Tổng Thống Donald Trump và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ

Tổng Thống Donald Trump và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ

Việt Nguyên-July 15, 2019

Hoa Kỳ vẫn thường tự hào là không xâm lăng các nước khác, chỉ giúp đồng minh bảo vệ tự do nên không hiểu tại sao Tổng Thống Trump mê xe tăng. Trong hình là một chiếc xe tăng được các binh sĩ chuẩn bị cho buổi lễ mừng Lễ Độc Lập, 4 Tháng Bảy, 2019, tại tượng đài Lincoln ở công viên National Mall. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

“Quân tử nhất ngôn quân tử dại, quân tử nói đi nói lại quân tử khôn!” Tổng Thống Donald Trump là  quân tử khôn. Một nhà chính trị từ khi tranh cử đã phát biểu nhiều ý kiến trái ngược, có khi chỉ trong vài giờ vài phút, khiến những nhà đạo đức gần đây như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải có nhận định “ông Trump là người thiếu đạo đức.”

Gần đây về những vấn đề quân sự và ngoại giao quan trọng nhất hiện giờ, Trung Quốc và Bắc Hàn bên kia Ấn-Thái Bình Dương và Iran ở lò lửa Trung Đông đã cho thấy con người chính trị của ông. Những người ủng hộ, mong đợi Tổng Thống Trump sẽ đánh sập Trung Quốc, đã hoang mang.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến thời kỳ ngưng chiến, tưởng một Tổng Thống Cộng Hòa Reagan mới sẽ đánh bại quỷ đỏ nay quân sự không dùng, chính sách đánh thuế hàng tạm ngưng và công ty Huawei nay không phải là một nguy hiểm cho Hoa Kỳ.

Bắc Hàn với Kim Chánh Ân trước là “Rocket man” sẽ được ông Trump dạy cho bài học với “nút bấm Hoa Kỳ” lớn hơn, vũ khí nguyên tử sẽ được Hoa Kỳ sử dụng sau hội nghị G20, được gặp cậu út Ân trái với nguyên tắc ngoại giao của Hoa Kỳ. Tổng Thống Trump nhũn nhặn cười âu yếm bắt tay như một tình nhân đang yêu nhau, khác với thái độ khoanh tay hay từ chối bắt tay khi gặp lãnh tụ các nước tự do.

Giận dữ sau khi Iran bắn rơi máy bay drone thám thính của Hoa Kỳ, ông Trump nhất định sẽ trả đũa nhưng được Tổng Thống Nga Vladimir Putin khuyên sự kiện trở thành “ngộ nhận của Iran” và ông trở thành người có lòng nhân không muốn gây chiến tranh tử vong có thể lên đến 150 người!

Con người yêu hòa bình như Tổng Thống Trump nhân ngày Lễ Độc Lập 4 Tháng Bảy của Hoa Kỳ lại tổ chức buổi lễ vĩ đại biểu dương sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ khác với các vị tổng thống tiền nhiệm trong 70 năm gần đây.

Ông tổng thống không phục vụ chiến tranh Việt Nam (vì bị xương mọc gai gót chân) đã đọc diễn văn biểu dương sức mạnh quân đội Hoa Kỳ ở đài tưởng niệm Lincohn, nơi có bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam. Năm ngoái với ngân sách quốc phòng mới, ông đã tweet: “Tôi yêu quân đội của chúng ta và sẽ cung cấp tất cả những điều cần thiết cho họ.” Gần đây chê chiến tranh Việt Nam là dơ dáy vì vậy ông đã không gia nhập quân đội thời chiến tranh Việt Nam nên với “ngân sách quốc phòng $750 tỷ, tôi nghĩ tôi sẽ bù đắp lại nhanh chóng cho quá khứ ấy!”

Hoa Kỳ vẫn thường tự hào là không xâm lăng các nước khác, chỉ giúp đồng minh bảo vệ tự do nên không hiểu tại sao Tổng Thống Trump mê xe tăng. Năm 2017, ông muốn xe tăng và chiến đấu cơ trong ngày diễn hành quân sự như Pháp. Ngày 20 Tháng Ba, 2019, ông đến xưởng chế tạo xe tăng ở Lima, Ohio, với gương mặt hãnh diện, trong khi xe tăng chỉ dùng xâm lăng các nước khác như Nga hay đàn áp biểu tình như Trung Cộng ở Thiên An Môn. Từ nhiều năm qua, Bộ Quốc Phòng đã cố gắng yêu cầu Quốc Hội ngưng chế tạo và mua xe tăng mới. Xe tăng đắt từ chế tạo, bảo tồn, sử dụng đến việc huấn luyện binh sĩ sử dụng. Bộ binh đang có hơn 6,000 xe tăng nhiều hơn nhu cầu trong chiến tranh tương lai nếu xảy ra.

Các chiếc phản lực cơ chiến đấu F-35 bay lên trời biểu diễn cũng tốn kém với giá $90 triệu mỗi chiếc không hữu hiệu trong những trận chiến thế kỷ 21 trong đó vũ khí, hỏa tiễn, vệ tinh với kỹ thuật mạng và thông minh nhân tạo hữu hiệu hơn phi cơ có phi công lái. Hàng không mẫu hạm tân thời tốn kém 13 tỷ mỗi chiếc cũng bị chỉ trích lỗi thời trong thế kỷ 21 với hỏa tiễn nguyên tử.

Tổng Thống Trump kêu gọi lòng ái quốc thể hiện qua diễn hành, nhạc hành quân, đoàn nhạc rất tốn kém. Bắt đầu từ 2016 trước khi ông lên làm tổng thống, Bộ Quốc Phòng duy trì 136 đoàn quân nhạc tổng cộng 6,500 nhạc sĩ nhà nghề chi phí mỗi năm $500 triệu, một phần không nhỏ trong ngân sách. Những người ủng hộ lại cho thấy những đoàn quân nhạc này đã khêu gợi được tinh thần yêu nước. Trung Đoàn Bộ Binh 369 đã đánh nhạc jazz trong Thế Chiến Thứ Nhất ở Âu Châu, hay trong trận chiến Bosnia năm 1990, chi phí xứng đáng trong $4 tỷ rưỡi quỹ giao tế của Ngũ Giác Đài. Chi phí quốc phòng năm tới đang đưa lên Quốc Hội nhằm đến tăng gia chứ không cắt giảm. Cả hai đảng sợ cắt chi phí quốc phòng có nghĩa không yêu nước. Chi phí quốc phòng hiện nay chiếm gần 60% ngân sách.

Tại sao một quốc gia không bị kẻ thù đe dọa ở biên giới, dưới đất liền, hay trên không cần một ngân khoản khổng lồ? Chi phí quốc phòng sau chiến tranh Đại Hàn giảm 20%, sau chiến tranh Việt Nam giảm 30%, sau chiến tranh lạnh năm 1990, Tổng Thống George H. W. Bush giảm 26%. Sau biến cố 9/11 trong 18 năm qua Hoa Kỳ đối diện với kẻ thù không rõ mặt, mục đích cũng như khi nào sẽ kết thúc chiến tranh cũng không rõ. Vì vậy đảng Dân Chủ nhắm vào vấn đề nội bộ, nhưng đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hành pháp lẫn Quốc Hội vẫn muốn chứng tỏ đảng mạnh về quốc phòng, đồng nghĩa với yêu nước hơn là mối lo ngân sách thâm thủng.

Ngân sách quốc phòng giảm khi 200,000 quân được rút về từ Iran và A Phú Hãn nhưng với Tổng Thống Trump ngân sách quốc phòng tăng lên $700 tỷ năm 2018, $716 tỷ năm nay và sẽ tăng lên $750 tỷ năm tới. Để trả cho ngân sách quốc phòng gia tăng, chính quyền Trump sẽ cắt ngân sách 16 bộ, trừ Bộ Nội An và Bộ Cựu Chiến Binh. Quốc Hội đồng ý tăng ngân sách quốc phòng nhưng bác bỏ cắt ngân sách các bộ khác vì vậy tăng sự thiếu hụt ngân sách.

Chi phí quốc phòng vẫn nhắm đến phát triển các vũ khí cổ điển, phi cơ, xe tăng và những cơ sở không cần thiết cũng như nhân viên không sợ thất nghiệp như những dịch vụ khác. Hoa Kỳ cũng không được xem đứng đầu trong cách mạng về kỹ thuật chiến tranh không gian, vũ khí không cần người điều khiển qua thông minh nhân tạo.

Không bị kẻ thù đe dọa nhưng vẫn có chi phí quốc phòng lớn hơn tám nước có chi phí quốc phòng cao nhất cộng lại: Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ, Pháp, Anh, Nga, Đức và Nhật.

Chính quyền Trump đưa ra chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng giải thích cho việc cần một bộ máy quân sự vĩ đại: tình thế hiện nay nguy hiểm, bấp bênh, không tiên đoán được, càng ngày càng xấu. Hai nguy hiểm mới gần đây là đe dọa của hai quyền lực Nga và Trung Quốc.

Thế giới đang phải đối phó với những thách đố lớn. Kiểm soát vũ khí, nguyên tử, chiến tranh mạng, khí hậu và môi sinh thay đổi, khủng hoảng tài chính có thể xảy ra… Nhưng trong vòng hai năm qua chính quyền Trump với chủ thuyết Mỹ trên hết đã rút khỏi hay từ chối từ hợp tác Thái Bình Dương (TPP), hiệp định khí hậu Paris, hiệp định vũ khí INF, nhân quyền Liên Hiệp Quốc, UNESCO, NAFTA và thỏa ước nguyên tử Iran (1990-1991).

Cuối thế kỷ 20, chỉ có trận chiến tranh vùng vịnh của Tổng Thống George W. Bush là thành công rõ rệt. Chiến tranh Iraq của Tổng Thống Bush con được xem là lỗi lầm. Chiến tranh A Phú Hãn 18 năm là thất bại, chiến tranh này được xem là chiến tranh dài nhất trong lịch sử và tốn kém nhất. Kế hoạch hậu chiến cho A Phú Hãn tốn hơn chương trình Marshall cho Âu Châu sau Thế Chiến Thứ Hai nhưng chưa thấy kết quả. Tổng Thống Trump khoe những sự thành công vĩ đại của ông nhưng không hề nhắc đến A Phú Hãn. Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ đã dựa trên sức mạnh quân sự để đạt mục đích ngoại giao nhưng đối với Tổng Thống Trump biện pháp ngoại giao gần như bị loại hẳn khi đối đầu với Iran sau khi không chấp nhận hiệp ước nguyên tử của Hoa Kỳ và Âu Châu năm 2015-2016.

Hơn 74 năm, từ năm 1945, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt sau hội nghị Yalta họp với ông Hoàng Ả Rập Abdulaziz bin Abdul Rahman al Saud, người sáng lập quốc gia Saudi Arabia, trên hàng không mẫu hạm Quincy. Mục đích buổi họp nhắm sự bảo đảm của Ả Rập để Hoa Kỳ khai thác dầu hỏa ở vịnh Ba Tư bảy năm trước. Ngược lại Ả Rập muốn Hoa Kỳ bảo đảm thể chế Hoàng Tộc đang bị đế quốc Anh đe dọa thay đổi sau Thế Chiến Thứ Hai. Liên hệ ngoai giao và quân sự giữ Hoa Kỳ và Ả Rập từ đó ổn định qua các đời tổng thống.

Ngay cả ông Donald Trump trong hai năm cầm quyền cũng thay đổi chính sách nhất là từ một bộ lạc vùng Trung Đông nay Ả Rập trở thành một trong 20 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Pax Americana trong vùng Trung Đông vững, vì vậy lãnh tụ Hoa Kỳ can thiệp vào các nước Trung Đông trừ Saudi Arabia. Hoa Kỳ không bao giờ can thiệp vào nội bộ cũng như nhân quyền của các ông Hoàng Ả Rập chỉ trừ một lần Tổng Thống John F. Kennedy năm 1962 yêu cầu ông Hoàng Faisal cải tổ tư pháp, giáo dục y tế và bỏ chế độ nô lệ.

Lãnh tụ Saudi không bao giờ nói chuyện với Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như nhân viên chính phủ, họ luôn luôn có đường dây liên lạc trực tiếp với tổng thống Hoa Kỳ và văn phòng CIA ở thủ đô Riyadh. Sắp đặt từ 75 năm giữa cơ quan CIA, tổng thống Hoa Kỳ và Saudi Arabia không thay đổi vì xã hội Saudi không có tự do ngôn luận cùng các cơ quan dân sự như xã hội dân chủ. Không một quốc gia nào có tổ chức không trong sáng như vậy trừ Bắc Hàn, do các ông hoàng già nua cai trị.

Sự giận dữ của Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như báo chí về vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi, thường trú nhân Hoa Kỳ, ở Istanbul qua bàn tay của ông hoàng sắp lên ngôi Mohammad bin Salman cũng như chiến tranh ở Yemen biến quốc gia này thành thảm cảnh do Saudi đứng sau lưng đã không đưa đến kết quả nào. Tổng Thống Trump không hề chỉ trích ông Hoàng Mohammad bin Salman vì Saudi đầu tư $400 tỷ và mua vũ khí của Hoa Kỳ. Đảng Dân Chủ chỉ trích Tổng Thống Trump đã làm ngơ vì gia đình có quyền lợi cá nhân với Saudi cũng như phái đoàn Saudi khi đến Hoa Kỳ bao giờ cũng mướn nguyên một lầu khách sạn Trump nhưng năm 2019 cũng không khác gì tình hình trong 74 năm qua các đời tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hòa.

Hoa Kỳ đã học một bài học năm 1973 trong chiến tranh Yom Kippur. Hoa Thịnh Đốn đã giúp đỡ vũ khí cho Do Thái. Vua Faisal giận dữ áp lực OPEC cắt sản xuất dầu, giá dầu tăng gấp bốn lần, dân Mỹ đứng sắp hàng dài ở các trạm xăng, ảnh hưởng kinh tế Hoa Kỳ kéo dài đến năm 1975, tổng sản lượng quốc gia xuống 6%.

Giao hảo giữa Hoa Kỳ và Saudi trở lại tốt đẹp. Năm 1974, khi Xô Viết xâm lăng A Phú Hãn ông Hoàng Khalid bí mật công tác giúp vũ khí cho lực lượng kháng chiến. Qua thời Tổng Thống Regan, Hoa Kỳ đã lấy được $32 triệu từ Saudi để tổ chức vụ Nicaraguan Contras (đại tá, Oliver North) nhưng sau đó Saudi giận dữ vì Hoa Kỳ bán vũ khí cho Iran để lấy tiền cho vụ Iran Gate, Contra Gate đạo diễn bởi cố vấn an ninh Mc Farland (1986-1987). Saudi giận dữ vì Iran luôn luôn là kẻ thù không đội trời chung.

Chủ thuyết Carter xem vịnh Ba Tư quan trọng về phương diện an ninh quốc phòng Hoa Kỳ. Khi Saddam Hussein xâm lăng Kuwait năm 1990, Tổng Thống George Bush đóng quân ở Saudi bảo đảm an ninh cho Saudi đồng thời lập căn cứ quân sự tống Iraq khỏi Kuwait. Biến cố 9/11 đã làm Hoa Kỳ suy nghĩ về Saudi, 15 trong 19 tên khủng bố không tặc là người Saudi, Osama bin Laden là một người con trong gia đình giàu có nhất ở Saudi. Saudi sau đó cộng tác mật thiết với Hoa Kỳ trong chiến tranh chống khủng bố. Đồng minh Âu Châu của Mỹ đặt vấn đề: “Saudi trong trận chiến chống khủng bố Hồi Giáo quá khích vừa là lính cứu hỏa vừa là kẻ châm ngòi nổ!”

Thời Tổng Thống Barack Obama, Saudi đã thất vọng vì thỏa ước nguyên tử cho là Hoa Kỳ chuẩn bị rời vịnh Ba Tư. Saudi sợ Tehran sẽ có ảnh hưởng từ Lebanon qua Syria đến Iraq. Saudi cho Tổng Thống Obama là nhà lãnh tụ yếu vì không theo Saudi chống Iran. Nay Tổng Thống Trump đổi ngược chính sách của Obama, nhất là với ông Hoàng Mohammad bin Salman từ năm 2016 đóng vai cải tổ Vision 2030, cải tiến kinh tế, phát triển theo công ty tư vấn Hoa Kỳ McKinsey. Ngược lại McKinsey cung cấp danh sách đối lập cho chính quyền Saudi.

Về mặt quốc phòng, Booz Allen huấn luyện cho Hải Quân Saudi ở Yemen. Tổng Thống Trump lấy cớ vì Vision 2030 mà thăm viếng Saudi năm 2017, chuyến công du ngoại quốc đầu tiên thay vì đến các nước đồng minh Dân Chủ khác. Năm 2018, ông Hoàng Mohammad bin Salman qua Mỹ gặp các tỷ phú Bill Gates, Jeff Bezos, đến Hollywood gặp Oprah Winfrey, sau đó mọi người vỡ mặt vì cải tổ của Mohammad bin Salman giống mô hình Trung Quốc của Tập Cận Bình phát triển kinh tế độc tài chính trị. Cho đàn bà lái xe nhưng đàn ông vẫn làm chủ và xử tử gia tăng. Giống Putin, chiến dịch chống tham nhũng của Mohammad bin Salman nhằm loại trừ đối lập.

Sau cuộc viếng thăm của Tổng Thống Trump năm 2017, ông Hoàng Mohammad bin Salman bắt đầu ra tay giống Putin và Tập Cận Bình muốn làm chủ vùng vịnh Ba Tư, cấm vận Qatar hủy bỏ hợp đồng cộng tác vùng vịnh do Hoa Kỳ giúp thành lập năm 1981 để chống Iran. Mới đây Saudi giúp chính quyền Sudan đàn áp đối lập. Khi chính quyền Canada phản đối nhân quyền, Mohammad bin Salman rút đại sứ về và tống cổ đại sứ Canada về nước đồng thời hủy bỏ các chuyến bay giữa hai nước và ngưng buôn bán.

Ông Hoàng Mohammad bin Salman đặt tin tưởng vào đồng minh Do Thái, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã bênh Mohammad bin Salman trong vụ ám sát nhà báo Khashoggi. Tổng Thống Trump cần Saudi giúp thỏa ước hòa bình Do Thái-Palestine mới có lợi cho Do Thái. Chính sách của Donald Trump khác với chính sách của Hoa Kỳ năm 1945, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chống sự thành lập quốc gia Do Thái ở Palestine.

Giá dầu tăng giúp Saudi và Nga, 8 triệu thùng dầu mỗi ngày đủ để Saudi có ảnh hưởng mạnh trên chính quyền Trump. Putin cũng ủng hộ Mohammad bin Salman mạnh, ngoại trừ Đức.

Hoa Kỳ hiện nay sản xuất dầu nhiều hơn Saudi ở tiểu bang Texas và vịnh Mexico. Saudi vì vậy nhắm đến nhà máy nguyên tử: Nga, Trung Quốc và Nam Hàn đang giành khế ước xây nhà máy cho Saudi.

Thế giới đang trong thời kỳ Tam Quốc: Hoa Kỳ-Trung Quốc-Nga. Tổng Thống Trump với chính sách mới đẩy đồng minh về phe Trung Quốc và Nga trong trận chiến tranh lạnh mới. Lò lửa Trung Đông thay đổi khác với thời chiến tranh Việt Nam.

Iran học bài học Bắc Hàn, phải có vũ khí nguyên tử để được Tổng Thống Trump kính nể và ngư ông đắc lợi Tập Cận Bình đang vui vẻ giúp Iran về vũ khí nguyên tử và kinh tế qua con đường lụa. (Việt Nguyên)

Bài Khác