Nhà di truyền học TQ tiết lộ còn có thêm ca thụ thai chỉnh sửa gien “tiềm năng”

Nhà di truyền học TQ tiết lộ còn có thêm ca thụ thai chỉnh sửa gien “tiềm năng”

 

Ông Hạ Kiến Khuê tại hội nghị về chỉnh sửa gien người ở Hồng Kông, 28/11/2018

 

Một nhà khoa học Trung Quốc hôm 28/11 nói ông tự hào về công trình của mình, dù ông đang trong tâm bão về vấn đề đạo đức liên quan đến việc ông tuyên bố là đã có những trẻ sơ sinh chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới. Ông cũng tiết lộ rằng đã có ca thụ thai “tiềm năng” thứ hai trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu.

Ông Hạ Kiến Khuê, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc, đã phát biểu trước khoảng 700 người tham dự Hội nghị về chỉnh sửa gien người tại Đại học Hong Kong.

“Về trường hợp này, tôi cảm thấy tự hào. Tôi cảm thấy tự hào nhất”, ông Hạ nói, khi bị nhiều đồng nghiệp chất vấn tại hội nghị.

Khi được hỏi liệu đã có ca thụ thai có chỉnh sửa gien nào khác trong các thử nghiệm của ông hay không, ông nói có một ca thụ thai “tiềm năng” và trả lời là “có” cho câu hỏi liệu đó có phải là “mang thai hóa học” hay không.

Không rõ liệu ca thụ thai đó đã kết thúc hay không.

Ông Hạ cho biết công trình này do ông tự trang trải, và gạt bỏ những quan ngại rằng cuộc nghiên cứu đã được tiến hành bí mật. Ông giải thích rằng ông đã trao đổi với cộng đồng khoa học trong ba năm qua.

“Nghiên cứu này đã được nộp cho một tạp chí khoa học để xem xét”, ông Hạ nói. Ông không nêu tên tạp chí và nói rằng trường đại học của ông không biết gì về nghiên cứu của ông.

Trong các video được đăng lên mạng trong tuần này, ông Hạ cho biết ông đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien được gọi là CRISPR-Cas9 để thay đổi các gien phôi thai của hai bé gái sinh đôi ra đời trong tháng này.

Ông cho biết việc chỉnh sửa gien sẽ giúp bảo vệ các hai bé gái khỏi bị nhiễm HIV, loại virus gây bệnh AIDS.

Nhưng các nhà khoa học và chính phủ Trung Quốc đã lên án công trình mà ông Hạ nói ông đã thực hiện, và một bệnh viện liên quan đến nghiên cứu của ông cho rằng giấy phép về đạo đức của họ có thể đã bị làm giả.

Người điều hành hội nghị, Robin Lovell-Badge, cho biết các nhà tổ chức hội nghị không biết gì về câu chuyện này cho đến khi nó trở nên ầm ĩ trong tuần này.

CRISPR-Cas9 là một công nghệ cho phép các nhà khoa học cắt và dán DNA, nâng cao hy vọng về chỉnh sửa gien để tránh bệnh tật. Tuy nhiên, có những lo ngại về an toàn và đạo đức.

Hội Sinh học Tế bào Trung Quốc trong một tuyên bố hôm 27/11 đã lên án mạnh mẽ bất kỳ ứng dụng nào về chỉnh sửa gien trên phôi người vì mục đích sinh sản và nói rằng nó trái với luật pháp và đạo đức y tế của Trung Quốc.

Hơn 100 nhà khoa học, hầu hết ở Trung Quốc, cho biết trong một bức thư ngỏ hôm 27/11 rằng việc sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa các gien của phôi người là nguy hiểm và không biện minh được.

Nguồn: VOA

Bài Khác