Những tiết lộ về thái độ của cựu Tổng thống Obama đối với TQ

Những tiết lộ về thái độ của cựu Tổng thống Obama đối với Trung Quốc

Tác giả: Ash Carter  – Biên dịch: Đặng Sơn Duân

SD visits the Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (bên phải) bắt tay nhau trên chiếc V-22 Osprey của Thuỷ quân lục chiến ngày 15 tháng Tư, Năm 2016. Nguồn: SMSgt Adrian Cadiz / DoD.

Lời giới thiệu của trang Đại Sự Ký Biển Đông: Là một quan chức quan trọng trong nội các Tổng thống Barack Obama ở nhiệm kỳ thứ nhì, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter là một trong những tiếng nói cứng rắn hiếm hoi với Trung Quốc. Ông cũng là Bộ trưởng quốc phòng duy nhất dưới thời Obama không đến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường đáp trả Trung Quốc cứng rắn của ông không nhận được nhiều ủng hộ tại Nhà Trắng, và đặc biệt là Tổng thống Obama lúc bấy giờ. Trong báo cáo vừa được công bố với tựa đề “Reflections on American Grand Strategy in Asia”, Carter cung cấp thêm một sự chứng nhận nữa về thái độ mềm mỏng quá mức của Obama trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Dưới đây là bản trích dịch một đoạn hồi ức đáng chú ý này.

———-

“Phục vụ dưới thời (Bộ trưởng Quốc phòng) Bill Perry vào năm 1996, tôi đã chứng kiến một màn phô diễn sinh động nhu cầu phản công mạnh mẽ chống lại khuynh hướng thiếu xây dựng của Trung Quốc. Trong tháng 3 năm đó, khi Đài Loan chuẩn bị tổ chức bầu cử lãnh đạo dân chủ đầu tiên của mình, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các vụ phóng tên lửa khiêu khích trong khu vực 20 dặm tính từ bờ biển Đài Loan, và chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn dọc eo biển Đài Loan. Có một nỗi lo sợ thực sự về cuộc đối đầu quân sự giữa đại lục và Đài Loan. Nhưng sau đó, Bill Clinton đã nắm thóp Trung Quốc. Trong động thái được Trung Quốc mô tả là màn phô trương “táo tợn” của quân đội Mỹ, Washington đã gửi hai nhóm tàu sân bay đến khu vực này. Trung Quốc lùi bước, cuộc bầu cử của Đài Loan tiếp diễn, và quan hệ Mỹ-Đài Loan ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đến Lầu Năm Góc và tuyên bố một cách thảm não rằng ông đã “mất thể diện” trong vụ đối đầu này. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Perry đã trả lời một cách đơn giản, “Đáng đời anh”. Giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã thấm thía học bài này: các khoản đầu tư quân sự của họ từ đó dường như được thiết kế một phần để ngăn chặn chúng ta cung cấp kiểu bảo vệ đó cho bạn bè của chúng ta khi cần.

Tôi rất ngưỡng mộ tính cách lạnh lùng, tư duy thấu đáo của Tổng thống (Barack) Obama. Nó thường phục vụ ông ấy rất tốt. Nhưng tôi sợ rằng Trung Quốc và Biển Đông nói riêng có thể là một lĩnh vực mà phân tích của tổng thống đã đánh lừa ông ấy. Ông tin rằng các nhà tư tưởng chính sách đối ngoại truyền thống của Washington có khuynh hướng tìm đến những chiến lược đối đầu và ngăn chặn mỗi khi cần có cách tiếp cận ít mạnh mẽ hơn. Vì vậy, ông e dè với các khuyến nghị từ tôi và những người khác về việc thách thức mạnh mẽ hơn nữa những yêu sách biển quá mức và các hành vi phản tác dụng khác của Trung Quốc. Khi tôi sắp đến châu Á, chỉ thị của ông ấy dành cho tôi luôn ngắn gọn: “Đừng có quậy ầm ĩ lên.” Tôi không được gây rắc rối.

Có rất ít tiếng nói khác trong chính quyền ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn. Hillary Clinton đã rời chức (ngoại trưởng) khi tôi làm bộ trưởng (quốc phòng), được thay thế bằng John Kerry, người thông thạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng những nỗ lực của ông tập trung vào Trung Đông, đặc biệt là về thỏa thuận hạt nhân với Iran và về Syria. Những ưu tiên của ông ấy đối với châu Á là TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và thỏa thuận về biến đổi khí hậu, một thành công lớn. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế như Jack Lew tại Bộ Tài chính, giống như những người tiền nhiệm của ông thời chính quyền (George W.) Bush, chủ yếu muốn tránh sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Phó tổng thống (Joe) Biden gần gũi nhất với cách suy nghĩ của tôi – đặc biệt là về các khía cạnh kinh tế trong mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc.

Tôi đặc biệt quan tâm đến những hệ lụy từ những nỗ lực thành công của Trung Quốc trong việc thuyết phục tổng thống tán thành cái gọi là “mô hình mới về quan hệ siêu cường” ở Thái Bình Dương. Theo quan điểm của Trung Quốc, châu Á trong 70 năm qua bị chi phối bởi một siêu cường – Hoa Kỳ – và bây giờ đã đến lúc Hoa Kỳ thoái lui và để Trung Quốc chiếm ưu thế. Ý tưởng này mâu thuẫn trực tiếp với mục tiêu tăng cường mạng lưới bao hàm, theo nguyên tắc, được xây dựng dựa trên khái niệm rằng mọi quốc gia, không chỉ Trung Quốc, nên có vai trò trong việc xác định con đường của khu vực. Có lúc, cả Nhà Trắng cũng đã thông qua cụm từ này, sau khi tổng thống gặp gỡ (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình vào năm 2013. May thay chúng tôi đã từ bỏ cụm từ này trong thời gian tôi giữ chức bộ trưởng, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục nói về cụm từ đó, và vẫn cố gắng thuyết phục tôi trong cuộc gặp đầu tiên của tôi với một quan chức cấp cao của Trung Quốc trên tư cách bộ trưởng.

Chỉ bốn tháng sau khi tôi tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng, tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương của Trung Quốc, bước vào Lầu Năm Góc với lễ nghi long trọng thường thấy, được một đội tiêu binh và một ban quân nhạc chào đón tại Cổng River, nơi tôi đứng chờ ông ấy.

Tôi đã biết Phạm được vài năm. Phạm hẳn mong đợi một cuộc trò chuyện giữa những người bạn cũ. Thay vào đó, tôi hạch hỏi ông ấy một cách kín đáo nhưng rành rọt về một số vấn đề, và không chỉ là những hành động đơn phương của Trung Quốc trong các chuỗi đảo tranh chấp trên Biển Đông. Chỉ vài ngày trước, vụ tấn công mạng OPM (Văn phòng Quản lý nhân sự của Nhà Trắng) để đánh cắp dữ liệu, mà Trung Quốc gần như chắc chắn là thủ phạm, được công khai. Tôi đã nổi giận. Tôi cũng nói huỵch toẹt về sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho chế độ ngày càng khiêu khích ở Bắc Triều Tiên.

Phạm sửng sốt. Dường như chỉ thị mà ông ta nhận từ các nhà lãnh đạo chính trị của ông ta là phải tránh xung đột có thể làm gián đoạn quan hệ Mỹ-Trung, đây được coi là ưu tiên quan trọng nhất. Nhân viên của tôi cũng đã nhận được hướng dẫn tương tự từ Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng, nhưng tôi không chuẩn bị tuân theo nó. Khi cuộc nói chuyện của chúng tôi tiếp tục, ngày càng rõ ràng rằng Phạm sẽ không thể báo cáo rằng “cuộc họp thành công” – mà đối với người Trung Quốc có nghĩa là một cuộc họp không có căng thẳng hoặc tranh cãi. Trong cuộc đối thoại của chúng tôi, Phạm đã tìm kiếm sự đồng thuận của tôi với “mô hình mới về quan hệ quân sự song phương” của Trung Quốc.

Nhưng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải thể hiện rằng cuộc thảo luận không thể diễn ra bình thường như thường lệ. Tôi đã nói với Phạm rằng tôi sẽ không đồng ý với mô hình mới về quan hệ quân sự song phương. Tôi nói với ông ấy mô hình của chúng tôi thích hợp với Hoa Kỳ và bạn bè của chúng tôi, những nước khác thấy ổn và đã được áp dụng trên toàn thế giới trong nhiều thập niên. Tôi cần Phạm và các đồng sự trong quân đội của ông ấy hiểu rằng hành động của Trung Quốc đã phá hoại những gì có thể và phải là mối quan hệ hữu hiệu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc không nên kích động Đài Loan vào năm 1996, và không nên nạo vét gây rối ở Biển Đông 20 năm sau đó. Phải, tôi có mối quan hệ lâu dài và nồng ấm với các quan chức Trung Quốc. Nhưng điều đó không thể, và đã không tác động đến trách nhiệm của tôi trong việc thách thức hành vi ngoan cố của Trung Quốc. Phạm về nước, ắt hẳn là thất vọng, nhưng không còn mơ hồ về các chuẩn mực mà chúng tôi mong đợi người Trung Quốc sẽ duy trì.

Và đó rốt cuộc là lý do tại sao tôi là bộ trưởng quốc phòng duy nhất trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama không đến thăm Trung Quốc.

Về mặt cá nhân, điều này thật đáng thất vọng. Chủ tịch Tập thậm chí đích thân đưa ra lời mời: Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tập vào tháng 9 năm 2015, tôi là một trong số các quan chức đã gặp ông tại Nhà Trắng trước bữa quốc yến tối hôm đó. Tập đã tìm đến tôi, dẫn theo Tổng thống Obama, và nói rằng ông ấy mong muốn tôi đến thăm Trung Quốc. Thượng cấp của tôi háo hức đồng ý, nói rằng, “Ash, anh nên làm thế”.

Nhưng về mặt chuyên môn mà nói, với hành vi của Trung Quốc trên một số mặt trận, tôi lo sợ việc tưởng thưởng Trung Quốc bằng một chuyến viếng thăm – đó là cách người Trung Quốc nhìn nhận việc này – sẽ chỉ mời gọi những hành động tồi tệ hơn. Hơn nữa, người Trung Quốc từng tổ chức những vụ khiêu khích trong các chuyến thăm của những người tiền nhiệm của tôi: Trong năm 2011, họ đã thử nghiệm một máy bay chiến đấu tàng hình mới khi Bob Gates đang có chuyến thăm, trong một động thái chỉ có thể được xem là diễu võ dương oai và là một nỗ lực nhằm làm mất mặt (mà Bob đã xử lý với thái độ tự tin).

Trong chuyến thăm của Leon Panetta năm 2014, những người biểu tình vây quanh xe của Đại sứ Gary Locke và bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc chỉ trích gay gắt và công khai đồng minh Nhật Bản của chúng ta. Thành thật mà nói, tôi cũng biết những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Obama không ủng hộ quan điểm của tôi đối với Trung Quốc. Vì tất cả những lý do này, chưa bao giờ tôi nghĩ việc đến thăm Trung Quốc sẽ có hiệu quả. Tôi thấy ít có cơ hội đạt được những thành quả tích cực, và có nguy cơ đáng kể là Trung Quốc sẽ có thêm trò chơi trội.

Đọc toàn văn báo cáo của Ash Carter tại Reflections on American Grand Strategy in Asia.

Nhà báo Đặng Sơn Duân là cựu phóng viên mảng quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bản dịch được đăng lần đầu tại trang Điểm nóng toàn cầu.

———-

Nguồn: daisukybiendong.wordpress.com

Bài Khác