Tối Cao Pháp Viện phán quyết, một lợi cho Dân Chủ, một lợi cho Cộng Hòa

Tối Cao Pháp Viện phán quyết, một lợi cho Dân Chủ, một lợi cho Cộng Hòa

.

Biểu tình trước Tối Cao Pháp Viện chống câu hỏi quốc tịch trong kiểm kê dân số. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)

WASHINGTON, D.C. (AP) – Trong hai phán quyết có ảnh hưởng quan trọng về mặt chính trị, Tối Cao Pháp Viện Mỹ hôm Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, đã chặn việc đưa thêm câu hỏi về quốc tịch vào cuộc thăm dò dân số năm 2020, và không ngăn chặn việc phân chia các đơn vị bầu cử làm lợi cho đảng đang chiếm ưu thế (gerrymandering) .

Trong ngày làm việc cuối của Tối Cao Pháp Viện trước khi đi nghỉ Hè, với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts và các thẩm phán ở phía bảo thủ phán quyết rằng các tòa án liên bang không có vai trò gì trong việc phân xử tranh chấp liên quan tới vấn đề các địa phương thay đổi địa giới các đơn vị chính trị để tạo lợi thế cho một đảng và gây thiệt hại cho đảng khác, trong các cuộc bầu cử – một điều vẫn thường được gọi là “partisan gerrymandering.”

Phán quyết này liên can đến hai vụ kiện tại hai tiểu bang. Tối Cao Pháp Viện bác bỏ các đơn kháng án về các đơn vị bầu cử ở North Carolina được nghị viện tiểu bang phía Cộng Hòa vẽ ra, và một bản đồ bầu cư do phía Dân Chủ tái ấn định ở Maryland.

Trong hai trường hợp trên, các nhà lập pháp tiểu bang phân chia ranh giới các đơn vị bầu cử để tạo thêm lợi thế cho đảng mình. Họ đẩy bớt các khu dân cư chống đảng mình qua đơn vị khác, hoặc ghép thêm các khu ủng hộ mình vào cho đủ đa số, khiến cho bản đồ phân chia các đơn vị bầu cử méo mó không tự nhiên và hợp lý. Tên gọi gerrymandering là do tên ông Thống đốc Elbridge Gerry (1744-1814), người đầu tiên áp dụng cách phân chia đơn vị bầu cử “méo mó” này tại tiểu bang Massachutsetts.

Tối Cao Pháp Viện cho rằng đây chỉ là tranh chấp chính trị, không thuộc thẩm quyền Tư Pháp. Trong vấn đề này, các cử tri cùng các đại biểu do dân bầu lên sẽ là những nhà trọng tài quyết định hành động “gerrymandering” có chấp nhận được hay không.

Đây là quan điểm của phía đa số tại Tối Cao Pháp Viện, được Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts viết ra.

Quyết định này là một thất bại lớn cho những người không đồng ý với việc vẽ ranh giới đơn vị bầu cử dựa trên quyền lợi của đảng đang ở thế mạnh trong mỗi tiểu bang.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện có thể khuyến khích thêm các vụ vẽ lại đơn vị bầu cử theo lối “gerrymandering” của các nhà lập pháp cấp tiểu bang,  sau cuộc kiểm tra dân số năm 2020. Các nhà chính trị sẽ được tự do chọn những cử tri nào bầu cho mình và gạt ra ngoài những người không theo mình.

Hiện nay đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số tại nghị viện nhiều tiểu bang hơn đảng Dân Chủ. Với phán quyết mới của Tối Cao Pháp Viện đảng Cộng Hòa sẽ tiếp tục chiếm ưu thế chính trị trong vài chục năm tới.

Nữ Thẩm Phán Elena Kagan đại diện cho phía thiểu số viết: “Đây là lần đầu tiên Tòa Án này từ chối sửa lại một tình trạng vi hiến, vì nghĩ rằng điều này nằm ngoài quyền hạn của Tư Pháp.”

Trong vụ liên quan đến cuộc kiểm kê dân số, Tối Cao Pháp Viện, với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, đã chặn chính phủ của Tổng Thống Donald Trump trong việc đưa thêm câu hỏi liên quan tới quốc tịch vào cuộc điều tra dân số.

Ông Roberts và bốn thẩm phán khác phía cấp tiến nói rằng lý lẽ do chính phủ đưa ra không đủ sức thuyết phục cho việc thay đổi này.

Tối Cao Pháp Viện quyết định gửi trả lại vụ kiện xuống tòa dưới.

Tuy đây là một phán quyết tạm thời nhưng nhiều phần câu hỏi về quốc tịch sẽ không có trong đợt kiểm kê dân số năm 2020, vì các mẫu giấy để kiểm tra sẽ khởi sự in trong tuần tới.

Một tòa án liên bang trước đó ra phán quyết cho rằng chính phủ vi phạm luật liên bang khi tìm cách đưa câu hỏi về quốc tịch vào mẫu thăm dò. Tối Cao Pháp Viện, với tỷ số 5/4 giữ nguyên phán quyết của tòa dưới vì các lý lẽ do chính phủ đưa ra để viết thêm câu hỏi này không đủ mạnh.

Mục đích các cuộc kiểm tra dân số là để biết có bao nhiêu người đang sống ở nơi nào, không cần biết họ là công dân Mỹ hay là di dân. Số người sống trong mỗi tiểu bang sẽ quyết định cách phân chia phúc lợi của liên bang dành cho mỗi vùng.

Hiến pháp Mỹ cũng phân chia số ghế dân biểu của mỗi tiểu bang theo tổng số dân cư, mà không cần biết họ có quốc tịch hay không. Trong thế kỷ 19 các tiểu bang miền Nam đòi tính số dân biểu được bầu dựa trên dân số, trong đó có những người nô lệ không được bỏ phiếu.

Các chuyên gia trong cơ quan kiểm kê dân số tiên đoán rằng nếu viết thêm câu hỏi về quốc tịch thì hàng triệu di dân, nhất là người Hispanic sẽ lẩn tránh không muốn xuất hiện khi được kiểm tra.

Các tiểu bang chống lại việc đưa thêm câu hỏi quốc tịch nói rằng họ sẽ nhận được ít trợ giúp hơn từ liên bang do sự sút giảm về số dân, cũng như có thể bị giảm số ghế dân biểu trong Hạ Viện.

Các luận chứng của phía chống đối nói rằng đặt thêm câu hỏi về quốc tịch là một phần trong nỗ lực của phía Cộng Hòa nhằm làm suy yếu sức mạnh chính trị của các di dân. Phán quyết bác bỏ câu hỏi đó của Tối Cao Pháp Viện được đảng Dân Chủ hoan nghênh.

Hiến Pháp Mỹ đòi hỏi phải có cuộc kiểm kê dân số mỗi 10 nămmột lần. Nhiều người lo ngại Tổng thống Trump có thể trì hoãn cuộc kiểm tra năm tới. 

Nguồn: Người Việt

Bài Khác