TQ bị lên án vì ‘đe dọa’ các đoàn tham dự phiên họp tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

TQ bị lên án vì ‘đe dọa’ các đoàn tham dự phiên họp tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

02/04/2019


Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc-ông Mã Triêu Húc.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc-ông Mã Triêu Húc.

Các nhà ngoại giao và giới hoạt động hôm 2/4 tố cáo Trung Quốc vận động hành lang, gây áp lực và thậm chí, ‘đe dọa’ nhằm dập tắt chỉ trích đối với Bắc Kinh trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước, theo AFP.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tố cáo phái bộ Trung Quốc tại Geneva là đã gửi thư cho một số phái đoàn, kêu gọi họ đừng tới dự một sự kiện do Mỹ tổ chức vào ngày 13/3 với nội dung xoay quanh cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở tỉnh Tân Cương.

AFP đã được xem qua bức thư có chữ ký của Đại sứ Trung Quốc Mã Triêu Húc. Thư kêu gọi các nước “đừng đồng bảo trợ, tham gia hoặc có mặt tại sự kiện bên lề này… vì lợi ích của mối quan hệ song phương với Trung Quốc, và để tiếp tục những hợp tác đa phương”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mạnh mẽ chỉ trích những “lời đe dọa” này. Giám đốc HRW ở Geneva, John Fisher, nói rằng làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế về cách Trung Quốc đối xử với các nhóm thiểu số Hồi giáo đã “dồn Trung Quốc vào trạng thái hoảng loạn”.

Trong một tuyên bố, ông Fisher nói rằng các quan chức Trung Quốc đang “gây áp lực công khai cũng như trong vòng riêng tư để ngăn chặn hành động có phối hợp của quốc tế”.

Phái đoàn Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu của AFP xin xác nhận thông tin, và bình luận.

Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao xác nhận với AFP rằng phái đoàn của họ đã nhận được bức thư trong những ngày dẫn tới sự kiện.

Sự kiện diễn ra bên lề phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền, với nội dung tập trung vào những cáo buộc rằng có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm thiểu số khác – đa số là người Hồi giáo Turk- đang bị cầm giữ tại những trại giam ở Tân Cương.

Trong khi đó, Trung Quốc một mực khẳng định rằng người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các nhóm thiểu số khác chỉ được đưa vào các “trường đào tạo” huấn nghiệp mà thôi. TQ nói các trường này được lập ra như một biện pháp để chống lại phong trào cực đoan hóa.

Bài Khác