Tập Cận Bình trả giá cho chiến lược “giương Đông, kích Tây”?

THU HẰNG / RFI (Phỏng vấn GS Jean-Pierre Cabestan) –

Tập Cận Bình trả giá cho chiến lược “giương Đông, kích Tây”?

.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi họp Quốc Hội ngày 08/03/2019 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh.
REUTERS/Thomas Peter

Thời gian gần đây xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng, rạn nứt trong nội bộ guồng máy lãnh đạo Trung Quốc. Dù vẫn tập trung đầy quyền lực, nhưng ông Tập Cận Bình đang hứng chịu những lời chỉ trích, từ phía đối lập, ngay trong bộ máy cầm quyền và giới trí thức, về cách điều hành nền kinh tế và những quyết định mang tính chiến lược của ông.

Cách đây một năm, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng trên đỉnh cao quyền lực, có thể nắm quyền trọn đời nhờ bỏ quy định hạn chế tối đa hai nhiệm kỳ và đưa « tư tưởng Tập Cận Bình » vào Hiến Pháp. Ông Tập mạnh tay « đả hổ diệt ruồi » tham nhũng ; trấn áp, kìm kẹp tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ ở Tân Cương và Tây Tạng ; áp dụng kiểm soát công dân qua hệ thống chấm điểm ; hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước nhưng lơ là lĩnh vực tư nhân.

Về đối ngoại, ông Tập Cận Bình tích cực triển khai dự án Con đường Tơ lụa mới, được ví như chiếc vòi bạch tuộc tìm cách thâu tóm thế giới và khiến nhiều nước lao đao rơi vào bẫy nợ. Chủ tịch Trung Quốc tự tin lao vào cuộc chiến thương mại với tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng không lường được sự kiên định của chủ nhân Nhà Trắng.

Phát biểu tại kỳ họp thứ hai Quốc Hội khóa 13 (05-18/03/2019), chủ tịch Tập Cận Bình đã đổi chiến lược. Ông xoa dịu sự bất bình của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, trấn an phương Tây, đặc biệt là Washington, với luật đầu tư nước ngoài được vội vàng soạn thảo và thông qua.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tuyên bố các « trung tâm dạy nghề » (trên thực tế là những trại giam người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ) sẽ « biến mất » vào một ngày nào đó, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định trước Liên Hiệp Quốc rằng tất cả các học viên đều tự nguyện đăng kí học nghề để rũ bỏ tư tưởng tôn giáo cực đoan mà họ bị « nhồi nhét ».

Cũng trong kỳ họp Quốc Hội lần này, ông Hồ Hải Phong, con trai duy nhất của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, được bổ nhiệm làm bí thư Tây An, nơi căn bệnh tham nhũng hoành hành. Theo nhận định của ông Alex Payette, chuyên gia về Trung Quốc trong bài viết ngày 12/03/2019 trên trang Asialyst, ông Tập Cận Bình đang chìa bàn tay với phe Hồ Cẩm Đào để bảo đảm tương lai của đảng.

Liệu quyền lực của chủ tịch Trung Quốc đang bị đe dọa trước những chia rẽ trong nội bộ đảng và những bất bình trong hàng ngũ những hoàng tử đỏ khác ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông.

*****

RFI : Thưa giáo sư, có nhiều ý kiến cho rằng uy quyền của ông Tập Cận Bình, người có quyền lực cao nhất từ thời Mao Trạch Đông, đã bị xói mòn từ một năm nay. Nếu đúng như vậy thì đâu là lý do ?

G.S. Jean-Pierre Cabestan : Tôi không chắc là quyền lực của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị suy yếu. Điều mà chúng ta có thể nói là từ mùa hè 2018, quyền lực của ông bị phản đối.

Cách điều hành chính phủ của ông bị đưa ra tranh luận vì nhiều lý do. Đầu tiên là vì ông đã quyết định sửa đổi Hiến Pháp. Đây là vấn đề có từ lần họp Quốc Hội năm 2018. Tiếp theo là cách tiến hành cứng nhắc, thiếu cởi mở và linh hoạt trong quá trình đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Lý do cuối cùng là cách ông Tập tiến hành cải cách, cũng như sự ủng hộ vô điều kiện của ông đối với các doanh nghiệp Nhà Nước, trong khi lại không ủng hộ đủ lĩnh vực tư nhân trong khi lĩnh vực này được cho là giúp đẩy mạnh tăng trưởng của Trung Quốc.

Ngoài ra, có thể còn thêm một lý do khác là từ 7 năm nay, ông Tập đã áp đặt tại Trung Quốc một kiểu chế độ chuyên quyền mới, cứng nhắc, khắc nghiệt so với giai đoạn trước đó. Theo tôi, những lý do trên giải thích cho việc quyền lực của ông Tập ít nhiều bị phản đối rõ ràng hơn là so với một năm trước đây.

RFI : Liệu có phải vì sự kiện này mà ông Tập Cận Bình phải nhân nhượng khi bổ nhiệm ông Hồ Hải Phong, con trai duy nhất của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người được cho là đối thủ của ông Tập, vào chức vụ khá quan trọng là bí thư Tây An, cố đô của Trung Quốc ?

G.S. Cabestan : Đúng là sự bổ nhiệm con trai ông Hồ Cẩm Đào được bình luận rất nhiều. Tôi không nói nhiều về ý nghĩa của sự kiện này. Ông Hồ Hải Phong được bổ nhiệm vào một vị trí tương đối quan trọng, cấp tỉnh. Ở Trung Quốc, đúng là các quyết định bổ nhiệm, mang tính chất rất chính trị, theo kiểu đó đều được bình luận quá mức.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng ông Tập đã có rất nhiều nhân nhượng khác, có thể quan trọng hơn, như gần đây, ông ủng hộ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư nhân và đưa ra một số cải cách. Đặc biệt hơn nữa là ông đã có thái độ rõ ràng linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ bằng cách cử ông Lưu Hạc (Liu He), vị cố vấn thân cận, lên tuyến đầu, trong khi ban đầu, nhân vật này không nằm trong phái đoàn đàm phán với Mỹ. Đây là một yếu tố quan trọng mà theo ý kiến của tôi, còn quan trọng hơn cả việc bổ nhiệm con trai của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

RFI : Ông Tập Cận Bình còn nổi tiếng với các chính sách trấn áp tôn giáo và ngôn ngữ ở Tây Tạng và Tân Cương. Liệu những chính sách đàn áp mạnh tay này có phản tác dụng không ?

G.S. Cabestan : Tôi nghĩ rằng đây là chính sách không khác gì nhiều so với những người tiền nhiệm của chủ tịch Trung Quốc hiện nay. Ông Tập Cận Bình có thể áp dụng chính sách hung hăng hơn, trấn áp hơn nhắm vào người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Như chúng ta thấy ở kỳ họp năm 2019, đại biểu Quốc Hội, thậm chí là đại biểu người Duy Ngô Nhĩ được chế độ Cộng Sản đề bạt, đều ủng hộ chính sách trấn áp của ông Tập Cận Bình. Họ coi những trại tập trung, nơi giam giữ khoảng 10% người dân Duy Ngô Nhĩ (tương đương khoảng 1,5 triệu người), là những ký túc xá, trong khi trên thực tế, đây là những vụ bắt bớ, giam giữ người ngoài vòng pháp luật. Đó là những trung tâm nơi người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giam mà không có bất kỳ thẩm phán nào đến xác nhận hoặc hợp thức hóa kế hoạch tư pháp liên quan đến những « ngôi trường » giam giữ với những lý do rất khác nhau.

Dĩ nhiên sự kiện này đặt ra rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ với nước ngoài nhưng có vẻ như chế độ hiện nay, thậm chí tôi dám nói là một bộ phận dân chúng Trung Quốc, tiếp tục ủng hộ chính sách trấn áp nhắm vào Tân Cương.

RFI : Ngày 12/03/2019, một quan chức cao cấp của vùng Tân Cương cho biết là các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ, một ngày nào đó, « sẽ biến mất » khi không còn cần thiết nữa. Theo giáo sư, phải giải thích phát biểu này như thế nào ?

G.S. Cabestan : Đây là câu hỏi hay vì trong số những lý do đã được đề cập và nêu lên, tôi nghĩ rằng sức ép của quốc tế đóng một vai trò nhất định mà chính quyền Trung Quốc không thừa nhận. Theo tôi, cộng đồng quốc tế đã gây sức ép, có thể là để chính quyền Bắc Kinh tìm ra các giải pháp bớt mạnh mẽ hơn về mặt pháp lý và đạo đức.

Đây là những dự án trong tương lai vì trước hết chính quyền Trung Quốc và các đại biểu Tân Cương tại kỳ họp Quốc Hội ở Bắc Kinh không hề đưa ra bất kỳ thông tin nào về số người bị giam giữ, thời gian họ bị giam trong các trại tập trung, lịch trình đóng cửa các trại đó và liệu họ có đóng cửa những trại tập trung đó hay không.

RFI : Mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc được thủ tướng Lý Khắc Cường nêu ngay trong phiên khai mạc họp Quốc Hội, từ 6,4% đến 6,5%. Đây là chỉ tiêu thấp nhất kể từ 30 năm qua. Vậy phải chăng những khó khăn về kinh tế, khó khăn trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, cũng như khối nợ của các địa phương, cũng đe dọa đến uy tín của ông Tập ?

G.S. Cabestan : Không, tôi không nghĩ là điều đó đe dọa đến quyền lực của ông Tập Cận Bình. Việc này buộc chính phủ Trung Quốc phải tỏ ra cởi mở hơn, linh hoạt hơn đối với khối tư nhân. Đây là lĩnh vực duy nhất tạo việc làm và thật sự sinh lợi ở Trung Quốc. Có lẽ chính phủ sẽ phải đưa ra nhiều biện pháp cải cách hơn. Nhưng tôi không nghĩ là tất cả những điều đó đe dọa đến quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Thêm một điều tôi muốn nói về người đứng đầu Trung Quốc hiện nay. Ông Tập Cận Bình bị phản đối, nhưng ông vẫn có phương tiện để kiểm soát quyền lực trong thời gian khá dài. Ông Tập đã đưa được những người thân cận của mình vào bộ máy lãnh đạo, trong đó có bộ Chính Trị. Vì thế, chủ tịch Trung Quốc vẫn khá tự tin trong việc có thể bảo đảm khả năng kiểm soát của ông đối với bộ máy quyền lực.

Chính ở cấp Ban Chấp hành Trưng ương đảng Cộng Sản Trung Quốc mà ông Tập bị chỉ trích nhiều hơn. Và chính vì lý do này mà Ban Chấp hành Trưng ương không họp từ tháng 02/2018. Trái lại với những gì đã có thể dự đoán vào mùa thu năm 2018, thậm chí là vào đầu năm 2019, Ban chấp hành Trưng ương đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn chưa họp một cách chính thức từ hơn một năm nay.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông.

Bài Khác