Những “điểm nóng” trên bản đồ chính trường thế giới năm 2019

Những “điểm nóng” trên bản đồ chính trường thế giới năm 2019

Với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, sự hiện diện quân sự của Nga tại Đông Âu hay một chính quyền Washington khó đoán dưới thời Tổng thống Donald Trump, 2019 được dự đoán là năm bùng phát nhiều “điểm nóng” trên toàn cầu.

Cuộc gặp giữa 3 “ông lớn”

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc gặp trong năm 2019 sau các cuộc gặp song phương trước đó. (Ảnh: Reuters)

Trong khi mọi sự tập trung tại Mỹ đều đang dồn vào vấn đề đóng cửa chính phủ và những tranh cãi xung quanh ngân sách xây tường biên giới, Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 đã hé lộ một số thông tin trên mạng xã hội Twitter cho thấy sự ủng hộ của ông về cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông chủ Nhà Trắng, cuộc gặp này sẽ mở ra cơ hội để ngăn chặn nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang toàn cầu.

Theo Reuters, điều khiến các đồng minh của Washington cũng như nhiều thành viên trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ lo ngại là cuộc gặp giữa 3 nhà lãnh đạo sẽ dẫn tới một “cuộc mặc cả lớn”, trong đó Tổng thống Trump sẽ nghe theo bản năng “nước Mỹ là trên hết” của mình và nhất trí với sự rút lui của quân đội Mỹ.

Dấu hiệu thực tế đầu tiên cho thấy viễn cảnh cuộc gặp Trump – Putin – Tập có thể diễn ra vào tháng 1 là khi các nhóm đàm phán thương mại Mỹ – Trung đang tiến hành các cuộc gặp để hạ nhiệt căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vấn đề thuế quan.

Khi Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi tháng 12, ông Trump đã đồng ý hoãn kế hoạch tăng thuế với Trung Quốc trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, khoảng thời gian này sắp hết và nếu các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, một cuộc gặp ở cấp cao hơn có thể sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Châu Âu xáo trộn

Những người biểu tình chia làm hai phe ủng hộ và phản đối Brexit xuống đường gây sức ép với chính phủ Anh. (Ảnh: Reuters)

Các nước châu Âu đặc biệt hoang mang sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từ chức hồi tháng trước. Họ cũng lo ngại Tổng thống Trump có thể tiếp tục thúc đẩy lập trường mà ông từng đưa ra trước đây rằng châu Âu đã chi quá ít cho hoạt động phòng vệ của khu vực này. Tuy vậy, điều này được cho là sẽ không ngăn các lực lượng quân sự Mỹ tiếp tục tham gia chặt chẽ vào các cuộc tập trận của NATO, ít nhất cho tới khi ông Trump trực tiếp chỉ đạo họ dừng tham gia vào các hoạt động này.

Trong năm 2019, các cuộc khủng hoảng chính trị sẽ vẫn tiếp tục xoay chuyển châu Âu, theo Reuters. Tiến trình rời khỏi liên minh châu Âu của Anh (Brexit) sẽ diễn ra vào năm nay. Nếu Anh muốn tránh kịch bản Brexit “không thỏa thuận” với EU vào tháng 3, nước này sẽ phải tìm được tiếng nói chung với liên minh trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề nan giải trong năm 2019, trong đó có phong trào biểu tình Áo vàng gây chấn động nước Pháp từ cuối năm 2018. (Ảnh: Reuters, Sky)

Tổng thống Emmanuel Macron đã kiểm soát phần nào các cuộc bạo động của phong trào “Áo vàng” nổ ra trên khắp nước Pháp hồi tháng 12 năm ngoái bằng cách nhượng bộ nhiều yêu sách của người biểu tình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp có thể sẽ vẫn phải đối mặt với làn sóng giận dữ ngày càng mạnh lên từ dư luận trong thời gian tới.

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 được dự đoán sẽ chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các đảng cánh hữu dân túy. Trong khi đó, chính trị Đức có thể sẽ vẫn bất ổn trước khi Thủ tướng Angela Merkel rời đi. Viễn cảnh này cũng sẽ diễn ra tại Italy, quốc gia đang được xem là dễ bị tổn thương nhất trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo nhận định của Reuters, khu vực tiềm ẩn nguy cơ leo thang xung đột nhiều nhất tại châu Âu trong năm 2019 là Ukraine, đặc biệt sau vụ Nga bắt 3 tàu hải quân Ukraine và 24 thủy thủ tại eo biển Kerch hồi tháng 11 năm ngoái với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga.Current Time0:03/Duration1:34Auto

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine tại eo biển Kerch

Nga gần đây đã hoàn tất việc dựng hàng rào ngăn bán đảo Crimea, khu vực được Moscow sáp nhập từ năm 2014, với Ukraine. Kiev cũng “tố” Moscow kiểm soát lối vào biển Azov với cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối đất liền Nga với Crimea được khánh thành hồi năm ngoái. Một số ý kiến nghi ngờ rằng Nga sẽ tiến hành thêm các động thái cứng rắn nữa với Ukraine trong năm 2019, có thể liên quan tới cảng Mariupol ven biển của Ukraine.

Reuters dự đoán dù kịch bản nào xảy ra đi chăng nữa, sự hiện diện tăng cường của các lực lượng Nga và NATO ở khu vực biển Đen là điều không thể tránh khỏi trong năm nay, đặc biệt trước cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine vào ngày 31/3.

Biển Đông và Đài Loan

Những “điểm nóng” trên bản đồ chính trường thế giới năm 2019 - Ảnh 5.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/1 tuyên bố hòn đảo này không chấp nhận mô hình chính trị “một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Trong khi hầu hết sự căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và phương Tây xảy ra xung quanh tranh chấp thương mại và các vấn đề liên quan như vụ Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei khổng lồ của Trung Quốc theo đề nghị của Mỹ, tham vọng của Bắc Kinh có thể thấy rõ nhất qua các động thái của nước này trên Biển Đông. Khu vực này được dự đoán sẽ tiếp tục là “điểm nóng” trong năm 2019.

Bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tiến hành các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Trong khi đó, các tàu chiến của Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, thách thức Trung Quốc. Một trong số khu vực được chú ý trên Biển Đông là bãi cạn Scarborough, nơi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền.

Trong năm 2019, hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự có thể vẫn diễn ra xung quanh eo biển Đài Loan, nơi Mỹ có thể tính tới phương án đưa một hoặc nhiều tàu sân bay tới – động thái mà Washington chưa từng thực hiện kể từ những năm 1990. Các thiết bị ngầm và nổi có thể sẽ tiếp tục mở rộng vai trò trong cuộc đối đầu tại eo biển Đài Loan. Ngày 27/11, Trung Quốc thông báo một tàu lượn không người lái dưới nước của Bắc Kinh đã hoàn tất hành trình kỷ lục kéo dài 141 ngày tại khu vực eo biển Đài Loan.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/1 tuyên bố hòn đảo này không chấp nhận mô hình chính trị “một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Đài Loan “thống nhất” với Trung Quốc đại lục và không loại trừ phương án sử dụng vũ lực cho mục tiêu này.

Yemen và Syria

Cục diện xung đột tại Syria có thể sẽ thay đổi trong năm 2019 sau quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Năm 2019 có thể sẽ là năm then chốt cho các cuộc xung đột tại Yemen và Syria, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi Syria và ngừng hỗ trợ tiếp nhiên liệu cho các máy bay của Ả rập Xê út trong cuộc chiến tại Yemen.

Tại Syria, việc Mỹ rút quân có thể kéo theo sự tăng cường đáng kể các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội chính phủ Syria và tranh chấp đất đai tại khu vực của người Kurd – đồng minh trước đây của Washington. Tại Yemen, Ả rập Xê út sẽ phải đưa ra quyết định về việc liệu có thuận theo tiến trình hòa bình do phương Tây hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc chiến đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo, hay vẫn tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến này và đối mặt với sự lên án ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế.

Kết quả của hai cuộc xung đột tại Syria và Yemen sẽ cho thấy “diện mạo” của khu vực Trung Đông – nơi đang chìm trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa một số quốc gia như Iran, Ả rập Xê út và Thổ Nhĩ Kỳ.

Triều Tiên

Năm 2018 chứng kiến nhiều bước tiến ngoại giao chưa từng có tiền lệ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Sau những đột phá ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong năm 2018, năm 2019 sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn trong việc giải quyết bài toán hạt nhân của Triều Tiên. Hiện vẫn chưa có thời gian cụ thể cho cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như không hài lòng với các yêu cầu do Washington đặt ra trong việc giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu mừng năm mới vào đêm 31/12, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố tiến trình giải trừ hạt nhân sẽ có tiến bộ nhanh hơn nếu Mỹ có hành động tương ứng. Ông Kim cũng cảnh báo rằng Triều Tiên “không có lựa chọn nào khác là phải tìm kiếm một con đường mới để bảo vệ chủ quyền” nếu Mỹ “tính toán sai lầm sự kiên nhẫn của người dân chúng tôi, ép buộc điều gì đó lên chúng tôi và theo đuổi các biện pháp trừng phạt và áp lực mà không giữ lời hứa đã đưa ra với cả thế giới”.

Việc giải quyết vấn đề Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu Washington và Bắc Kinh có thể hạ nhiệt chiến tranh thương mại, sức ép từ Trung Quốc có thể khiến bán đảo Triều Tiên yên bình hơn. Tuy nhiên, nếu căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, Triều Tiên có thể tiến hành trở lại các vụ thử vũ khí, từ đó dẫn đến nguy cơ Mỹ hành động quân sự và gây ra cuộc chiến trên diện rộng trong khu vực.

Bài Khác