Sự thật về vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Cộng ‘đâm chìm’ và ‘cứu vớt’

Sự thật về vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Cộng ‘đâm chìm’ và ‘cứu vớt’

.

5 ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công được đưa về bờ an toàn. (Hình: Tuổi Trẻ)

QUẢNG NGÃI, Việt Nam – Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng, ép va vào đá ngầm làm tàu chìm, các ngư dân may mắn thoát chết.

Đây là những chi tiết mới được ông Nguyễn Minh Hùng, thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá QNg 90819 thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, kể lại vụ việc chiếc tàu của ông gặp nạn thế nào, khác với những tin tức ban đầu cách đây gần hai tuần lễ nói tàu của ông bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa.

Theo lời kể của ông Hùng, khi chiếc tàu của ông với năm ngư dân đang neo cách đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền khoảng 5 hải lý về hướng Tây Bắc, tàu của ông bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44101 truy đuổi, phun vòi rồng buổi sáng ngày 6 Tháng Ba, 2019.

Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 2/6/2014. (Hình: AFP)

“Tàu Trung Quốc đuổi, ép, xịt vòi rồng rồi ép tàu tôi vô trong đá ngầm. Tôi dùng bộ đàm gọi, anh Lựu (ngư dân đánh bắt gần đó) bắt được tín hiệu rồi điện về trung tâm cứu nạn. Sau đó tàu QNg 90620 bắt được tín hiệu di chuyển đến tiếp cứu”. Lời ông Hùng được dẫn lại trên tờ Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật 17 Tháng Ba, 2019.

Ông cho biết, sau 4 giờ đồng hồ đu bám trên mũi tàu, đến hơn 13 giờ ngày 6 Tháng Ba, tất cả 5 ngư dân bị nạn đã được tàu cá QNg 90620 đến cứu. Vụ việc chìm tàu cá khiến ông Hùng bị thiệt hại hơn 3 tỉ đồng, tổn hại sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng.

Khi báo chí quốc tế đưa tin vụ đâm tàu cá của Việt Nam, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc phủ nhận hải cảnh Trung Quốc đâm chìm mà chỉ nói họ đã cứu ngư dân Việt. Điều này khác với lời tường thuật của các nạn nhân.

Khoảng 1 giờ sáng 17 Tháng Ba, 2019 các ngư dân trên tàu cá bị nạn của ông Hùng đã được tàu cá QNg 90620 do ông Trịnh Văn Hiền (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ đưa về đến cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Tuổi Trẻ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất trong các xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã có trên 400 tàu cá, với khoảng 1,700 lao động trực tiếp bám biển. Số tàu cá và ngư dân khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa chiếm 80% trên tổng số phương tiện và lao động của địa phương. Đặc biệt tại thôn Châu Thuận Biển là nơi tập trung hàng trăm tàu chuyên nghề lặn trên vùng biển Hoàng Sa.

Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu tuần Trung Quốc cướp phá, đâm chìm rất nhiều trong những năm qua tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền chứ không riêng gì đầu năm nay.

Hồi Tháng Năm 2018, tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN cho hay trong một cuộc họp ở Quốc hội rằng, “dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách, ngư dân Trung Quốc đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý. Ngang ngược hơn, có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc, xua đuổi ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong tháng 4 có 3 vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu.Nhiều lúc lúc tàu ngư dân Trung Quốc vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt hải sản.

“Đây là thủ đoạn tuyên truyền, đồng thời xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, tuyên bố thực thi đường lưỡi bò. Bộ Quốc phòng đã tổ chức kiên quyết xua đuổi các tàu, thuyền này ra khỏi khu vực”, Lời ông Chiêm được dẫn lại trên báo mạng Zing ngày 22 Tháng Năm, 2018.

Không hề thấy có báo cáo nào nói các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc bị các “cơ quan chức năng” của Việt Nam bắt giữ hay phạt cái gì, hoàn toàn khác với cách đối xử tàn độc của Hải cảnh Trung Quốc.

Nguồn: Người Việt

Bài Khác