Mỹ nghi ngờ Trung Quốc trong đàm phán Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc trong đàm phán Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông

.

Một chiến hạm Mỹ hải hành trong vùng Biển Đông. (Hình: US Navy)

KULA LUMPUR  – Một viên chức cấp cao Bộ Quốc Phòng Mỹ nghi ngờ những mưu tính của Trung Quốc khi tìm cách lái cuộc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) theo ý của Bắc Kinh.

Ông Randall Schriver, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Vụ An Ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Bộ Quốc Phòng Mỹ, hôm Thứ Sáu 26/4/2019, thúc giục 10 thành viên các nước ASEAN tiếp tục theo đuổi đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC – Code of Conduct) có ràng buộc pháp lý đối với hành động của các nước liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Theo ông, phải có một bộ COC ràng buộc như thế mới “phù hợp với các luật lệ và thông lệ quốc tế hiện hành”.

“Chúng tôi có một số nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc”. Ông Schriver nói với báo chí trước khi ông gặp Thứ trưởng Quốc phòng Liew Chin Tong và một số viên chức an ninh khác của Malaysia, theo tạp chí Eurasia Review tường thuật hôm Chủ Nhật.

“Cách họ hành xử giống như họ không tham gia vào việc tuân hành luật lệ quốc tế một cách nhất quán.” Ông nói với ám chỉ đến Bắc Kinh. “Cho nên chúng ta có sự nghi ngờ về những điều kiện họ muốn có ở trong Bộ Quy Tắc Ứng Xử – COC”.

Bỏ Trung Quốc và Đài Loan sang một bên, các nước ASEAN gồm Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei và Malaysia có những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trùng lặp với nhau. Những nước tranh chấp, trừ Trung Quốc, muốn thúc đẩy cuộc đàm phán COC phải có giá trị ràng buộc pháp lý. Tức là COC phải viết rành mạch những bước mà các nước tham gia ký kết phải thực hiện để tránh cho các vụ tranh chấp đi quá đà, vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Một số nước muốn Bộ COC có hiệu lực pháp lý và phải được quốc hội các nước thông qua.

Tháng Tám 2018, Trung Quốc và các nước ASEAN đã cùng đồng ý về một bản dự thảo khung cho các cuộc đàm phán chi tiết. Ông Schriver cho hay dù Hoa Thịnh Đốn nghi ngờ động cơ của Trung Quốc trong khi tham dự đàm phán, Hoa Kỳ vẫn tin một Bộ COC có thể là cơ chế để cải thiện an toàn trong khu vực tranh chấp.

Ông Schriver cho hay Hoa Kỳ không tham gia vào việc soạn thảo COC. Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần cho chiến hạm đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của những đảo hoặc đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng hoặc Việt Nam hoặc nước khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền.

Tất cả các đảo và đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều đã được trang bị tối tân và trấn giữ như những căn cứ khổng lồ trên biển.

Ông Schriver đưa ra các lời bình luận chỉ hai ngày sau khi Bắc Kinh phô trương chiếc mẫu hạm Liêu Ninh và một loại khu trục hạm mới đóng trong số hơn 30 chiếc gồm cả tàu ngầm, bên cạnh gần 40 chiếc máy bay, biểu diễn ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, đánh dấu 70 năm hải quân Trung Quốc.

Sự lớn mạnh quá nhanh chóng và tối tân của Hải quân Trung Quốc hiển nhiên làm các nước nhỏ phía nam tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày một thêm bất an, theo bản tin tường thuật của hãng thông tấn quốc tế Associated Press.

Hơn một chục nước cũng đã cử chiến hạm đến tham gia, theo Tân Hoa Xã, trong đó có Thái Lan, Úc, Nhật Bản, Nga. Mỹ không gửi tàu đến nhưng Việt Nam đưa hai chiếc hộ tống hạm nhỏ bé của mình đến dự.

Nguồn: Người Việt

Bài Khác