Nhớ mãi hát ru

Chuly sưu tầm

Nhớ mãi hát ru 
Written by Trần Kiều Quang

Tiếng ru là tiếng lòng, là chiều sâu trong tâm tưởng, thể hiện tâm tư tình cảm của người hát. Có nhà thơ đã viết:

Dẫu tôi đi trọn cuộc đời
Vẫn chưa đi hết những lời mẹ ru.

Hát ru là một nét đẹp đặc sắc thuộc về văn hóa tinh thần của người Việt Nam xưa. Lời ru mộc mạc, đơn sơ nhưng sâu kín, dạt dào tình cảm, ẩn chứa bao điều hay lẽ phải hấp thụ dần vào người nghe –từ thuở ấu thơ. Hát ru gồm nhiều dạng: mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em… Dù thuộc dạng nào đi nữa hát ru vẫn thể hiện tâm hồn con người là bản sắc văn hóa. Ngày xưa, khi các thiết bị âm thanh chưa ra đời hoặc chưa phổ biến thì lời ru là một động lực, là phương tiện vỗ về những đứa trẻ lúc còn nằm nôi. Có thể nói lời ru đã hình thành nên tính cách cơ bản của trẻ, giúp trẻ cảm nhận được tình mẫu tử bao la vô bờ bến, yêu mến thiên nhiên, cảnh vật… Lời ru làm cho tâm hồn người thêm trong sáng, cao thượng. Lời ru giản dị, gần gũi mang nét dân dã giúp con người thêm yêu ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc, tình yêu thương nhân loại, yêu quê hương xứ sở. Chiếc võng đong đưa, chiếc nôi kẽo kẹt, với bàn tay âu yếm của ông, của bà, của chị… với dòng sữa ngọt ngào tươi mát tràn đầy sức sống của mẹ sẽ thấm dần qua tiềm thức con người ngay thời thơ ấu, cộng thêm lời ru êm ả dẫn dắt người ta vào cõi thần tiên, nơi bình lặng, êm đềm, con người cảm nhận được hình ảnh quen thuộc đó từ thuở mới lọt lòng và cũng giúp con người lớn hơn lên từ đó. Có nhà văn đã nói rằng: thật bất hạnh cho những ai từ lúc sinh ra và lớn lên mà không được nghe tiếng ru ngọt ngào của mẹ, của bà… Tâm hồn của người đó sẽ sớm cằn cỗi và thiếu đi tình cảm thiêng liêng từ buổi đầu.

Lời ru thường không có tựa, không có bài bản cố định, được các bà, các chị… hát bắt quàng, hết câu nọ sang câu kia như.

Ví dầu nhà dột cột xiêu
Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn

Miệng vừa hát, tay đưa nhẹ chiếc võng, cháu oe oe khóc, các bà, các chị lại hát:

Má ơi con vịt chết chìm
Con thò tay xuống vớt con cá lìm kìm nó cắn tay con
Cắn con chảy máu re re
Cây me có trái, chị hai có chồng.

Chiếc võng đưa nhanh hơn, các bà, các chị bắt đầu hơi cao giọng, luồng gió mát từ chiếc võng đong đưa cộng với câu hát êm tai của bà, của chị, đứa trẻ dường như cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của bà, của chị đang cố gắng đưa nó vào giấc ngủ, nên nó bớt khóc, chân mày hơi nhíu lại, các bà, các chị tiếp:

Khoang khoang buông áo em ra
Để em đi bán kẻo hoa em tàn.

Đến đây thì thật sự đứa bé đã lim dim, không còn khóc nữa, nhịp võng vẫn không ngừng, nhưng có lẽ giấc ngủ nó chưa sâu, nên các bà, các chị lại hát, phải ru cho nó ngủ thật sự ngon lành:

Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc, hái rau má nhờ…

Nội dung của câu hát ru thường mang tâm sự của người phụ nữ đối với người thương, đối với cha mẹ, đối với chồng chứ ít khi bày tỏ tình cảm trực tiếp với đứa trẻ đang ôm trong lòng.

Thương con thì nhớ đến chồng hoặc than thân trách phận bởi người chồng phụ bạc, hay giải bày nỗi niềm chua xót bởi tình duyên lận đận, lao đao do lễ giáo phong kiến áp đặt. Đây là lời người phụ nữ với người chồng phụ bạc:

Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng, tay nào xách nước ơ tay nào vo cơm.

Hoặc:

Gà lạc mẹ gà kêu chít, phụng lìa loan phụng chẳng muốn bay
Từ ngày anh xa bạn đến nay, châu cầm lụy hạ biết ngày nào cho dạ anh nguôi.

Lời lẽ hát ru còn để tự sự về lòng chung thủy, về tình nghèo, về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, cách dạy con…
Trong cảnh thanh vắng lúc hoàng hôn, bên nhịp võng đong đưa cô gái mượn câu hát ru con thay lời nhắn gởi về cha mẹ già ở quê xa:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Hay:

Ngó lên nuột lạt trên nhà,
Đếm bao nhiêu nuột thương mẹ già bấy nhiêu.

Cũng có khi câu hát ru nói về tình bạn, tình đời hoặc người hát ru tự nhắc nhở mình:

Cây xanh thì trái cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con…

Phương tiện hỗ trợ cho hát ru là chiếc võng, cái nôi, cánh tay và lồng ngực. Tiếng ru là tín hiệu truyền thông giữa hai đối tượng tiếp xúc với nhau: người hát ru và trẻ đang cần tiếng ru vỗ về để đi vào giấc ngủ vô tư, hồn nhiên, đầy mộng đẹp. Chỉ khi nào đứa trẻ nhõng nhẽo, khóc nhè đòi ngủ và được đặt lên võng đong đưa hoặc bế lên tay thì tự nhiên chùm hát ru được phát lên qua giọng trầm ấm, đều đều của ông, của bà, của mẹ, của chị… như vỗ về, ôm ấp đưa trẻ vào giấc ngủ say.

Nhịp điệu của câu hát đưa em không gãy gọn và khúc chiết như bài lý mà được diễn đạt tự do, thoải mái, trầm bổng, nhặt khoan tùy thuộc vào trạng thái tình cảm giữa người hát và đứa trẻ. Trường hợp người hát ru đã hát hàng chục câu mà đứa trẻ chưa chịu ngủ hoặc đang ngủ mà giật mình khóc thét lên thì người hát ru không thể hát theo nhịp đều đều nữa mà phải chuyển giọng lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn, đồng thời tiết tấu cũng phải thay đổi từ chậm đến nhanh, dồn dập hơn trước.

Hát ru là một trong những yếu tố tạo được mối quan hệ truyền cảm giữa ông bà và cháu, giữa mẹ và con, giữa chị và em. Ngay từ thuở bé, trẻ đã được nghe âm thanh ầu ơ dịu ngọt qua lời ru. Lớn lên, trẻ cảm nhận và hiểu được dần nội dung của từng câu hát ru và không biết tự bao giờ tiếng ru đã trở thành một trong những yếu tố giúp trẻ hình thành nhân cách. Đối với người hát cũng vậy, không phải họ hát chỉ để ru trẻ ngủ mà còn hát cho chính mình và những người xung quanh cùng nghe. Câu hát ru còn đưa họ về với cuộc đời đầy ắp những kỷ niệm vui buồn trong xã hội phong kiến ngày xưa.

Nay, dường như tiếng hát ru trở nên hiếm, còn chăng chỉ một ít vùng, một vài nơi ở nông thôn. Gần như máy hiện đại đã thay thế hát ru, chỉ cần lắp băng, ấn nút, người ta có thể ru em bé bằng mọi giọng hát, mọi thứ nhạc xa lạ kể cả giọng hát của người nước ngoài. Thậm chí có người còn mở nhạc Pop, Rock át đi tiếng khóc của trẻ. Như vậy, các em trưởng thành từ những điều xa lạ, không cảm nhận được hơi ấm của người thân, tình làng nghĩa xóm, hình ảnh quê hương, bao điều thân thuộc sẽ dần dần phai mờ trong ký ức tuổi thơ. Các em sẽ thiếu đi lời giáo huấn ân cần chất chứa trong những lời ru.
Trải qua bao cuộc bể dâu dù bao thay đổi của cuộc đời, tiếng ru vẫn mãi muôn đời còn giữ nguyên giá trị của nó. Cần phải có sự quan tâm giữ gìn và phát huy hát ru- một nét son trong kho tàng văn hóa dân tộc.

Bài Khác