Nguyễn Phú Trọng có ‘triều kiến’ Tập Cận Bình trước khi gặp Donald Trump?

PHẠM CHÍ DŨNG –

Nguyễn Phú Trọng có ‘triều kiến’ Tập Cận Bình trước khi gặp Donald Trump?

.

Bắt đầu đi đứng tự tin

Cái cách mà “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng tái xuất tự tin trước con mắt soi mói của đám đông “100 cán bộ công đoàn tiêu biểu” vào ngày 20 Tháng Bảy, 2019 (chứ không còn là chủ trì họp với “đám nhỏ” là các ủy viên bộ chính trị như những lần trước đó) cho thấy sức khỏe của ông Trọng đã gần như phục hồi hoàn toàn sau cú bạo bệnh ở xứ Kiên Giang “nhà Ba Dũng,” kể cả phục hồi hoạt động tứ chi – vốn là chủ đề được dư luận đồn đoán trước đây về khả năng bị “liệt.”

Như vậy, Nguyễn Phú Trọng đã mất khoảng 3 tháng từ khi suýt “nằm xuống” cho đến lúc nói năng và di lại bình thường. Đó cũng là khoảng thời gian bình quân mà bệnh nhân có thể phục hồi sau một cơn tai biến mạch máu não, với điều kiện được cấp cứu ngay tại “điểm vàng” sau khi bị tai biến, và được điều trị tốt.

Riêng trường hợp Nguyễn Phú Trọng thì khỏi phải nói, toàn bộ ê kíp của Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương cùng các chuyên gia đầu ngành về thần kinh não bộ được tập trung cho cá nhân ông ta.

Việc Nguyễn Phú Trọng phục hồi sức khỏe rất có thể tiến hành được chuyến thăm Hoa Kỳ theo lịch trình dự trù, nhưng có thể đã phải dời lại vài tháng, tức vào Tháng Tám hoặc Tháng Chín năm 2019, bằng chính đôi chân của ông ta mà không cần phải ngồi xe lăn.

Tuy nhiên, ngay trước mắt Nguyễn Phú Trọng là một thử thách lớn là có buộc phải đi “triều kiến” Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trước khi gặp Donald Trump hay không?

Tập Cận Bình muốn gì?

Lẽ tất nhiên, Trung Quốc muốn Trọng phải đi Bắc Kinh. Và hơn cả là không đi Mỹ.

Và lẽ tất nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Hoa Nam tình báo đặc biệt theo dõi tình hình sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng và thời điểm mà ông ta có thể đi đứng như một người bình thường.

Không biết cơ chế theo dõi trên có phát huy tác dụng hay không, nhưng vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và một số tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế Bãi Tư Chính của Việt Nam từ đầu Tháng Bảy đến nay lại trùng với tiến trình phục hồi những bước có lẽ là cuối cùng để Nguyễn Phú Trọng ổn định sức khỏe.

Tàu Hải Dương 8, đang gây sóng gió lên chủ quyền của Việt Nam tại Bãi Tư Chính. (Hình: China Geological Survey)

Vụ Hải Dương – 8 là bước thăm dò “bản lĩnh Việt Nam” thêm một lần nữa, để nếu Hà Nội vẫn không dám ngả mạnh về Mỹ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục những đòn gây hấn mới hơn và khó chịu hơn nhiều, với ít nhất ba mục tiêu đồng thời. Đó là, từng bước biến vùng biển của Việt Nam thành “vùng tranh chấp lãnh thổ,” buộc Việt Nam phải chia đôi nguồn dầu khí khai thác được ở Bãi Tư Chính và cả mỏ Lan Đỏ, và chặn lối chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng.

Rất tương đồng với chiến thuật của Hải Dương 981 vào năm 2014 đã hành hạ thần kinh Bộ Chính Trị đảng CSVN suốt hai tháng trời, tàu Hải Dương 8 và những tàu chiến bảo kê cho nó không bộc lộ bất kỳ dấu hiệu nào muốn rút sớm khỏi khu vực Bãi Tư Chính, mà vẫn đang gây sức ép liên tục trong bối cảnh người đồng chí cộng sản của nó cô đơn gần như tuyệt đối trên trường quốc tế.

Cộng sản cô độc

Thật thế, cho tới nay Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên, và có lẽ là duy nhất, lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam liên quan vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8. Trong khi đó, không một quốc gia nào có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam lên tiếng.

Hãy nhớ lại 2014 là năm tung tóe bởi vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính Trị đảng CSVN. Khi đó, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp.

Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất “bạn vàng” là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị” cho tới khi “té lộn đầu” trong ba vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2017, 2018 và 2019.

Nguyễn Phú Trọng đến Tòa Bạch Ốc vào Tháng Bảy, 2015, dưới thời Tổng Thống Obama. (Hình: Getty Images)

Từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, kể cả một “đối tác chiến lược” khác là Đức mà Việt Nam đã bị quốc gia này “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau việc nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc một nghi phạm kinh tế là Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào Tháng Bảy năm 2017.

Điều trớ trêu và bi hài đến tận cùng là Bắc Kinh, vốn được giới chóp bu Việt Nam luôn ca tụng như “đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất,” lại là con sói duy nhất luôn hăm he phanh xác con cừu Hà Nội.

Vậy Nguyễn Phú Trọng có đi Trung Quốc trước khi đến Mỹ?

Chỉ muốn đến Washington!

Câu hỏi trên đã được giải đáp phần nào, ứng với cái cách tái xuất của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 20 Tháng Bảy. Đúng vào thời điểm đó, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã dám mở miệng: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.”

Lần đầu tiên dám nhắc đến cái tên Trung Quốc và chỉ trích trực tiếp hành vi của tàu Hải Dương 8, còn trong hai tuần trước đó đã tuyệt đối câm nín và bất lực đến cùng cực – tương tự trong rất nhiều lần xảy ra gây hấn của tàu Trung Quốc đối với tàu bè ngư dân Việt, đặc biệt trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 và hai lần tàu Trung Quốc bao vây gây sức ép ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.

Cùng lúc, báo chí quốc doanh được chỉ đạo “mở miệng,” đồng loạt làm nên dàn đồng ca chỉ trích và lên án tàu Trung Quốc vi phạm công pháp quốc tế về luật biển và vi phạm “vùng chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam.” Hiện tượng này hẳn khiến nhiều người nhớ lại vào đầu năm 2019, đã có một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ rất bất thường về “chống quân Trung Quốc xâm lược” trên báo chí Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh biên giới phía Bắc.

Với hai chỉ dấu phản ứng từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam và báo chí quốc doanh, đã khá rõ là Nguyễn Phú Trọng đang khiến Tập Cận Bình nổi đóa và theo đó Trọng không hề muốn đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ – ý định mà ông ta duy trì ít ra cho đến lúc này.

Thay cho chuyến đi “chầu thiên tử” mà lẽ ra Trọng đã bị Trung Quốc áp đặt, ông ta đã hai lần cử hai cấp dưới trong “tam trụ” Bộ Chính Trị đảng đi thay mình: Nguyễn Xuân Phúc đi dự Hội nghị thượng đỉnh “sáng kiến Một vàng đai, Một con đường” (BRI) vào Tháng Tư năm 2019, và Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đến Bắc Kinh vào Tháng Bảy năm 2019 để bàn “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” và cả từ ngữ hết sức mơ hồ là “đại cục.”

Trùng với thời điểm Nguyễn Phú Trọng tái xuất có vẻ tự tin vào Tháng Bảy năm 2019, đã xuất hiện tin hành lang về việc ông ta đang rốt ráo thu xếp những thủ tục cuối cùng cho chuyến đi Mỹ, nhất là trong bối cảnh “đảng anh” đang không ngớt hành hạ hệ thần kinh chỉ chực tai biến của “đảng em.”

Vào Tháng Năm, 2019, Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam – đã có một chuyến tiền trạm Mỹ cho Nguyễn Phú Trọng. Nếu cuộc gặp Trump – Trọng diễn ra như dự trù trong thời gian tới, liệu Trọng có dứt khoát nhích thêm một chút về phía Mỹ bằng mòn quà quân cảng Cam Ranh cùng một bản ghi nhớ cho “đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ?” (Phạm Chí Dũng)

Nguồn: Người Việt

Bài Khác