Nguy cơ đụng độ Mỹ – Trung trên Biển Đông khiến Philippines lo hơn cả cuộc chiến thương mại

Nguy cơ đụng độ Mỹ – Trung trên Biển Đông khiến Philippines lo hơn cả cuộc chiến thương mại

Trước mắt, không có cái kết nào rõ ràng cho cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhưng các doanh nhân tại Phillipines vốn đã chịu ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng lạm phát, đang ngày càng lo sợ sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu cuộc đối đầu giữa hai thế lực kinh tế lớn lan tới Biển Đông.

Trong khi Tổng thống Philippine Duterte đã thúc đẩy tình hữu nghị với Bắc Kinh, bùi tai bởi những lời dụ dỗ đầy hứa hẹn về các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào nước này, đảo quốc vẫn duy trì mối quan hệ hiệp ước quốc phòng lâu đời với Mỹ, theo SCMP. 

Mặc dù lạm phát ở Philippines đã giảm bớt trong tháng 11, sau khi chạm mức 6,7% vào đầu năm nay, mức cao nhất ghi nhận được trong vòng 9 năm qua, ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất năm lần trong năm nay, với lý do tình trạng “bất ổn tiếp diễn” trong bối cảnh “môi trường tài chính toàn cầu chặt chẽ hơn và căng thẳng thương mại giữa những nền kinh tế lớn”, theo một tài liệu về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Tổng thống Philippine Rodrigo R. Duterte và Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận trong cuộc gặp song phương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippine tại thành phố Pasay hôm 13/11/2017. (Ảnh: Presidential Photo/ pna.gov.ph)

“Tôi nghe [người ta nói] nhiều về vấn đề Biển Đông và khả năng đối đầu quân sự, hơn là khả năng một cuộc chiến tranh lạnh biến thành một cuộc chiến tranh nóng”, ông Ebb Hinchliffe, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Philippines cho biết với SCMP.

Trong khi nhiều doanh nhân đang phải chịu những tác động xấu từ cuộc chiến thương mại kéo dài, một mối lo ngại khác còn lớn hơn đối với họ là xung đột sẽ tràn ra Biển Đông, nơi cả Manila và Bắc Kinh đều là những người tuyên bố chủ quyền, mang tới nhiều thách thức lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Philippines, ông Hinchliffe cho biết trong cuộc phỏng vấn.

Biển Đông từ lâu đã là một điểm nóng xung đột trong khu vực, đặc biệt kể từ khi chính phủ Philippines đệ đơn và thắng kiện chống lại các yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trong một tòa án quốc tế vào năm 2016.

Tàu chiến phòng thủ trên Biển Đông của Philippines. (Ảnh: maritime-executive.com)

Trong một Hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Singapore hồi tháng 11, ông Duterte nói rằng, nếu căng thẳng Mỹ – Trung tại vùng biển tranh chấp leo thang thành chiến tranh, Philippine sẽ là nước “đầu tiên bị ảnh hưởng”.

“Trung Quốc đang ở đó. Đây là một thực tế, và nước Mỹ và mọi người cần phải nhận thức được rằng họ đang ở đó”, ông Duterte nói với phóng viên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippine nâng ly chúc mừng trong bữa tiệc chiêu đãi tại Dinh Tổng thống Malacanang tại Manila hôm 20/11/2018. (Ảnh: MARK R. CRISTINO | AFP | Getty Images)

Trong tình trạng chiến tranh thương mại kéo dài nhiều tháng, Bắc Kinh đã ra sức khẳng định quyền lực của mình tại vùng biển tranh chấp. Những động thái xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp, cũng như cuộc đụng độ của tàu Trung Quốc với tàu Mỹ là những dẫn chứng minh họa cho sự nóng lòng muốn đẩy lùi hiện diện của Mỹ tại vùng biển tranh chấp.

Khủng hoảng lạm phát đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với sự tăng trưởng kinh tế của Philippines, dù cho Mỹ – Trung đồng ý hoãn việc tăng thuế mới 90 ngày, tại một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bruenos Aires hôm thứ Bảy ngày 1/12.

Bài Khác