Quan hệ Đức – Hoa Kỳ lạnh nhạt chưa từng thấy: Vì sao nên nỗi?

Quan hệ Đức – Hoa Kỳ lạnh nhạt chưa từng thấy: Vì sao nên nỗi?

Huyền Chi

Thứ Hai, ngày 19/8/2019

  VietTimes — Mối quan hệ Đức – Hoa Kỳ đang trở nên lạnh nhạt hơn bao giờ hết.

Một bản thăm dò được thực hiện bởi công ty Civey công bố mới đây cho thấy 85% những người tham gia đánh giá rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đang ở mức “lạnh nhạt” hoặc “rất lạnh nhạt”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp (Ảnh: AP)

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp (Ảnh: AP)

Quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ đã tụt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, do các bất đồng về vấn đề kinh tế, chính trị, những tranh chấp kéo dài và những lời đe dọa đến từ Washington – một bài xã luận đăng tải trên tờ Der Spiegel nhận định.

Kể từ khi ông Richard Grenell đảm nhận vai trò Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức, cả hai nước đã lao vào một “trò chơi câm lặng” trong ngoại giao – tác giả bài xã luận nhận định. Cùng lúc, bài viết này còn dẫn lời ông Martin Schultz – cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu – đánh giá về Đại sứ Mỹ: “Ông Grenell đang hành động không giống một nhà ngoại giao, mà giống một quan chức thực dân cực đoan cánh hữu hơn”.

Những hành động như trên của vị Đại sứ Mỹ – người có quan điểm cực kỳ bảo thủ – đã khiến giới chức Đức gần như tẩy chay ông: Thủ tướng Đức Angela Merkel chưa từng nói chuyện với ông Grenell, Ngoại trưởng Heiko Maas chỉ tổ chức các cuộc gặp ngắn ngủi với ông.

Bài xã luận cũng nhắc lại nhiều bất đồng giữa Berlin và Washington về vấn đề Iran. Gần đây nhất, Washington cố gắng lôi kéo các nước tham gia một liên minh hàng hải để tuần tra vùng biển thuộc Bịnh Ba Tư, đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực. Mỹ được cho là đã đề nghị Đức giúp đỡ đảm bảo an ninh eo biển và bao vây Iran, nhưng Berlin đã nhấn mạnh rằng họ không muốn trở thành một phần trong chiến dịch “sức ép cực đại” của Washington nhằm vào Iran.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng không có giải pháp quân sự cho bất đồng giữa Mỹ và Iran, trong khi giới lập pháp ở cả đảng SPD và đảng CDU của bà Angela Merkel đều bác bỏ đề nghị của Mỹ.

Thêm vào đó, các tranh chấp thương mại chưa được giải quyết giữa hai nước có thể dẫn tới nhiều hậu quả không mong muốn, trong khi vấn đề chi tiêu quốc phòng cũng là nguồn cơn gây bất đồng. Hiện Đức đã tuyên bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 1,35% trong năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn mức 2% mà NATO đặt ra cho các nước thành viên từ năm 2014.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích Đức vì không chịu chi thêm ngân sách cho quốc phòng và không tuân thủ đúng cam kết đóng góp 2% GDP cho quốc phòng như NATO quy định.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell từng chỉ trích kịch liệt khoản ngân sách mà Đức dành cho quốc phòng trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin DPA của Đức, cho rằng Berlin đã lợi dụng tình bạn của họ với Washington.

“Sẽ là một sự sỉ nhục khi mong rằng người nộp thuế ở Mỹ phải chi tiền cho hơn 50.000 binh sỹ Mỹ đồn trú ở Đức, trong khi Đức sử dụng khoản thặng dư thương mại vì các mục đích trong nước” – ông Grenell nói.

Vị Đại sứ còn nhắc lại ý tưởng mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, trong đó điều chuyển binh sỹ Mỹ từ Đức tới Ba Lan, cho rằng đã đến lúc Berlin “phải tự chi tiền cho quốc phòng của họ”.

Để chứng minh mối quan hệ giữa Đức và Mỹ đã xuống thấp đến mức nào, tác giả của bài xã luận nhấn mạnh rằng, cuộc thăm dò vừa qua cho thấy 85% người Đức thể hiện thái độ tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, Berlin vẫn hy vọng rằng “những ngày xưa tốt đẹp trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” sẽ trở lại một khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc – theo tờ Der Spiegel.

Theo tác giả của bài xã luận, dù sao thì đó cũng chỉ là một ảo ảnh, bởi mối quan hệ hai nước sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Hiện nay, ngay cả một số nhân vật chủ chốt trong đảng Dân chủ cũng đồng nhất quan điểm của ông Trump khi chỉ trích châu Âu về một số vấn đề, và điều này khó thay đổi ngay cả khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc. Mỹ sẽ vẫn là một đối tác khó chịu đối với Đức – bài xã luận khép lại.

Bài Khác