LVMH chi 16,2 tỷ đô la mua hiệu kim hoàn Tiffany

LVMH chi 16,2 tỷ đô la mua hiệu kim hoàn Tiffany

Tuấn Thảo Đăng ngày 26-11-2019 

media

Cửa hiệu kim hoàn Tiffany & Co tại thành phố Nice, Pháp 10/2019REUTERS/Eric Gaillard

Kim cương phải chăng là người bạn quý nhất của phụ nữ ? Trả lời câu hỏi này, thần tượng điện ảnh Marilyn Monroe trong bài hát Diamonds are a Girl’s Best Friend từng nhắc đến các hiệu kim hoàn sáng giá nhất : Tiffany, Cartier, Harry Winston. Kể từ hôm 25/11/2019, hiệu Tiffany được LVMH mua lại với giá 16,2 tỷ đô la.

Theo ông Bernard Arnault, tổng giám đốc tập đoàn LVMH chuyên về xa xỉ phẩm (Louis Vuitton & Moët Hennessy), một biểu tượng sang trọng của nước Mỹ giờ đây mang một nét gì đó của Pháp. Hiệu kim hoàn Tiffany đã nằm trong tầm nhắm của LVMH từ lâu, do tập đoàn của Pháp muốn củng cố thêm vị trí của mình trên lãnh vực đồng hồ và trang sức, một lãnh vực mà từ trước tới nay các tập đoàn Thụy Sĩ vẫn nắm ưu thế.

Sau nhiều lần thương thuyết ráo riết, đôi bên đã đạt tới thỏa thuận sau cùng. Công ty Tiffany chịu nhượng lại ở giá 135 đô la mỗi cổ phiếu và như vậy LVMH phải chi 16,2 tỷ đô la, tương đương với 14,7 tỷ euro, để giành lấy quyền sở hữu một trong những hiệu kim hoàn nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.

Cuộc chạy đua giữa LVMH và Richemont

Qua việc mua lại thương hiệu Tiffany của Mỹ, tập đoàn Pháp LVMH thực hiện được một phần các mục tiêu từng đeo đuổi trong hơn hai thập niên qua. Từng bước một, LVMH đã củng cố vị trí của mình trên trường quốc tế, sau khi mua lại hiệu kim hoàn Chaumet vào năm 1999, rồi sau đó giành lấy quyền kiểm soát vào năm 2011 thương hiệu Bvlgari (kể cả trang sức, mỹ phẩm và phụ kiện thời trang).

Dần dần, LVMH trở thành một tập đoàn có trọng lượng trong ngành đồng hồ hạng sang và nữ trang cao cấp, rút ngắn khoảng cách với các đối thủ thủ cạnh tranh trong cuộc chạy đua, giành lấy thị phần. Tuy là tập đoàn số 1 trong ngành xa xỉ phẩm, nhưng cho tới giờ, LVMH vẫn còn lép vế so với đối thủ của mình là tập đoàn Thụy Sĩ Richemont, vốn sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng thế giới là Cartier và Van Cleef & Arpels.

Trước mắt, ngành đồng hồ và trang sức của tập đoàn LVMH hiện bao gồm các thương hiệu như Tag Heuer, Hublot cũng như là Zenith & Fred. Trong năm 2018, chỉ riêng ngành này đã đem về cho LVMH hơn 4,5 tỷ đô la doanh thu, tương đương với 9% tổng doanh thu của tập đoàn xa xỉ phẩm này.

Đồng hồ và trang sức : doanh thu kỷ lục

Doanh thu trong năm 2018 của LVMH đã đạt tới mức kỷ lục 46,8 tỷ euro (51,5 tỷ đô la), nâng lợi nhuận thường niên lên tới mức 6,4 tỷ euro. LVHM hiện có khoảng 428 cửa hàng bán đồng hồ và trang sức trên toàn thế giới, việc mua lại hiệu Tiffany giúp cho hệ thống phân phối của tập đoàn LVMH có thêm 320 cửa hiệu.

Được ông Charles Lewis Tiffany thành lập vào năm 1837, cửa hàng nổi tiếng nhất của Tiffany (flagship) nằm trên đại lộ số 5 (5th Avenue) tại Manhattan, New York, bên cạnh toà nhà Trump Tower. Trong thời gian gần đây, hiệu kim hoàn Tiffany đã muốn thay đổi phong cách sáng tạo cũng như hình ảnh của mình, để thu hút thành phần khách hàng trẻ trung hơn.

Trong năm qua, Tiffany đã thực hiện 4,4 tỷ đô la doanh thu, tuy nhiên mức tăng trưởng này đang có dấu hiệu bị khựng lại, do đồng đô la đang được giá, khiến cho sức mua của du khách quốc tế cũng giảm xuống đáng kể. Nổi tiếng từ lâu nhờ nghệ thuật thiết kế các kiểu nhẫn kim cương sang trọng, quý phái, Tiffany còn đã đi vào dòng văn hoá phổ thông nhờ vào ca khúc để đời của Marilyn Monroe, cũng như thông qua bộ phim ‘‘Breakfast at Tiffany’s’’, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote, với ngôi sao màn bạc Audrey Hepburn trong vai chính.

Bài Khác