Trong hai tuần, Malaysia bắt 123 ngư dân Việt ‘cướp đoạt hải sản’

Trong hai tuần, Malaysia bắt 123 ngư dân Việt ‘cướp đoạt hải sản’

.

Ngư dân địa phương cập cảng tại một chợ cá ở Tanjung Karang, một làng chài ở trung tâm Malaysia bên bờ sông Tengi. (Hình minh họa: Saeed Khan/AFP/Getty Images)

KUALA LUMPUR, Malaysia – Trong vòng hai tuần lễ đầu Tháng Năm, 2019, Malaysia đã bắt giữ 123 ngư dân Việt với 25 chiếc tàu đánh cá bị cáo buộc khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền nước họ.

Cơ quan Malaysian Maritime Enforcement Agency (MMEA) tương ứng với Cảnh Sát Biển của các nước, loan báo như trên về chiến dịch hoạt động kiểm soát trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước họ từ ngày 2 đến 16 Tháng Năm.

Trong hai tuần lễ, họ kiểm tra 226 tàu và bắt giữ 25 tàu, đều của Việt Nam. Tất cả bị cáo buộc khai thác thủy sản trong vùng biển của họ mà không có giấy phép hợp lệ, tức đánh cá lậu. Số lượng tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ nhiều hơn những gì người ta được biết cuối tuần trước.

Nếu kể từ đầu năm ngoái cho đến giữa Tháng Năm này, như thế, Malaysia đã bắt giữ tất cả 163 tàu đánh cá của Việt Nam trên đó có 1,258 ngư dân. Số tàu và ngư dân bị bắt khá lớn nhưng chỉ thấy báo chí trong nước đưa tin một vài vụ nên dư luận không nhìn thấy rõ tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Tuần trước, chính phủ Malaysia cảnh cáo sẽ đối xử thẳng tay với ngư dân Việt Nam bị cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ trên Biển Đông.

Trong một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà cầm quyền CSVN, theo tờ Straits Times hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, chính phủ Malaysia đã chuyển đến tòa đại sứ CSVN tại Kuala Lumpur hôm 8 Tháng Năm bản phản đối các hành động mà họ gọi là “cướp đoạt hải sản” của các tàu đánh cá Việt Nam.

Ngư dân Malaysia chuyển cá từ thuyền vừa đánh bắt ở Biển Đông vào chợ cá Kota Kinabalu ở bang Sabah. (Hình: Mohd Rasfan/AFP/Getty Images)

Tháng Tư trước đó, Malaysia thành lập một tổ chức đặc nhiệm nhằm đối phó với nạn khai thác thủy sản lậu của các tàu nước ngoài, đặc biệt là từ phía Việt Nam. Đội đặc nhiệm bao gồm lực lượng của các cơ quan khác nhau từ hải quân, cảnh sát biển hoạt động theo dõi giám sát cả trên mặt nước lẫn từ trên cao của lực lượng không quân.

Ngày 11 Tháng Năm, tàu tuần của Hải Quân Malaysia đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 14 ngư dân mà họ nói ở khoảng 130 hải lý Đông Bắc tỉnh Kemaman. Cùng một ngày, MMEA bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam khác với 29 ngư dân ở khoảng 80 hải lý ngoài khơi tỉnh Kuching, bang Sarawak. Trước đó, ngày 4 Tháng Năm, MMEA đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 24 ngư dân trên vùng biển 83 hải lý gần thành phố Kuala Pahang.

Vẫn theo tờ Straits Times, chính phủ Kuala Lumpur còn đang trù tính cả chuyện gia tăng các sự trừng phạt nhằm đối phó với các vụ khai thác thủy sản lậu. Trong những năm qua, Malaysia đã bắt giữ rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam. Ngư dân bị bỏ tù và tàu đánh cá bị tịch thu dù không bị đánh chìm như Indonesia.

Hơn 500 chiếc thuyền các nước đã bị chính phủ Indonesia ra lệnh đánh chìm, trong đó có 284 tàu đánh cá của cá Việt Nam kể từ Tháng Mười, 2014 đến nay, tức từ khi ông Widodo lên làm tổng thống, sau khi bị bắt với cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Vụ mới nhất diễn ra ngày 4 Tháng Năm, 2019, Indonesia đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 tàu của ngư dân Việt Nam, sáu tàu Malaysia, hai tàu Trung Quốc và một tàu Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.

Việc Indonesia đánh chìm một số lượng lớn tàu đánh cá ngoại quốc diễn ra chỉ một tuần sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Hải Quân Indonesia với một số tàu kiểm ngư của Việt Nam tại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn chủ quyền giữa hai nước.

Nay đến lần Malaysia loan báo sẽ mạnh tay hơn nữa đối với ngư dân Việt. Thống kê của Malaysia cho thấy từ năm 2006 đến đầu Tháng Năm, 2019, Malaysia bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7,000 ngư dân bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Malaysia, khai thác thủy sản bất hợp pháp. 

Nguồn: Người Việt

Bài Khác