THÚY ĐÃ ĐI RỒI

THÚY ĐÃ ĐI RỒI

Đỗ Thái Nhiên

Thúy ở đây không phải là Thúy của tài tử Nguyễn Long trong một sản phẩm điện ảnh trước 1975. Thúy ở đây là kiểu gọi tắt của danh xưng “Thúy Nga Paris by Night”. Từ nhiều năm qua Thúy Nga là nhà sản xuất video ca nhạc được đông đảo khán thính giả trong và ngoài nước ưa thích. Tại sao nay Thúy lại đột ngột ra đi? Thúy đi đâu? Thúy đi biền biệt hay là sau chuyến lạc đường ngắn ngủi, Thúy lại quay về ?

Câu chuyện “Thúy Đã Đi Rồi” được tường thuật và phân tích như sau:

Tháng 8 năm 1997, băng video Thúy Nga 40 ra đời với chủ đề Mẹ. Vẫn như thường lệ, bộ băng này gồm hai cuốn. Gần trọn cuốn 1, Thúy Nga Paris by Night đã vận dụng mọi kỹ thuật của âm thanh, ánh sáng, màu sắc để tuyệt đối đề cao tình Mẹ Con, đề cao Mẹ. Đặc biệt Mẹ của Thúy Nga 40 chỉ là Mẹ ốm yếu xơ xác, Mẹ nghèo đói cùng cực. Mẹ sống trong cô đơn mênh mông, trong buồn tủi ngút ngàn. Cuối cùng Mẹ đi vào cõi chết trên những hoàn cảnh khắc nghiệt, bi thảm nhất. Mẹ chết cùng với con thơ đang ngậm sữa Mẹ. Mẹ chết bên cạnh những tử thi bê bết máu. Những tử thi không toàn thây, những tử thi của con cái Mẹ, của gia đình Mẹ, của đồng bào Mẹ…

Thúy Nga 40 cố tình không nhắc tới những lúc Mẹ sống đầm ấm bên cạnh chồng con. Những lúc mẹ hãnh diện về vô số tài năng tuyệt vời của con cháu Mẹ. Những lúc Mẹ kiên cường điều binh khiển tướng chống ngoại xâm phương Bắc. Những lúc Mẹ mỉm cười mãn nguyện trước những phong tục tập quán rất tinh tế trong ngập tràn yêu thương của nòi giống Hồng Lạc…

Đời sống là một giao thoa bất tận giữa hạnh phúc và đau khổ, hòa bình và chiến tranh, ấm no và đói nghèo, hy vọng và tuyệt vọng. Tại sao đời sống của Mẹ trong Thúy Nga Paris by Night 40 lại không giao thoa? Tại sao Mẹ của Thúy Nga 40 chỉ ôm lấy một vế của đời sống? Chỉ ôm lấy đau khổ, chiến tranh, nghèo đói, tuyệt vọng?

 

Thúy Nga 40 buộc Mẹ phải sống một chiều như vậy là để mở đường cho Nguyễn Ngọc Ngạn nói những lời não nề: “Đời Mẹ có thể gọi là một bản trường ca thống khổ. Cái khổ vì nghèo không thấm gì so với cái khổ của chia lìa, ly tán vì chiến tranh”.

 Chiến tranh quân sự đã tàn lụi trên hai mươi năm rồi. Mặt khác, tại phần cuối cuốn 2 Thúy Nga 40, chínhNguyễn Ngọc Ngạn đã tha thiết kêu gọi: “Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp”. Thế nhưng tại sao trong toàn bộ cuốn 1, Thúy Nga 40 lại quyết tâm giam cầm Mẹ trong “cuộc chiến tiền kiếp”?

Cuộc giam cầm này có chủ  ý làm cho khán thính giả cảm thấy vô cùng đau đớn trước cảnh Mẹ bị chiến tranh vùi dập. Tình cảm đau đớn kia nhanh chóng biến thành lòng căm thù đối với tội ác chiến tranh. Nhưng ai là phạm nhân của tội ác chiến tranh? Thúy Nga 40 đã len lén gián tiếp trả lời câu hỏi vừa nêu bằng cách đẩy ca sĩ Don Hồ lên sân khấu. Giọng Don Hồ buồn da diết:

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình. Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong. Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương. Tuổi con bơ vơ thế giới hận thù chiến tranh ngục tù…

 Ngay sau khi Don Hồ vừa dứt câu hát “Thế giới hận thù, chiến tranh ngục tù”, Thúy Nga 40 đã cho trực thăng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện một cách hung hãn. Xử dụng kỹ thuật kết nối lời ca và ngoại cảnh giả tạo như vừa kể, Paris by Night đã mạnh mẽ gợi ý cho khán thính giả nghĩ rằng Quân đội Việt Nam Công Hòa chính là một tập đoàn tội phạm chiến tranh. Kế đó Don Hồ tiếp tục hát. Trực thăng và cả phản lực cơ Mỹ xuất hiện. Trực thăng bắn giết dân chúng trên đường chạy loạn. Trực thăng tạo ra thảm cảnh hai mẹ con cùng chết đang khi con còn ngậm vú Mẹ. Xác chết của dân chúng nằm ngổn ngang khắp thôn xóm.  Nơi này là người chết tan xác, một bàn chân buồn thảm còn kẹt lại trên hàng rào kẽm gai. Nơi kia là một bà mẹ rất trẻ, tay bế con thơ, tay kéo xác chồng được đặt nằm trên một tấm ván vừa ngắn vừa hẹp. Cảnh trực thăng xuất hiện để hỗ trợ cho luận điệu “lên án Việt nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam” đã kéo dài trong 7 phút của Thúy Nga 40.

Nói tóm lại, đề cao tình Mẹ Con, làm nổi bật nỗi đau khổ của Mẹ trong chiến tranh, gây lòng căm phẫn đối với chiến tranh, cuối cùng Thúy Nga 40 đã tổng hợp các tình cảm tha thiết, xót xa, đau khổ, căm thù để tạo thành một vụ nổ mạnh mẽ nhất: Gỡ bỏ lý tưởng phục vụ Tự do  Dân chủ của Miền Nam trước năm 1975. Dứt khoát kết luận Việt Nam Cộng Hòa chính là tội phạm chiến tranh. Đó là nội dung cốt lõi của cuốn thứ nhất bộ video Thúy Nga 40.

Như chúng ta đã biết, mâu thuẫn chủ yếu hiện nay tại Việt Nam là cuộc xung đột gay gắt giữa hai thế lực:

– Bên này là quần chúng yêu chuộng Tự do Dân chủ,

– Bên kia là cộng sản độc tài tham ô, bán nước cộng với đám tay sai đủ loại.

Chúng ta lại còn biết: Những người xuất thân từ xã hội Việt nam Cộng Hòa hiện là thành phần cốt cán của thế lực yêu chuộng Tự do Dân chủ… Vì vậy, muốn tiếp tục duy trì ngôi vị thống trị trong độc tài và ngu dốt, cộng sản Việt Nam không còn phương cách nào khác hơn là bôi bẩn và triệt hạ hình ảnh Việt Nam Cộng Hòa.

Câu hỏi được đặt ra là ”Sau khi đã nỗ lực đốn gẫy hình ảnh Việt Nam Cộng Hòa như Thúy Nga 40 cuốn 1 đã làm, cộng sản Việt Nam sẽ dẫn Tổ Quốc  Việt Nam đi về đâu?” Paris by Night 40 cuốn số 2 đã trả lời các câu hỏi này.

Giống như cuốn 1, phần mở đầu của cuốn 2 Thúy Nga 40 vẫn hết lời ca tụng Mẹ. Mẹ cao cả tuyệt vời. Mẹ vị tha tuyệt đối… Thế rồi, từ hình ảnh của  bà Mẹ trong mỗi gia đình, Paris by Night đã hướng dẫn khán thính giả đi gặp Mẹ Việt Nam, Tổ Quốc Việt Nam. Đứng dưới chân Mẹ Việt Nam, dựa vào uy danh Mẹ Việt Nam,Nguyễn Ngọc Ngạn ngọt ngào kêu gọi:

“Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp… Hãy xóa hết mọi ranh giới của chủ nghĩa, của giáo điều để chỉ còn lại một chủ nghĩa duy nhất: Đó là chủ nghĩa yêu thương đặt trên nền tảng giống nòi như  trăm con nước cùng xuất phát từ một nguồn, như ngàn nhánh sông cùng đổ về đại dương… Dù tha hương hay ở quê nhà, dù theo Mẹ lên núi hay theo Cha xuống biển, đều sẽ kết tụ lại thành một khối vững chắc làm nền móng trường cửu cho ngôi nhà Việt Nam vinh quang và phú cường trong thời đại mới..”  

 Lời réo gọi nêu trên của Nguyễn Ngọc Ngạn hàm chứa hai sai lầm và một dấu hỏi:

– Sai lầm một: Không có sự chối cãi rằng cuộc chiến tại Việt Nam là cuộc chiến giữa lý tưởng Tự do Dân chủ và chủ nghĩa Độc tài Phi nhân. Mặt khác, bất kỳ cuộc chiến nào cũng có hai hình thái: đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Năm 1975, đấu tranh quân sự tại Việt Nam đã im tiếng súng. Nhưng đấu tranh chính trị lại được mở rộng và ngày càng trở nên gay gắt hơn. Những phản kháng mãnh liệt của người dân nhằm vào bạo quyền cs kiểu Thái Bình, Thanh Hóa, Xuân Lộc… là những chứng cớ bằng máu, bằng nước mắt của đấu tranh chính trị trên quê hương Việt Nam ngày nay.

Cho rằng “cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp” Nguyễn Ngọc Ngạn đã tỏ ra không hiểu biết gì về tình hình chính trị Việt Nam. Đằng sau thái độ “không hiểu biết gì” của Nguyễn Ngọc Ngạn, chúng ta  tìm thấy cái nhìn miệt thị của Nguyễn Ngọc Ngạn hướng về cuộc đấu tranh cho Tự do Dân chủ mà toàn dân đang tiến hành trong gian khổ.

– Sai lầm hai: Khoa chính trị nhập môn đã cho thấy: ổn định là điều kiện tiên quyết của phát triển. Xã hội ổn định phải là xã hội được điều động và tổ chức bởi pháp chế Tự do Dân chủ chân chính. Việt Nam hiện sống trong Độc tài Áp bức. Việt Nam hiện sôi sục trong đấu tranh Dân chủ hóa. Trước tình trạng vừa trình bày,Nguyễn Ngọc Ngạn đưa ra lời kêu gọi toàn dân  hãy “kết tụ lại thành một khối” nhằm phát triển “ngôi nhà Việt Nam vinh quang và phú cường”.

Dưới chế độ cs không hề và không thể có phát triển. Dưới chế độ cs phải có và chỉ có đấu tranh chống độc tài, bán nước. Kêu gọi quần chúng trong và ngoài nước đoàn kết để cùng đảng cs Việt Nam phát triển quốc gia đang khi xã hội cực kỳ bất ổn, Nguyễn Ngọc Ngạn vừa đặt cái cày trước con trâu vừa ngấm ngầm giúp cho cs tiếp tục tồn tại.

Một dấu hỏi: Nguyễn Ngọc Ngạn kêu gọi người Việt trong cũng như ngoài nước hãy:“kết tụ lại thành một khối vững chắc” nhưng “chỉ để làm nền móng trường cửu cho ngôi nhà Việt Nam”. Lịch sử loài người đã chứng minh: Xã hội chỉ có thể vận động và phát triển hữu hiệu chừng nào xã hội có được sự hợp tác thuận hòa và tích cực giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Thượng tầng là nhà cầm quyền. Hạ tầng là tập thể quần chúng với đủ loại sinh hoạt kinh tế xã hội. Điều được Nguyễn Ngọc Ngạn gọi là “nền móng trường cửu” chính là hạ tầng cơ sở. Vậy thì tại Việt Nam, “trong thời đại mới” cá nhân nào, tập thể nào sẽ nắm giữ trách vụ lãnh đạo Đất Nước?

Nguyễn Ngọc Ngạn đã rất tế nhị và khôn khéo ủy nhiệm cho Khánh Ly trả lời câu hỏi vừa nêu lên:

 Nhìn kỹ đi coi một trăm năm tới

Mẹ nước Việt Nam vượt mãi hay lui

Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới

Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai

 

Việt Nam ngàn đời rạng rỡ yên vui

Nhờ trong quá khứ có Mẹ lên ngôi

Thắm thiết tình người gửi tới nhân loại

Nào ai đang chờ vòng tay êm ấm

 Mẹ vui Mẹ buồn mừng rỡ bâng khuâng

Cùng nhau tha thiết đưa Mẹ tiếp nối

Quá khứ huy hoàng Mẹ đã vun trồng.

 Ngôn ngữ là ngôn ngữ chung. Xử dụng ngôn ngữ chung để diễn tả tâm tình riêng quả là một việc làm vô cùng khó khăn và rất dễ làm cho lời xiêu ý vẹo. Do đó giải thích lời văn của một tác giả, chúng ta cần tìm hiểu xem lời văn đó nằm ở mạch văn nào. Có như vậy công trình giải thích mới khoa học và chính xác.

Đặc biệt, đối với việc xác định ý nghĩa của Thúy Nga 40 chẳng những chúng ta phải chú trọng đến mạch văn là trường hợp bài ca “Mẹ Năm Hai Ngàn” của nhạc sĩ Phạm Duy. Thực vậy, chung quanh “Mẹ Năm Hai Ngàn”, Thúy Nga 40 đã phối trí các sự kiện kể sau:

– Thứ nhất: Cuối cuốn 1, Thúy Nga 40 cố tình xác định lập trường cộng sản của họ bằng cách mạnh mẽ lên án Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam. Vì vậy, muốn hiểu ý nghĩa của “Mẹ Năm Hai Ngàn”, chúng ta hãy nghe ca khúc đó theo cung cách suy nghĩ của người cộng sản: Năm 2000 hay năm 3000 không thành vấn đề. Cộng sản Việt Nam vĩnh viễn là Mẹ của nhân dân Việt Nam.

– Thứ hai: Nguyễn ngọc Ngạn kêu gọi toàn dân kết tụ lại thành một khối để làm nền móng, tức là làm hạ tầng cơ sở cho Việt Nam. Riêng việc giới thiệu thượng tầng cai trị, Nguyễn Ngạn đã nhờ Khánh Ly ca bài Mẹ Năm Hai Ngàn như một dấu hiệu cho thấy “trong thời đại mới”, cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục ngự trị trên ngôi báu của quyền lực chính trị.

– Thứ ba: Lo ngại khán thính giả không nhìn ra cộng sản Việt Nam trong chiếc áo Mẹ Việt nam, song song với giọng ca Khánh Ly, Thúy Nga 40 đã cho chiếu ngoại cảnh rất đặc biệt: Ngoại cảnh cho thấy con chim bồ câu từ trên bầu trời bao la đã thả xuống đồng ruộng Việt nam một hạt lúa thật đỏ, thật to. Hạt lúa đỏ biến thành cây lúa đỏ, loại lúa cao lớn và nhiều hạt hơn giống lúa vàng bình thường.

Một bé gái tay ôm mô hình nước Việt Nam, tay kia ôm bó lúa đỏ. Bé gái mang lúa đỏ tặng cho mọi nhà, mọi người, tặng cho đồng bào khắp nước Việt Nam. Đặc biệt bé đã mang lúa đỏ tặng cho một phụ nữ đội khăn đỏ đang ngồi cạnh chếc xe bò cũ kỹ ọp ẹp. Sàn xe có tượng Đức Phật đứng trên tòa sen:

Tượng trông nhem nhuốc, bàn tay trái của Đức Phật đã gẫy. Đức Phật bị trói bởi một sợi dây quấn ngang ngực. Tượng Đức Phật bị gẫy vỡ và bị trói đi kèm với cây Thập Tự Giá vừa dài vừa nặng, có ý muốn nói: Tư tưởng của các tôn giáo chỉ là những tư tưởng và tổ chức nặng nề bó hẹp. Tôn giáo không có khả năng mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho toàn dân. Chỉ có cộng sản Việt Nam thông qua hạt lúa đỏ và bó lúa đỏ đã thực sự đáp lại ước vọng ấm no và hòa bình của toàn dân.   

 Hiểu được các biểu tượng vừa trình bày, chúng ta mới có thể thấy được thâm ý của Thúy Nga 40 khi nghe Khánh Ly hát: “Việt Nam ngàn đời rạng rỡ yên vui, nhờ trong quá khứ có Mẹ lên ngôi… Cùng nhau tha thiết đưa Mẹ tiếp nối quá khứ huy hoàng Mẹ đã vung trồng…”

“Ngôi” của Mẹ là ngôi Tổng bí thư, ngôi Chủ tịch nước, ngôi Chủ tịch quốc hội, ngôi Thủ tướng. “Quá khứ huy hoàng của Mẹ” bao gồm “cách mạng 1945” với vô số người Việt ái quốc bị cộng sản ám sát“Cải cách ruộng đất”, “Vụ án nhân văn Gai phẩm 1956”, “Tết  Mậu Thân Huế 1968”, “Tù cải tạo 1975”, và tham ô, buôn lậu, bán nước cho Tàu, sát hại đối lập từ 1975 đến nay…

Không còn nghi ngờ gì nữa, ba sự kiện kể trên đã hiển nhiên làm biến đổi ý nghĩa của nhạc phẩm “Mẹ Năm 2000”. Sự biến đổi này là một sự xác nhận Thúy Nga 40 có chủ ý suy tôn cộng sản Việt Nam trên cương vị lãnh đạo Đất Nước thông qua hành động đồng hóa cộng sản Việt Nam với Mẹ Việt Nam.

Nhìn chung lại, Thúy Nga 40 gồm 2 cuốn đồng thời cũng là 2 bước tiến công vào lực lượng yêu chuộng Tự do Dân chủ.

Bước thứ nhất (cuốn 1), triệt hạ uy tín của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, triệt hạ uy tín của thành phần chủ lực trong thế lực đấu tranh cho Tự do Dân chủ.

Bước thứ hai (cuốn 2), kêu gọi toàn dân kết tụ lại thành một khối làm “nền móng” cho căn nhà Việt Nam. Căn nhà này trong “thời đại mới” vẫn do cộng sản Việt nam lãnh đạo.

Hành động của Thúy Nga 40 đã dẫn tới các hậu quả sau đây:

– Hậu quả chính trị: Từ hơn hai thập niên qua, Trung tâm Thúy Nga Paris by Night được vinh danh là người bạn rất trung thành, rất thân thiết của những người quyết tâm phục vụ Lý tưởng Tự do Dân chủ. Những tác phẩm kiểu Nước Non Ngàn Dậm Ra Đi, Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam, Việt Nam 20 Năm Nhìn lại … mãi mãi vẫn là những kỷ niệm đằm thắm trong tâm khảm của mỗi chúng ta. Thế nhưng, tháng 8, 1997 Thúy Nga 40 đã đột ngột thay đổi lập trường. Thúy Nga đã từ giã lực lượng Tự do Dân chủ để chạy về phía cộng sản Độc tài bán nước. Như vậy là: Thúy Đã Đi Rồi…

– Hậu quả pháp lý: Pháp lý ở đây không phải là pháp lý của riêng một quốc gia nào. Pháp lý ở đây là pháp lý phổ quát dưới sự chỉ đạo bởi triết học của  pháp lý (triết pháp). Pháp lý phổ quát đã nêu bật chân lý hằng cửu rằng: quyền tự do kinh doanh là một trong các nhân quyền căn bản. Tuy nhiên, bên cạnh quyền tự do kinh doanh bao giờ cũng có nghĩa vụ tuân phục đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh phải triệt để bảo vệ quyền lợi của thân chủ. Đạo đức kinh doanh bắt buộc bác sĩ phải tôn trọng bí mật nghề nghiệp. Đạo đức kinh doanh không cho phép luật sư vừa biện hộ cho bị đơn vừa ngấm ngầm làm lợi cho nguyên đơn. Lương doanh là những doanh gia tuân hành đạo đức kinh doanh. Thiếu đạo đức kinh doanh, doanh gia trở thành gian doanh. Cộng đồng Người Việt tại hải ngoại là thân chủ của Thúy Nga. Đối phương của Cộng đồng này là cộng sản Độc tài. Thúy Nga vừa nhận tiền của khán giả Người Việt Hải Ngoại, vừa làm công cụ tuyên truyền cho cộng sản, Thúy Nga đã từ lương doanh trở thành gian doanh. Như vậy là: Thúy Đã Đi Rồi.

Thúy ra đi không một lời từ giã. Thúy ra đi trong lạnh lùng. Sự thể này gây cho chúng ta cảm nghĩ là Thúy đã ra đi đột ngột. Phải chăng ra đi đột ngột có nghĩa là ra đi không hậu ý? Công việc tìm hiểu xem chuyến đi của Thúy có hậu ý hay không đã đẩy chúng ta đứng trước từ ngữ Behaviorism. Từ ngữ này là tên gọi của một học thuật tâm lý. Muốn lôi cuốn một người đi theo một hướng đi nào chúng ta thường đưa ra một số lý luận để thuyết phục đương sự. Người cộng sản có thói quen xử dụng vũ khí để cưỡng bách người khác phải đi theo họ.

Học thuyết Behaviorism chủ trương cuốn hút con người bằng kỹ thuật gây nghiện ngập. Băng đảng kết nạp thành viên bằng cách dụ dỗ và tạo cơ hội để thanh thiếu niên nghiện ngập ma túy. Sau khi đã quen thuộc với thế giới “đi mây về gió”, thanh thiếu niên nạn nhân buộc lòng phải gia nhập băng đảng để được tiếp tục vui đùa với ma túy.

Hơn hai thập niên qua, Thúy Nga đã vận dụng màu sắc, âm thanh, ánh sáng, các kiểu áo dài, các khuôn mặt trẻ trung tươi mát của nam nữ diễn viên và nhất là lời lẽ ngọt ngào của nhân viên điều khiển chương trình đã làm cho khán thính giả nghiện ngập Thúy Nga. Thúy đã đi rồi nhưng Thúy không có ý định tuyệt giao với khán thính giả. Sau mỗi bước ra đi của Thúy là một ước mong thầm kín của Paris by Night. Ước mong rằng: Do nghiện ngập Thúy, khán giả sẽ đứng dậy chạy theo Thúy trên con đường từ “Ái quốc đến Phản quốc”.

Thế nhưng, Thúy đã lầm. Thúy đã đánh giá khán thính giả quá thấp. Trước sự ra đi của Thúy, khán thính giả đã có những phản ứng khác nhau. Có người phẫn nộ. Có người buồn phiền. Có người gay gắt lên án. Có người trầm tĩnh với ý nghĩ xem như Thúy đã chết. Trong cái thế giới  khác nhau vừa kể, toàn thể khán thính giả đã gặp nhau ở một điểm chân lý rực sáng: Thúy Nga chỉ là một phương tiện giải trí bằng ca nhạc. Phương tiện này cùng với mọi hấp dẫn thể chất khác tuyệt đối không thể có năng lực làm sai lệch quyết tâm Dân Chủ Hóa Quê Hương của Người Việt Hải Ngoại.

Ngay sau chuyến ra đi của Thúy, Người Việt Hải Ngoại đã hội tụ mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam. Đó là chân ý nghĩa của qui luật trong tan có hợp, trong họa có phúc. Đó còn là bài học ngọt bùi pha lẫn đắng cay của câu chuyện Thúy Đã Đi Rồi…

Đỗ Thái Nhiên

8/1997 

Bài Khác