Thị trường ngà voi lậu vẫn phát triển tại Việt Nam

Thị trường ngà voi lậu vẫn phát triển tại Việt Nam

.

Nhân viên cơ quan cảng vụ của Kenya và cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya giám sát việc đếm ngà voi ở cảng Mombasa hôm 21/8/2013. Những ngà voi này được cho biết là sẽ được chuyển đến Việt Nam nhưng đã bị phía Singapore chặn lại và gửi về Kenya. AFP

Một phúc trình có tên ‘From Tusk to Trinket: Persistent illegal ivory markets in Vietnam; tạm dịch ‘Từ Ngà voi đến đồ trang sức: những thị trường ngà voi lậu cố hữu tại Việt Nam’, được AsiaTimes loan đi vào ngày 17 tháng 12.

Phúc trình do TRAFFIC, tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ- USAID thực hiện với những khảo sát từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017.

Theo đó thì khảo sát tại hơn 850 cửa hàng bán lẻ trên thực địa tại 13 địa phương ở Việt Nam và 17 địa chỉ trên mạng Internet. Phúc trình cho thấy có 8 trường hợp những đối tượng bán sản phẩm ngà voi trên mạng hoặc có liên kết với cửa hàng thực địa hoặc cửa hàng cũng rao bán sản phẩm ngà voi trên mạng xã hội, các trang chủ thương mại điện tử hay những diễn đàn mạng khác.

Bà Sarah Ferguson, Giám đốc tổ chức chống buôn bán động vật hoang dã và sản phẩm làm từ những loài này là TRAFFIC, được CGTN dẫn phát biểu rằng mặc dù những nhà bán lẻ Việt Nam đều biết kinh doanh ngà voi là phi pháp; thế nhưng vẫn công khai chào mời.

Hình chụp hôm 1/9/2018: các tượng Phật làm từ ngà voi được bán ở một cửa hiệu cho khách du lịch ở tỉnh Dak Lak
Hình chụp hôm 1/9/2018: các tượng Phật làm từ ngà voi được bán ở một cửa hiệu cho khách du lịch ở tỉnh Dak Lak. AFP

Bà này nói rõ mọi nỗ lực thực thi pháp luật phải được thực thi bắt kịp thị trường; nếu không thị trường ngà voi lậu tại Việt Nam vẫn sẽ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới về sản phẩm này.

Doanh giới cho rằng những đồ trang sức ngà voi bày bán được chế tác từ ngà những con voi rừng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tổ chức TRAFFIC và USAID thì hiện còn ít hơn 100 con voi sống hoang trong rừng tại Việt Nam; do vậy không thể có một lượng lớn sản phẩm làm từ ngà voi rừng tại Việt Nam như  thế được.

Thống kê cho thấy có chừng 20 ngàn con voi Phi Châu bị giết mỗi năm để lấy ngà. Đa phần số ngà săn được đều đưa lậu sang các quốc gia Châu Á. Du khách quốc tế mà đặc biệt là Trung Quốc là những khách hàng quan trọng mua sản phẩm chế tác từ ngà voi.

Ban Thư Ký Công ước Quốc Tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng- CITES có yêu cầu Việt Nam vạch ra kế hoạch ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi lậu. Vào tháng 10 vừa qua, giới chức CITES lên tiếng là Hà Nội vẫn chưa thực hiện được kế hoạch đề ra.

Một giới chức của TRAFFIC nói rõ rằng cho đến khi nào Việt Nam thực hiện được những hành động kiên quyết đối với những thị trường ngà voi lậu cố hữu lâu nay theo cam kết đối với CITES; thì khi đó những hoạt động của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng săn bắn phi pháp để lấy ngà voi mới không còn bị hủy hoại.

Thái bắt người Việt buôn lậu ngà voi

Trong một diễn tiến khác, Cảnh sát Thái Lan mới đây đã bắt giữ một phụ nữ Việt Nam mang lậu vào Xứ Chùa Vàng hơn 22 kilogram ngà voi.

Mạng báo Thanh Niên vào ngày 17 tháng 12 loan tin người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thanh, 43 tuổi, là người Hà Tĩnh bị bắt vào ngày chủ nhật 16 tháng 12 khi đang đi trên xe đò ở tỉnh Nakhon Phanom, cách thủ đô Bangkok gần 750 kilomet.

Bà Nguyễn Thị Thanh bị bắt với tang vật là 930 mẫu ngà voi, trong đó có những nữ trang được chế tác từ ngà voi. Bà này khai với Cảnh sát Thái Lan là bà được một người Lào thuê mang số hàng ngà voi vừa nêu từ bên kia biên giới rồi giao hàng ở một bến xe tại Thái Lan.

Tuy vậy Cảnh Sát Thái Lan không tin lời khai của bà Thanh mà đặt nghi vấn bà này nằm trong một nhóm chuyên vận chuyển hàng cấm.

Luật pháp Thái Lan qui định ngà voi thuộc nhóm cấm mua bán hay vận chuyển qua biên giới trừ trường hợp được cơ quan chức năng Thái Lan cấp giấy.

Đối tượng vi phạm phải chịu mức án phạt tiền từ 3 đến 6 triệu bath và mức án tù từ 3 đến 6 năm.

Nguồn: RFA

Bài Khác