Tòa Đô Chánh Sài Gòn

Tòa Đô Chánh Sài Gòn

Trang Nguyen

Đường Nguyễn Huệ là một trong những đại lộ rộng nhất ở khu trung tâm Sài Gòn. Trang mục VN ngày cũ tuần này đưa bạn trở về một thuở xa xưa, bắt đầu từ khi đường Nguyễn Huệ còn là một thủy lộ rộng lớn cho thuyền bè chuyên chở hàng hoá từ sông Sài Gòn vào trung tâm thành phố, cho đến khi con kênh được lấp mất để biến thành đường bộ. Sài Gòn bấy giờ trở nên nhộn nhịp với tiếng lộc cộc của cổ xe kiếng dành cho giới công chức lui tới Dinh xã Tây mà người Pháp gọi là Hôtel de Ville Saigon và thời VNCH gọi là Toà Đô Chánh.

toa-do-chanh-sai-gon3
Toà Đô Chánh thời VNCH năm 1969. Nguồn: Manhhaiflicks

Hãy tưởng tượng lại thời gian hơn hai trăm năm trước, khu vực này còn gọi là Bến Nghé tàu buôn của người ngoại quốc đậu bến sông Sài Gòn lên xuống hàng hoá cung cấp cho toàn khu vực dân cư từ chỗ Thành Gia Ðịnh vào Chợ Lớn (khi xưa lại gọi là Sài Gòn) dài chừng 7 cây số, rộng khoảng 3 cây số, cây cối um tùm, muỗi mòng đầy rẫy, quanh khu vực dân cư toàn là kênh đào làm thuỷ lộ. Con Kênh Lớn (sau là Ðại lộ Nguyễn Huệ) hay còn gọi là Kinh Chợ Vải vì nơi đây hoạt động buôn bán vải lụa của người Hoa rất nhộn nhịp là một trong những thuỷ lộ quan trọng vừa dẫn nước vào thành sinh hoạt vừa là đường chánh ra vô thành và vừa làm nơi luân chuyển hàng hoá đi khắp nơi. Ðiểm cuối của kênh là vị trí Hôtel de Ville Saigon (lúc chưa xây). Từ đây con đường thuỷ này rẽ qua phải, vòng qua sau Nhà hát lớn (khi chưa xây) đi thẳng ra rạch Thị Nghè.

Thành Gia Ðịnh thất thủ được vài năm, người Pháp cho lấp đất hai bên bờ kênh, con kênh thu nhỏ lại chủ yếu dành cho thoát nước ra sông và lưu thông ghe thuyền buôn bán nhỏ đồng thời mở hai con đường bộ chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner dành cho xe kiếng. Tuy nhiên với lối sinh hoạt của người dân sở tại, con kênh nhỏ này bị ô nhiễm nghiêm trọng buộc chính quyền cho lấp hoàn toàn. Công trình đường bộ này mất nhiều năm để hoàn thành và đặt tên là đường Charner để ghi nhớ công lao của người ban hành quy định địa phận thành phố Sài Gòn vào năm 1887. Không chỉ có con đường thuỷ lộ này được lấp mà vài con kênh gần đó cũng được lấp luôn như kênh trục đường Lê Lợi ngày nay, Kênh Lớn nối tiếp chạy vòng sau khu vực Nhà hát lớn sau này để thành những con đường và phố xá.

Hội đồng thành phố khi ấy còn là một trụ sở nằm trên đường Charner đề nghị xây dựng Hôtel de Ville Saigon ở vị trí cuối đường Charner. Các kiến trúc sư Pháp được mời sang dự thi đồ án. Ðồ án của kiến trúc sư Codry trúng giải, được chọn. Tuy nhiên công trình trì hoãn kéo dài trọn năm mà vẫn chưa khởi công vì nhiều lý do. Một trong những lý do chính là nền đất mới không an toàn cho kiến trúc. Chính quyền Pháp phải mời một kiến trúc sư khác vẽ lại đồ án. Cho tới năm 1870, khi ông Blancsubé sang Sài Gòn nhậm chức thị trưởng, đồ án được đem ra xét duyệt. Cuối cùng một lần nữa, hội đồng thành phố có nhiều ý kiến không thống nhất, đồ án lại nằm yên trên bàn giấy một thời gian dài gần 20 năm.

Vào năm 1893, đồ án được Hội đồng thành phố mang ra bàn luận và Kiến trúc sư Gardès vẽ lại đồ án mới, nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu. Mãi khi Nhà hát lớn bắt đầu xây dựng năm 1898 thì đồng thời thành phố mới quyết định xây dựng Hôtel de Ville tại địa điểm cũ mà trước đây ngần ngại do nền đất mới đắp, chân đất còn yếu không phù hợp. Hôtel de Ville được xây dựng, phần điêu khắc và trang trí nội ngoại thất giao cho hoạ sĩ Ruffier thực hiện. Trang trí từ năm 1903 đến năm 1906 đã hoàn thành được hai phần ba công trình, tuy vậy đến thời gian này lại xuất hiện vài đề nghị của các nhân vật trong Hội đồng thành phố muốn phá bỏ tháp đồng hồ ở mặt trước. Ý kiến này sinh ra mối bất hoà với ý tưởng trang trí của hoạ sĩ Ruffier.

Cuối cùng hoạ sĩ Ruffier nhượng bộ xin về Pháp nghiên cứu thêm vài chi tiết trang trí nhưng ông không trở qua. Hội đồng thành phố phát đơn kiện Ruffier vì không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn. Kết quả tòa đã xử họa sĩ Ruffier phải trả hai phần ba án phí, cộng thêm khoản bồi thường thiệt hại cho Hội đồng thị xã nhưng Ruffier vắng mặt vì… không có tiền nên kết quả huề cả làng và cũng chẳng biết sau đó họa sĩ Ruffier lưu lạc nơi đâu.

Hoạ sĩ Bonnet đứng ra thay thế Ruffier thực hiện tiếp phần trang trí tòa nhà. Ðến năm 1908 thì hoàn thành và vào năm 1909 Hôtel de Ville chính thức khánh thành với sự hiện diện của viên toàn quyền Ðông Dương nhân dịp kỷ niệm 50 năm người Pháp duy trì quyền lực tại Sài Gòn (1859-1909).

toa-do-chanh-sai-gon1
Khu vực Hôtel de Ville Sài Gòn vào cuối thập niên 1920, cơi nới thêm tầng hai ở hai bên toà nhà. Nguồn: Manhhaiflicks

Ðến đây, cho phép tôi lan man ngoài lề một chút. Người Pháp gọi là Hôtel de Ville nhưng người dân mình lúc đó thường gọi là Dinh xã Tây vì lúc đó, tuy chức năng chính quyền là một thành phố nhưng quy mô chỉ là một xã trung tâm. Sài Gòn Chợ lớn có chừng 40 xã, ở trung tâm hành chính Chợ Lớn cũng có xây một Hôtel de Cho Lon, người mình cũng gọi là Dinh xã Tây. Lý do quan trưởng xã đều là người Pháp. Sau này Dinh xã Tây ở Chợ Lớn dẹp bỏ, người ta cất lên chợ Xã Tây vào năm 1925 còn tồn tại đến ngày nay. Một điểm khác, hồi năm 1990, một trong những cảnh phim Người Tình (L’Amant) của đoàn phim Pháp đến Sài Gòn đã chọn chợ Xã Tây làm bối cảnh cho mối tình lãng mạn của nhân vật Huỳnh Thủy Lê và cô gái Pháp Marguerite Donnadieu tung tăng giữa chợ.

Hôtel de Ville Sài Gòn có lối kiến trúc thời Phục Hưng, nhìn tổng thể, ở giữa có lầu đồng hồ, hai bên có mái tháp hao hao hình dáng của Toà Thị Chính Paris cũng xây theo lối kiến trúc Phục Hưng. Phần mặt tiền nổi bật ở phần toà nhà hai tầng dài 30 mét, các chi tiết điêu khắc trang trí được thực hiện cầu kỳ.

Phần hai cánh một tầng trang trí đơn giản. Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe hiện thân nữ thần Marianne trong trang phục Phrygia tà áo bay linh động và hai đứa bé, một bé bên phải đang ách hai con sư tử, và đứa bé bên trái cầm tích trượng và khiên cách điệu trang trí hoa văn. Hai bức tượng đắp nổi phía dưới hai mái tháp là hai người phụ nữ cầm gươm, đầu đội vành nguyệt quế, tay cầm trục bản hiến pháp, sau lưng là cụm lá ô liu, dưới chân là cây tích trượng với đống lúa mì và cái liềm gặt. Hình tượng này có thể biểu trưng cho nước Pháp đi chinh phục thuộc địa. Các dãy viền trang trí dọc theo tường hay các đầu cột sử dụng hoạ tiết khắc nổi vành nguyệt quế. Màu sơn từng được sử dụng cho tòa nhà là trắng hoặc vàng. Về trang trí nội thất, ít có toà nhà nào sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

toa-do-chanh-sai-gon
Chi tiết trang trí đắp nổi ở mặt tiền Hôtel de Ville. Ảnh: Internet

Phía trước dinh là một công viên có bãi cỏ rộng có ghế đá kéo dài ra đến ngã tư kết nối với bùng binh xây bằng bệ xi- măng cao hình bát giác. Khi xưa vào mỗi Chủ Nhật, ban nhạc hải quân đem kèn trống chơi nhạc cho công chúng xem, vì thế người Việt mình gọi tên bồn kèn. Ðây cũng là bùng binh đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn. Sau này quanh bùng binh người ta trồng nhiều cây liễu rũ thướt tha rất đẹp, nên dân chúng gọi là Bùng binh cây liễu.

Kiến trúc Hôtel de Ville Sài Gòn nguyên thuỷ là một toà nhà dài gần trăm mét, riêng khoảng giữa dài 30 mét có hai tầng và đỉnh mái, các cửa lớn và cửa sổ xây theo cửa vòm cong. Phần còn lại toà nhà một tầng hai bên trái phải cửa xây theo kiểu võng, đến giữa thập niên 1920 do thành phố đã phát triển rộng lớn, cần thêm nhiều ban ngành phục vụ hành chánh, chính quyền cho cơi nới thêm tầng hai với lối kiến trúc đơn giản. Sang thập niên ba mươi, phần tầng hai cơi nới mới được xây trang trí phù hợp kiến trúc với toàn diện khối nhà.

Sau hiệp định Geneva 1954, Hôtel de Ville đổi tên thành Toà Ðô Chính hay Toà Ðô Sảnh. Hình ảnh Hôtel de Ville đến nay luôn là một biểu tượng kiến trúc đối với nhiều thế hệ của người dân Sài Gòn.

TN

Fort Worth, TX

Bài Khác