Mỹ sắp ngưng hiệp ước hạt nhân với Nga sau thất bại đàm phán

Mỹ sắp ngưng hiệp ước hạt nhân với Nga sau thất bại đàm phán

.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Andrea Thompson (giữa) phát biểu trong cuộc họp về INF với các nước P5 ở Bắc Kinh vào ngày 30/1/2019. REUTERS

Hoa Kỳ sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân quan trọng với Nga ngay vào cuối tuần này sau khi những cuộc đàm phán cuối cùng với Moscow nhằm cứu vãn hiệp ước bị thất bại, Reuters dẫn lời một giới chức kiểm soát vũ khí cấp cao của Mỹ cho biết hôm 31/1.

Washington từ lâu đã cáo buộc Nga đã vi phạm Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), cáo buộc tên lửa mới của Nga, Novator 9M729, mà NATO gọi là SSC-8, là vi phạm hiệp ước, vốn cấm hai bên triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất tầm trung và tầm thấp ở châu Âu.

Moscow phủ nhận điều đó, nói rằng tầm bắn tên lửa của Nga là nằm ngoài quy định của hiệp ước và cáo buộc Hoa Kỳ đã ngụy tạo lý do để rút khỏi hiệp ước mà Washington đã muốn thoát ra nhằm phát triển tên lửa mới. Nước này cũng bác yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc hủy bỏ tên lửa mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson hôm 31/1 đã có cuộc hội đàm cuối cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Bắc Kinh trước khi hết thời hạn 60 ngày của Hoa Kỳ đặt ra cho Nga để Moscow trở lại tuân thủ hiệp ước .

Gặp nhau bên lề cuộc họp P5 của các cường quốc hạt nhân, bà Thompson và ông Ryabkov sau đó nói rằng hai nước đã không vượt qua được những khác biệt của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Thompson cho biết bà dự kiến Washington sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước ngay vào cuối tuần này, một động thái mà bà nói sẽ cho phép quân đội Mỹ bắt đầu phát triển ngay lập tức tên lửa tầm xa của mình nếu họ chọn làm như vậy, nâng cao triển vọng là chúng có thể được triển khai ở châu Âu.

“Chúng tôi có thể làm điều đó (đình chỉ các nghĩa vụ theo hiệp ước) vào ngày 2/2, bà Thompson nói với Reuters. “Chúng tôi sẽ đưa ra thông báo, sau khi tất cả các bước theo quy định của hiệp ước về việc đình chỉ nghĩa vụ của chúng tôi vì ý định rút lui được thực hiện”.

Một khi được công bố, quá trình rút lui chính thức sẽ phải mất sáu tháng. Theo bà Thompson, việc ngừng tuân thủ hiệp ước sẽ cởi trói cho quân đội Hoa Kỳ.

“Sau đó, chúng tôi có thể tiến hành nghiên cứu và phát triển, và làm việc trên các hệ thống mà chúng tôi đã không thể sử dụng vì phải tuân thủ hiệp ước”, Reuters dẫn lời bà Thompson nói.

“Đến ngày 2/2, cuối tuần này, nếu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chọn làm như vậy, thì họ có thể làm”.

Mặc dù vậy, Washington vẫn để ngỏ khả năng đàm phán thêm với Moscow về hiệp ước, bà Thompson cho biết thêm.

Về phía Nga, ông Ryabkov nói Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được thỏa thuận bất chấp các cuộc đàm phán thất bại, nhưng cáo buộc Washington đã phớt lờ các khiếu nại của Nga về tên lửa của Hoa Kỳ và áp dụng “quan điểm phá hoại”.

“Hoa Kỳ áp đặt thời hạn 60 ngày, đòi hỏi chúng tôi phải hoàn thành tối hậu thư của họ”, hãng thông tấn Sputnik dẫn lời ông Ryabkov nói sau cuộc hội đàm với bà Thompson.

“Tôi kết luận rằng Hoa Kỳ chớ mong đợi bất kỳ quyết định nào và tất cả điều này chỉ là một trò chơi được thực hiện nhằm che đậy quyết định rút lui khỏi Hiệp ước INF”.

Nguồn: VOA

Bài Khác