Quan điểm và thực trang hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông thời gian gần đây

Quan điểm và thực trang hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông thời gian gần đây

Ngày đăng 29-05-2019

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc; đồng thời cam kết tăng cường các hoạt động quân sự nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do qua lại trong khu vực.

Biển Đông có vị trí địa chiến lược quan trọng

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, từ vĩ độ 3° đến 26° Bắc và từ kinh độ 100° đến 121° Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Camphuchia. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực, nó còn có ảnh hưởng lớn đối với châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ.

Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, phục vụ cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, băng cháy…). Biển Đông còn nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Có 5 tuyến đường biển lớn nhất thế giới đi xuyên qua khu vực Biển Đông (tuyến từ Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, Newzealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và Newzealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á). Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới (mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại đi qua đây, 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên) 45% lượng vận tải thương mại của thế giới đi qua vùng Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới (cảng Singapore và Hồng Công) và có 4 eo biển quan trọng đối với nhiều nước (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar).

Nằm ở trung tâm Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới, đáng chú ý: (1) Eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia và Malaysia), hàng hóa của các nước Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua đây. (2) Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược, có thể dùng để kiêm soát các tuyến hàng hải và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè…

Tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông ảnh hưởng đối với Mỹ

Về kinh tế: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực đang phát triển, có thị trường lớn; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ… qua các nước châu Âu, châu Mỹ; nhập khẩu thiết bị kỹ thuật công nghệ cao từ các nước phát triển. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, các nước thường sử dụng đường biển vì nó có ưu điểm về kinh tế so với các loại hình vận chuyển khác. Đối với Mỹ, thị trường xuất nhập khẩu của những nước này chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; hàng hóa vận chuyển từ khu vực Trung Đông, Ấn Độ Dương đều phải qua khu vực Biển Đông. Vì vậy, nếu xảy ra xung đột ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy dọc theo đường mới hoặc vòng qua phía Nam Australia, khi đó cước phí vận tải tăng mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Mỹ.

Về quân sự: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông vẫn chưa được giải quyết; nạn cướp biển và khủng bố trong khu vực Biển Đông ở mức cao. Vì vậy, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa hình, chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế. Ngoài ra, tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông còn có ý nghĩa lớn về mặt quân sự đối với Mỹ và các nước đồng minh, vì: (1) Đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines, Singapore) đều có mối liên hệ mật thiết với Biển Đông; (2) Tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc; (3) Có tuyến đường ngắn nhất để Mỹ chuyển quân từ Hạm động Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông, Tây Á (từ Biển Đông chạy qua eo Malacca);(4) Đảm bảo an ninh hàng hải cho các tàu thương mại của Mỹ và các nước đồng minh.

Về chính trị: Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của Mỹ và các nước đồng minh.

Quan điểm của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những thái độ tự do lưu thông hàng hải của các nước trên thế giới. Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc (tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực…). Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thực trạng hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông thời gian gần đây

Mỹ liên tục cử tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông:

Tháng 12/2017, Mỹ đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”.

Ngày 24/3/2018, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines.

Ngày 30/9/2018, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định.

Ngày 29/11/2018, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Ngày 07/1/2019, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc.

Ngày 11/2/2019, Mỹ đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Theo Trung tá Clay Doss, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”.

Ngày 06/5/2019, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 19/5/2019, Mỹ đã điều tàu chiến đi qua trong khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborought/Hoàng Nham nhằm thách thức yêu sách “chủ quyền” trái phép của Trung Quốc đối với vùng biển này.

Mỹ cũng liên tục cử máy báy ném bom chiến lược tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông:

Ngày 27/4/2018, Không quân Mỹ điều máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, sau đó bay tới gần Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đào tạo và tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông.

Ngày 19/5/2018, Mỹ cử máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì bị Trung Quốc cử máy báy chiến đấu áp sát, gây nguy hiểm cho máy báy và phi công của Mỹ.

Tháng 6/2018, Mỹ tiếp tục điều 02 máy bay ném bom B-52 bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những máy bay đồn trú ở Guam và tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương. Chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”.

Ngày 01/8/2018, Mỹ điều 02 chiếc B-52H thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 96 tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngày 03/8/2018, Mỹ triển khai các máy bay B-52H thực hiện những chuyến bay diễn tập và huấn luyện ở Biển Đông trong không phận hợp pháp theo các quy định quốc tế.

Ngày 27/8/2018, Mỹ điều hai máy bay B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Ngày 30/8, Mỹ tiếp tục điều hai máy bay B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông.

Ngày 23/9/2018 và 27/9/2018, Mỹ liên tiếp điều 04 máy bay B-52H qua khu vực Biển Đông. Trung tá Dave Eastburn (26/9) cho biết, các máy bay ném bom của Mỹ đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn.

Ngày 16/10/2018, Không quân Mỹ điều hai chiếc B-52 bay từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.

Ngày 19/11/2018, không quân Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52H tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên gần Biển Đông.

Ngày 3/3/2019, Mỹ điều hai chiếc B-52H xuất phát từ Guam và thực hiện hoạt động huấn luyện tại khu vực. Một chiếc di chuyển đến biển Hoa Đông, chiếc còn lại xuất hiện ở Biển Đông.

Ngày 13/3/2019, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến thuật B-52H Stratofortress của Mỹ vừa bay ngang Biển Đông; khẳng định máy bay quân sự chỉ tiến hành hoạt động huấn luyện thường kỳ nhằm hỗ trợ các đồng minh, duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Theo đó, hai máy bay B-52H đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, tiến hành hoạt động huấn luyện thường kỳ tại khu vực Biển Đông trước khi quay về căn cứ. Các máy bay ném bom thuộc Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương trong hơn một thập niên qua thường xuyên cất cánh từ Guam thực hiện các sứ mệnh duy trì hiện diện theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Phản ứng ngang ngược của Bắc Kinh

Trước các động thái trên của Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “không một tàu hay máy bay quân sự nào có thể khiến Trung Quốc lung lạc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thường ra thông cáo ngắn, ngang nhiên cho rằng việc Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là hành động “khiêu khích”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố “phản đối quyết liệt” việc Mỹ điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng lớn tiếng yêu cầu Mỹ “dừng ngay những hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh Trung Quốc”.

Trong khi báo chí, truyền thông Trung Quốc ra sức chỉ trích việc Mỹ và đồng minh điều máy bay đến Biển Đông và biển Hoa Đông; cho rằng “Mỹ đang nỗ lực gia tăng sức ép trong vấn đề thương mại với Trung Quốc bằng việc triển khai các máy báy ném bom B-52 tới Biển Đông”. Tuy nhiên, điều đó không thể làm thay đổi thực tế rằng tàu chiến và máy bay của Mỹ vẫn đang hoạt động bình thường ở Biển Đông.

Bài Khác