‘Sâu chúa’ trong Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam là ai?

‘Sâu chúa’ trong Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam là ai?

.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám Đốc PVN. (Hình: Tuổi Trẻ)

HÀ NỘI, Việt Nam – Hôm 27 Tháng Ba, tin cho hay đơn xin từ chức của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), vẫn “chưa được xem xét” dù ông này đã gửi đơn từ nửa tháng trước.

Theo báo Tuổi Trẻ, do Ban Cán Sự Đảng của Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước vẫn chưa họp để quyết định liệu có miễn nhiệm chức vụ của ông Sơn hay không nên ông này “vẫn đang làm việc bình thường”.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, do PVN nay trực thuộc Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước nên việc có cho ông Sơn nghỉ hay không là do Ủy Ban và Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc xem xét, quyết định.

Ông Sơn đảm nhiệm chức tổng giám đốc PVN từ năm 2016, trước đó là tổng giám đốc Tổng Công Ty Thăm Dò Khai Thác Đầu Khí (PVEP) vào năm 2009.

Thời điểm ông Sơn nộp đơn xin nghỉ, các báo nhà nước Việt Nam đang đồng loạt phanh phui vụ PVEP đầu tư dự án khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela “gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la”.

Hiện chưa rõ trách nhiệm trong vụ này được quy cho quan chức nào, trong lúc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam liên tục đăng nhiều bài về một giới chức lãnh đạo cấp cao được tờ này viết ám chỉ là “sâu chúa” và “dám vượt mặt Quốc Hội [CSVN], ném hàng chục ngàn tỉ đồng ra nước ngoài”.

Ở chiều ngược lại, trang web của PVN đăng một bài viết ghi: “Thị trường dầu mỏ rất khốc liệt. Rủi ro trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí thường rất lớn, trong đó kể cả rủi ro về địa chính trị. Không ai có thể dự đoán trước 10 năm những biến động của ngành công nghiệp dầu khí thế giới. Cũng không ai tính được giá dầu chỉ sau ba, bốn năm lại từ $140/thùng rớt xuống dưới $30/thùng. Hành động dừng dự án của PVN có thể nói là kịp thời và chính xác, giúp cho ngân sách nhà nước giảm thiệt hại $142 triệu. Dự án phải dừng vì lý do bất khả kháng (force majeure), một điều khoản trong bất kỳ một hợp đồng kinh tế nào để giải phóng các bên khỏi tình trạng pháp lý liên quan.”

Trường hợp ông Sơn muốn từ chức mà nửa tháng vẫn chưa xong khá tương đồng với vụ của ông Hoàng Như Cương, phó ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị ở Sài Gòn, người cũng xin nghỉ trong lúc cơ quan đang xảy ra bê bối.

Ông Cương bị các báo ghi nhận “đi Mỹ ba tháng không phép” dù trước khi đi đã gửi đơn xin nghỉ việc nhưng tới nay thì ông mới chỉ “bị cảnh cáo về mặt đảng”.

Báo Dân Trí hôm 26 Tháng Ba cho hay: “Trước khi gửi đơn xin nghỉ việc đột xuất, ông Cương đã nhiều lần làm đơn xin nghỉ việc, trong đó lần cuối là ngày 16 Tháng Mười Một, 2018. Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị cũng đã có văn bản báo cáo Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn về việc ông này đơn phương xin nghỉ việc. Ông Cương làm đơn xin nghỉ với lý do các con ông đang học tập và sinh sống ở Mỹ gặp nhiều vấn đề khó khăn và không tự giải quyết được.”

Trước thời điểm ông Cương về nước, báo Tiền Phong hôm 13 Tháng Ba cho biết Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị “sắp bổ nhiệm phó ban [thay cho ông Cương]” nhưng đến nay danh tính của nhân vật này vẫn chưa được công bố. 

Nguồn: Người Việt

Bài Khác