Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị 6 năm tù giam, nhưng vợ tự hào về anh

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị 6 năm tù giam, nhưng vợ tự hào về anh

Nguyễn Ngọc Ánh được biết đến là một doanh nhân, kỹ sư nuôi tôm, hay quan tấm đến vấn đề chính trị xã hội
Image captionNguyễn Ngọc Ánh được biết đến là một doanh nhân, kỹ sư nuôi tôm, hay quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội

Hôm 6/6, kỹ sư nuôi tôm, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, bị kết án 6 năm tù giam 5 năm quản chế vì làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu chống phá Nhà nước theo Điều 117, BLHS, theo báo Thanh Niên.

Trong khi báo trong nước nói rằng ông Ánh thừa nhận đã bịa đặt, vu khống thông tin chống phá nhà nước và “ăn năn hối cải”, gia đình ông Ánh phản bác toàn bộ thông tin này.

‘Ăn năn hối cải’?

Theo Thanh Niên, ông Ánh đã dùng “mạng xã hội Facebook để tuyên truyền những nội dung sai sự thật, chống phá Nhà nước”.

Cũng theo báo này, từ tháng 3 đến tháng 8/2018, ông Ánh đã “sử dụng nhiều email, mạng xã hội phát trực tiếp (livestream), trao đổi thông tin, cung cấp hình ảnh, tư liệu kết nối với 14 tài khoản Facebook khác để phát tán, chia sẻ các nội dung tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tổ chức biểu tình, xuyên tạc chính sách pháp luật, vu khống, bịa đặt gây tâm lý hoang mang, chống phá chế độ XHCN…”

Và các thông tin nội dung này “đã phát tán đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận”.

Đáng chú ý, cũng theo báo này, ông Ánh đã thừa nhận những thông tin “chống phá Nhà nước” là “tự bịa đặt, vu khống, vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn hối cải”.

Ngẩng cao đầu tại phiên tòa ‘công khai’

Chị Nguyễn Thị Châu, vợ ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, phiên tòa sáng 6/6 ngạc nhiên là ‘khá công khai’. Có mặt tại phiên tòa ngoài chị, còn có anh trai, chị dâu ông Ánh và năm người vợ của một số tù nhân lương tâm.

Nguyễn Ngọc Ánh xuất hiện tại tòa hôm 6/6
Image captionNguyễn Ngọc Ánh xuất hiện tại tòa hôm 6/6

“Phiên tòa công khai nhưng nó rất nhàm chán, áp đặt. Thẩm phán, Viện Kiểm Sát chỉ có đọc văn bản và đọc rất lủng củng, giống như bị bắt đọc.”

Chị Châu cho rằng có sự dàn xếp trong phiên tòa, khi viện kiểm sát mời một người giúp việc trong nhà lên làm chứng.

“Ông xã tôi có làm một cái cây 60 phân và đục lỗ, để làm hàng rào bảo vệ khu nuôi tôm. Anh người làm đó biết rõ vậy mà lại nói theo lời công an dặn là anh Ánh làm cây đó để đi biểu tình. Khi anh Ánh đi biểu tình anh cũng đâu có cầm theo cái cây đó theo.”

Tại phiên tòa, ông Ánh thừa nhận có đăng 74 video live stream, nhưng là để nói lên tiếng nói của mình.

Một trong những video livestream mà được làm bằng chứng tại tòa là video, trong đó ông Ánh nói Miền nam Việt nam là của Việt Nam Cộng hòa và kêu gọi người dân trong và ngoài nước liên kết lại nếu muốn lấy lại Việt Nam Cộng Hòa, theo chị Châu.

“Và hình như cứ nói đụng tới Trung Quốc là họ không thích. Họ bảo mình là chia rẽ tình đoàn kết Việt Nam – Trung Quốc. Anh Ánh mới nói [tại tòa] rằng ‘Vì sao tàu Việt Nam bị Trung Quốc đâm như vậy mà nói là tàu lạ đâm? Tại sao biển đảo mình bị mất mà nói là chưa lấy chứ không phải là không lấy lại? Có phải hèn với giặc ác với dân không?’,” chị Châu kể lại.

“Những gì [tòa] thấy có lợi cho anh Ánh là họ không nhắc tới, nhưng cái gì bất lợi là họ cứ hay nhắc đi nhắc lại,” chị Châu nói khi ông Ánh có thừa nhận rằng một số livestream nói về học đường y tế, nhiều cái ông nói “hơi quá, chưa xác thực và xin sửa sai”.

Nguyễn Ngọc Ánh
Image captionNguyễn Ngọc Ánh

Trước thông tin ông Ánh thừa nhận “bịa đặt, vu khống, vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn hối cải”, chị Châu bật cười và nói rằng nếu nhìn vào tấm hình thì sẽ thấy chồng đã rất “kiên cường, bất khuất” như thế nào.

Chị Châu nói, trước khi bị bắt ông Ánh khỏe mạnh nhưng sau khi vào tù, thì chân ông bị đau nhưng chưa tiện nói lý do vì sao.

Tại phiên tòa, khi chủ tọa đề nghị đưa ghế cho ngồi thì ông Ánh nhất quyết đứng và xin vịn vào thành bục khai báo.

“Anh ấy ngẩng cao đầu. Anh ấy ráng đứng từ sáng tới 1 giờ trưa. Người ta cho ghế nhưng ảnh nói ‘Tôi Cảm ơn. Tôi không ngồi mà tôi đứng được'”.

“Tôi mua một bộ đồ Tây cho anh mặc nhưng anh lại mặc một bộ đồ hết sức bình thường. Chắc anh ấy muốn tỏ ra anh ấy xem thường cái phiên tòa này.”

Nói về chồng, chị Châu khẳng định: “Chồng tôi dám đứng thẳng làm người. Tôi tự hào về anh ấy. Tôi chẳng có gì phải sợ.”

Ông Ánh ban đầu tính mời thuê luật sư nhưng sau đó, gia đình gặp khó khăn về tài chính. Khi một số tổ chức nhân quyền quyết định giúp đỡ ông thuê luật sư, thì ông từ chối, nói nên giữ lời hứa với chính quyền.

Tuy nhiên, gia đình có thể sẽ cân nhắc mời luật sư cho phiên tòa phúc thẩm.

Nguyễn Ngọc Ánh là ai?

Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, là một doanh nhân và kỹ sư nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Theo chị Châu, ông Ánh bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường từ năm 2014-2015, khi đó anh chỉ nghiên cứu làm sao để làm sách bãi rác thải quanh khu gia đình ở.

Từ lúc xảy ra sự cố Formosa, ông bắt đầu đi biểu tình, tìm hiểu thêm về môi trường, học đường, y tế và về dân oan về bất tuân dân sự.

“Lúc đầu tôi bị áp lực từ phía gia đình bên chồng, làm gì thì làm đừng có bỏ con cái ở lại. Lúc đó tôi cũng quan tâm đến chính trị rồi. Thì anh Ánh nói ‘Hai vợ chồng mình thì một mình anh làm thôi, còn em ở lại, chứ hai đứa nhảy vô thì con cái không ai nuôi, bố mẹ già không ai chăm’ nên tôi chỉ theo dõi thôi. Một mình ông xã tôi chiến đấu.”

Kể từ khi ông Ánh, trụ cột của gia đình bị bắt, chị Châu và con cũng gặp nhiều khó khăn.

“Vợ chồng tôi trước đây là một doanh nhân thành đạt, cuộc sống mơ ước của nhiều người. Có nhà cửa, xe cộ, có người làm trong nhà. Giờ thì chỉ có hai mẹ con, tôi phải làm đủ nghề. Cái gì cũng làm nhưng tôi mệt mỏi vì tôi tự hào về chồng. Dù có khổ mấy tôi cũng không thấy mệt.”

“Ông xã tôi dám xả thân ra đứng thẳng làm người. Anh ở trong tù thì tôi sẽ tiếp tục đứng thẳng làm người và con tôi cũng vậy.

“Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân thôi. Quan trọng mình sống làm sao để người thân của người mình được hưởng phúc lợi xã hội, đất nước được đa nguyên đa đảng.”

‘Công an bảo con mở điện thoại’

Chị Châu kể, trưa 30/8/2018, ông Ánh đi làm về và hai vợ chồng tính nấu cơm ăn trưa thì nhận được được một cuộc điện thoại nói phải xuống phường làm giấy tờ tạm trú tạm vắng.

Ông Ánh vừa rời khỏi nhà 5 phút thì công an ập vào nhà đọc lệnh bắt và lệnh khám xét. Ông Ánh bị bắt khi đang đi trên đường.

“[Công an] nói lần này [ông Ánh] đi công tác xa nên cho hai bố con gặp nhau. Tôi không thể đưa con đi được vì đang theo sát vụ khám nhà nên nhờ người thân quen đưa con xuống gặp anh Ánh.”

“Lúc con về, tôi hỏi con có gặp bố không, có nói bố yên tâm không, thì nó bảo là ‘Con có gặp bố đâu. Năm chú công an bắt con mở điện thoại của bố’.”

Chị Châu cho biết khi đó bé trai mới có 3 tuổi rưỡi.

Cha của ông Ánh qua đời hồi tháng 3/2019, nhưng công an vẫn từ chối cho phép ông về chịu tang cha.

Nguyễn Ngọc Ánh trong một lần đi biểu tình phản đối Formosa ở TP HCM
Image captionNguyễn Ngọc Ánh trong một lần đi biểu tình phản đối Formosa ở TP HCM

Trước đó Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế (AI) đều đã ra thông cáo báo chí một ngày trước khí diễn ra phiên xét xử kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho ông Ánh ngay lập tức.

“Tội duy nhất của Nguyễn Ngọc Ánh là anh đã dám nói lên quan điểm của mình chống lại sự bất công và đàn áp,” Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của HRW nói.

“Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên xem xét lại các thỏa thuận với Việt Nam cho đến khi họ ngừng lạm dụng quyền và trừng phạt những người bất đồng chính kiến.”

Bài Khác