TQ nói đang khôi phục hệ sinh thái bị hủy hoại vì bồi đắp ở Biển Đông

TQ nói đang khôi phục hệ sinh thái bị hủy hoại vì bồi đắp ở Biển Đông

.

Tư liệu – Đường băng và những cấu trúc mà Trung Quốc xây cất trên Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục hệ sinh thái của các rạn san hô ở Biển Đông đang tranh chấp, bộ tài nguyên cho biết, giữa những lo ngại các hoạt động cải tạo bồi đắp của nước này đã hủy hoại môi trường.

Các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô đã được dựng lên trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa, và hoạt động khôi phục đã bắt đầu vào đầu năm mới, bộ cho biết, theo báo South China Morning Post.

Hôm thứ Ba, website của bộ thông báo tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo, và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa.

Vào tháng 7 năm 2016, một tòa án quốc tế đã phán quyết rằng việc cải tạo bồi đắp đất và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây nên tác hại nghiêm trọng cho môi trường rạn san hô.

Tòa án nói Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái mong manh và môi trường sống của các loài bị cạn kiệt, bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, và gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển.

Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này và nói rằng hoạt động thi công của họ là một “dự án xanh.”

Năm 2015, Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc cho biết hoạt động xây cất không làm biến đổi sức khỏe của hệ sinh thái ở Quần đảo Trường Sa, nhưng họ đề nghị trồng, sửa chữa và cấy san hô sau khi thi công.

Trung Quốc đã tiến hành một chương trình bồi đắp cải tạo đất ở Trường Sa từ năm 2013 đến năm 2016. Hoạt động này mở rộng các bãi san hô – một số bãi lúc đầu chìm dưới nước khi thủy triều dâng lên – thành các đảo rộng tới 558 hectare.

Các tàu xây cất đã làm đứt gãy các rạn san hô, hút các mảnh vỡ và thổi chúng lên bờ – điều mà bộ ngoại giao Trung Quốc khi đó nói là mô phỏng quá trình tự nhiên của bão biển quét qua và di chuyển các phế liệu sinh học mà dần dần phát triển thành ốc đảo trên biển.

Việc này đã bị các nhà sinh học hải dương chỉ trích là tàn sát mọi loài sinh vật sống quanh các rạn san hô và dầm phá.

Nguồn: VOA

Bài Khác