Luật sư: Cần Thơ trả kim cương là ‘bài học’ về làm luật, áp dụng luật

Luật sư: Cần Thơ trả kim cương là ‘bài học’ về làm luật, áp dụng luật

 

Tiệm vàng Thảo Lực, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, 10/2018

 

Một lãnh đạo chính quyền Cần Thơ hôm 6/11 chỉ thị cấp dưới “trả lại” kim cương, đá trang sức thu giữ từ một tiệm vàng trong thành phố, đồng thời miễn một phần tiền phạt đối với tiệm vàng này, theo báo chí Việt Nam.

Đã có một “cơn bão dư luận” trong mấy tuần qua vì chính quyền địa phương hồi tháng 10 ra quyết định xử phạt tới 180 triệu đối với tiệm vàng có tên Thảo Lực do đã “đổi 100 đô la trái phép” vào cuối tháng 1, ngoài ra nhà chức trách còn thu giữ kim cương, đá quý từ tiệm này.

Theo tường thuật của nhiều tờ báo, công an đã làm như vậy dựa trên cái cớ là họ bắt quả tang tiệm Thảo Lực, nơi không có giấy phép về giao dịch ngoại tệ, đã “đổi tiền trái phép” cho một người có tên Nguyễn Cà Rê.

Bản thân người đàn ông nói trên cũng bị chính quyền phạt vi phạm hành chính tới 90 triệu đồng trong cùng vụ việc.

Khoảng 290 bài báo cùng hàng trăm bài viết, bình luận khác trên mạng xã hội của mọi giới, trong đó có nhiều doanh nhân và luật sư, trong thời gian qua cho thấy báo chí và công luận chỉ trích mạnh mẽ việc công an Cần Thơ có dấu hiệu lạm quyền khi khám nhà và thu giữ những gì mà họ gọi là “tang vật”.

Bên cạnh đó là những bức xúc về điều mà dư luận cho là luật không sát với thực tế vì số tiền phạt quá lớn so với giao dịch đổi tiền.

Những tiếng nói của truyền thông và công luận dường như đã tác động đáng kể đến động thái mới đây của phía chính quyền.

Các báo Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và một số báo khác đưa tin hôm 6/11 rằng chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam, đã “làm việc” với ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, và luật sư của ông Lực.

Sau khi nghe các lý lẽ và đề nghị từ phía ông Lực và đại diện pháp lý của ông, vị phó chủ tịch TP Cần Thơ đã “yêu cầu” các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục cần thiết để “hủy bỏ một phần” quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời “trả lại” toàn bộ tang vật gồm 20 viên kim cương và gần 20.000 viên đá nhân tạo cho tiệm vàng, theo các bản tin mới nhất.

Các báo cho biết thêm số tiền phạt mà tiệm vàng được miễn là 70 triệu đồng trong tổng số 180 triệu ban đầu.

Ngoài ra, vẫn theo các báo, ông Rê được miễn 90 triệu tiền phạt, song số tiền 100 đô la sẽ không được nhà chức trách trả lại.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, người không trực tiếp liên quan đến vụ việc, đưa ra bình luận với VOA:

“Tôi cho rằng cái này là hết sức đáng hoan nghênh. Khi áp dụng pháp luật sai thì sẽ phải sửa. Cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền mà nhìn nhận ra được, khắc phục ngay, sửa đổi ngay, thì tôi cho đó là vấn đề hoàn toàn tốt. Tốt cho chính quyền, tốt cho nhân dân về vấn đề cầu thị. Tất cả đều hướng tới cái đúng đắn, thì đấy chính là công lý”.

Ông Hướng cũng cho rằng động thái này tạo ra một tiền lệ để những người, những cơ quan có thẩm quyền khi ở vào tình huống tương tự, họ sẽ “không bưng bít”, “không lẩn tránh trách nhiệm”. Thay vào đó, theo luật sư, họ sẽ hành động một cách “rõ ràng, minh bạch” và sẽ được xã hội cũng như mọi người “ủng hộ”.

Ở Việt Nam, đổi ngoại tệ diễn ra phổ biến ở các tiệm vàng hơn là các ngân hàng
Ở Việt Nam, đổi ngoại tệ diễn ra phổ biến ở các tiệm vàng hơn là các ngân hàng

Các phản ứng ban đầu trên các diễn đàn có nền tảng là Facebook cho thấy nhiều người “chúc mừng” chủ tiệm vàng và bày tỏ cách nhìn nhận giống quan điểm của luật sư Hướng.

Một số người đưa ra các nhận xét vẫn đầy hoài nghi hoặc thiếu tích cực nhắm đến chính quyền Cần Thơ, với các lời bình như “tổ chức cướp bất thành” hay “nuốt không trôi phải nhả ra”.

Một số người khác đặt vấn đề rằng cần làm rõ việc tịch thu tài sản của dân có được thực hiện đúng luật không; nếu sai luật, những quan chức đề xuất sai và ký lệnh sai “phải bị xử lý kỷ luật”.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây về vụ việc này, một luật sư khác, ông Trần Thu Nam, đã phân tích với VOA về những điều bất hợp lý rõ rệt trong quy trình phát hiện, xử phạt và thu giữ tài sản tại tiệm vàng Thảo Lực.

Thứ nhất, công an phát hiện việc ông Rê mang đô la đến đổi tại tiệm vàng vào ngày 30/1, nhưng phải đến hơn 7 tháng sau công an mới lập biên bản vi phạm hành chính, như vậy là trái luật về vi phạm hành chính.

Thứ hai, luật sư Nam chỉ ra rằng sau khi công an ập vào bắt quả tang hành vi đổi tiền, họ đã tiến hành khám xét tiệm vàng ngay với một lệnh khám nhà đã được ký trước 6 ngày và có dấu hiệu cho ghi khống ngày thực hiện. Ông Nam gọi đó là “quyết định khám xét không hợp lệ”.

Thứ ba, cái gọi là “tang vật” gồm 20 viên kim cương và rất nhiều đá trang sức khác thực chất là tài sản riêng của chủ tiệm vàng, theo luật sư Nam, nên lẽ ra ngay từ đầu công an đã không được phép tịch thu.

Vụ việc ở Cần Thơ đã gây chú ý tới tận quốc hội và chính phủ. Hôm 30/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu rằng Bộ Công an phải khám nhà đúng luật và phải thực hiện đúng thời gian phạt hành chính. “Đừng để 6 tháng, 9 tháng sau mới đưa ra quyết định”, bà nói.

Trước đó hai ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước “nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý” của mức tiền phạt lên đến tổng cộng 270 triệu đồng đối với ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực.

Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói với báo chí hôm 26/10 rằng cơ quan của ông “đang có kế hoạch” sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong năm nay.

Luật sư Hoàng Văn Hướng nói với VOA hôm 6/11 rằng ông hoan nghênh thông điệp từ Thống đốc Lê Minh Hưng.

Luật sư nói thêm rằng phía Ngân hàng Nhà nước nói riêng và phía chính quyền nói chung “cần rút ra bài học” là khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một ngành, một lĩnh vực nào đó, rất cần “có nội dung bám sát xã hội” và quan trọng là “phải có sự phản biện, lắng nghe, cầu thị, không áp đặt”.

Nguồn: VOA

Bài Khác