thành “ đặc khu ” thu nhỏ giữa lòng thành phố Nha Trang để phục vụ du khách và làm nơi sinh sống cho người Trung Quốc.

Ngày 1 Tháng Tám, 2019, ông Võ Bình Tân, phó giám đốc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội tỉnh Khánh Hòa, xác nhận với báo Người Lao Động, rằng trường Trung Cấp Nghề Nha Trang ( ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) đã trở thành địa điểm phục vụ khách Trung Quốc.

“Sở đã thu hồi giấy chứng nhận ghi danh hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa thu hồi khu đất vì sử dụng không đúng mục đích giáo dục, ” ông Tân cho biết.

Tin cho biết, khu đất trường Trung Cấp Nghề Nha Trang rộng cả hécta vốn là cơ sở dạy nghề cho phụ nữ thuộc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội tỉnh Khánh Hòa, bị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh này lấy cho Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Giáo Dục Đại Việt thuê dài hạn 50 năm, với giá thuê chỉ hơn 2,100 đồng ( 9 cents) mét vuông một năm để xây dựng trường dạy nghề theo chủ trương “ xã hội hóa .” Sau đó, công ty xây thêm trường Trung Học Phổ Thông Đại Việt.

Mỗi ngày có hàng chục xe đò 45 chỗ đưa khách Trung Quốc đến mua sắm. ( Hình: Pháp Luật Việt Nam )

Thế nhưng hơn một năm nay, khu trường học trên đã trở thành trung tâm mua sắm dành cho khách Trung Quốc. Cụ thể bên trong khuôn viên trường, khu vực học tập được đổi thành nơi đón tiếp khách mua sắm, khu vực sân banh trở thành bãi xe, nhiều công trình biến thành nhà xưởng gia công hàng mỹ nghệ, ngọc trai…

Một người dân sống cạnh trường cho biết trước đây trường có mở lớp giảng dạy nhưng hơn một năm qua, khách Trung Quốc cứ đến Nha Trang là đổ về đây mua sắm. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe đò 45 chỗ ra vào tấp nập.

Không chỉ đón du khách, cơ sở này còn có khoảng vài chục người Trung Quốc ăn ở, sinh sống tại chỗ để giới thiệu, hướng dẫn, bán hàng cho du khách Trung Quốc.

Giải thích với báo Người Lao Động, ông Bùi Quốc Tuấn, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Giáo Dục Đại Việt, phân bua “ do hoạt động giáo dục dạy nghề khó khăn, nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, không hiệu quả kinh tế nên doanh nghiệp cải tạo, chuyển sang phục vụ khách du lịch. ”

“ Thực ra, chúng tôi đã xin phép nhiều lần nhưng các cấp chính quyền thành phố Nha Trang nói không đủ thẩm quyền, còn cấp tỉnh lại đề nghị cấp thành phố xem xét. Chuyền qua chuyền lại cả năm vẫn không có giấy phép nên chúng tôi mới xây đại. Khi nào chính quyền cần thì chúng tôi tự nguyện tháo dỡ, ” ông Tuấn biện minh.

Cũng theo báo Người Lao Động, ngoài “ đặc khu ” trên, chạy dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành còn có hàng chục cơ sở phục vụ du khách Trung Quốc có quy mô rộng hàng ngàn mét vuông, được xây dựng không phép, hoạt động công khai. Từ đầu năm 2018, báo chí đã có nhiều bài phản ảnh tình trạng này cho thấy hàng loạt công trình nằm trong quy hoạch đất trồng rừng, đất vườn, đường giao thông nhưng đến nay Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang vẫn làm ngơ bỏ mặc.

Nguồn: Người Việt

Bài Khác