Mỹ gắn nhãn quốc gia ‘thao túng tiền tệ’ cho Trung Quốc

Mỹ gắn nhãn quốc gia ‘thao túng tiền tệ’ cho Trung Quốc

.

REUTERS

Hoa Kỳ vừa chính thức coi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”, một tuyên bố sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thông báo của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ được đưa ra sau khi giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh so với đồng đôla.

Sự sụt giảm khiến thị trường bất ngờ vì trước giờ Bắc Kinh thường hỗ trợ đồng nhân dân tệ.

Tuần trước, Trung Quốc cam kết sẽ trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên thêm 300 tỷ đôla hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hôm thứ Hai, đồng nhân dân tệ đã lần đầu giảm xuống mức bảy đồng ăn một đôla, lần đầu tiên kể từ năm 2008, khiến ông Trump buộc tội Trung Quốc thao túng tiền tệ trên Twitter.

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) “để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh được tạo ra bởi các hành động mới nhất của Trung Quốc”.

Động thái này phần lớn mang tính biểu tượng vì Mỹ đã tham gia vào các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc và đã áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ nước này.

Tuy nhiên, nó hoàn thành lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, ông đã cam kết sẽ liệt Trung Quốc vào nhóm thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Quyết định này có khả năng làm tăng nỗi lo sợ trên thị trường chứng khoán sau khi cú giảm mạnh trên khắp Hoa Kỳ và Châu Âu vào thứ Hai. Các chỉ số thị trường chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất của trong năm 2019. Người ta tiếp tục bán cổ phiếu trong ngày thứ Ba.

Presentational grey line

Phân tích

Michelle Fleury, phóng viên kinh doanh tại New York

Nước đi này không tạo nhiều thay đổi trên phương diện pháp lý.

Nhưng đây vẫn là một sự kiện lớn, cho thấy rõ rằng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi rất nhanh theo chiều hướng xấu.

Khi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ gán cho một quốc gia nhãn ‘thao túng tiền tệ’ – như đã làm với Trung Quốc – bước tiếp theo thường sẽ là các cuộc đàm phán giữa hai nước. Trong trường hợp này, các cuộc đàm phán thương mại đã diễn ra được hơn một năm.

Quá trình này cũng mở ra con đường cho nước Mỹ đưa ra thuế mới. Một lần nữa, điều đó cũng đã diễn ra trong một phần trong cách tiếp cận thương mại ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump.

Ông Mnuchin cũng dự kiến sẽ làm việc với IMF để giải quyết các mối quan ngại của Hoa Kỳ. Vẫn chưa rõ điều này sẽ mang lại những gì.

Tuy nhiên, điều cần nhớ là trong khi quyết định có thể không tạo ra thay đổi nhiều về mặt kỹ thuật, nó sẽ tạo hệ quả chính trị đáng kể. Chẳng ai tin điều này sẽ làm Trung Quốc chịu thỏa hiệp trong vấn đề thương mại.

Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu tới đây sẽ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ làm chao đảo những cái đầu vốn ‘đã có sạn’ của các nhà đầu tư.

Presentational grey line

Hoa Kỳ định nghĩa thao túng tiền tệ là khi “các quốc gia thao túng tỷ giá hối đoái giữa tiền tệ của họ và đồng đôla Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế”.

Yuan vs dollar

Không có quốc gia nào chính thức được Mỹ xác định là thao túng tiền tệ kể từ khi chính quyền của Bill Clinton làm như vậy với Trung Quốc năm 1994.

Trong thông báo của mình, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết: “Trung Quốc có một lịch sử lâu dài trong việc tạo điều kiện cho tiền tệ bị định giá thấp thông qua sự can thiệp kéo dài, quy mô lớn vào thị trường ngoại hối.”

“Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các bước cụ thể để phá giá tiền tệ của mình, trong khi vẫn duy trì dự trữ ngoại hối đáng kể, vẫn là những công cụ từng được sử dụng tích trong quá khứ.”

Nguồn: BBC

Bài Khác