Thảm nạn Rohingya : Tòa Hình sự Quốc tế thụ lý điều tra tội ác

Thảm nạn Rohingya : Tòa Hình sự Quốc tế thụ lý điều tra tội ác

Tú Anh Đăng ngày 15-11-2019 

media

Người Rohingya cầu nguyện đánh dấu hai năm rời Miến Điện sang tị nạn tại Bangladesh, trại Kutupalong ở Cox’s Bazar, ngày 25/08/2019.REUTERS/Rafiqur Rahman

Tòa Hình sự Quốc tế CPI ở La Haye, Hà Lan, bật đèn xanh tiến hành điều tra về các hành vi bạo lực đàn áp sắc dân thiểu số Rohingya tại Miến Điện. Năm 2017, gần 750.000 nạn nhân chạy qua Bangladesh tị nạn. Hồi đầu tuần, Gambia, với sự ủy nhiệm của 57 quốc gia Hồi Giáo, đệ đơn kiện Miến Điện.

Theo AFP, thứ Năm 14/11/2019, các thẩm phán của Tòa Hình sự Quốc tế, đặc trách xem xét các vụ phạm tội ác khủng khiếp trên thế giới, cho phép công tố viên Fatou Bensouda, một luật gia giàu kinh nghiệm, điều tra về nguyên nhân làm cho sắc dân thiểu số theo đạo Hồi phải bỏ làng đi tị nạn.

Vào tháng 8/2017, quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa nhóm du kích Hồi giáo tấn công vào một số đồn biên giới. Bị quân đội chính phủ và dân quân Phật tử đàn áp, từng đoàn người Rohingya bỏ làng chạy qua Bangladesh lánh nạn, sống chen chúc nhau trong các trại tạm cư do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thiện nguyện quản lý.

Theo nữ công tố viên Fatou Bensouda, đèn xanh của Tòa CPI là tín hiệu khích lệ đối với nạn nhân bị áp bức. Bà cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra một cách khách quan và độc lập cho đến khi sự thật được phơi bày.

Hai đơn kiện cùng lúc

Quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế được loan báo một tuần sau khi một đơn kiện tương tự được đệ trình một Tòa án ở Buenos Aires, thủ đô Achentina, nhân danh công lý phổ quát, không biên giới .

Đơn kiện chống các hành vi bạo lực, tra tấn, cưỡng hiếp mà nạn nhân là người Rohingya, nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hòa Bình 1991. Với chức vụ « cố vấn nhà nước » Miến Điện, thần tượng của phong trào dân chủ ngày trước, có thẩm quyền của một thủ tướng chính phủ.

Thẩm phán Maria Servini có kinh nghiệm thụ lý hai hồ sơ lớn : tội ác trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha (1936-1939) và trong chế độ độc tài Franco từ năm 1939 đến 1975.

Bài Khác