Lời tự sự của những cô dâu Việt chồng Hàn

Lời tự sự của những cô dâu Việt chồng Hàn

  • 6 tháng 10 2017
Huỳnh Thị Thái Mười, 23 tuổi, cùng người chồng Hàn Quốc mà cô chỉ mới gặp vài ngày trước khi kết hôn
Image captionHuỳnh Thị Thái Mười, 23 tuổi, cùng người chồng Hàn Quốc mà cô chỉ mới gặp vài ngày trước khi kết hôn

Theo số liệu chính thức của Việt Nam, tính đến tháng 6/2016, Việt Nam có hơn 81.000 người (trong đó nữ giới chiếm 92%) kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia.

Trong đó trên 78% tập trung tại TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Một bài báo hôm 3/10 của hãng tin AFP, viết từ Cần Thơ, dẫn trường hợp cô Huỳnh Thị Thái Mười rời vùng thôn quê miền Tây Việt Nam để bắt đầu cuộc sống ở Hàn Quốc với một người đàn ông mà cô hầu như không quen biết.

Không thể nói được tiếng Hàn, còn người chồng mới thì gần gấp đôi tuổi, và cô cũng biết rất ít về ngôi nhà mới của mình, nhưng người phụ nữ 23 tuổi chưa học hết trung học này nói cô đang tìm kiếm tình yêu – và một sự khởi đầu mới.

“Tôi muốn có một cuộc sống mới, tôi muốn thách thức bản thân mình và xem liệu tôi có thể vượt qua được hay không”, Mười nói với cặp má mũm mĩm lấm tấm mụn trứng cá khiến cô trông trẻ hơn tuổi thật.

Mười được mai mối cho một người đàn ông độc thân 43 tuổi tên Kim Kyeong Bok, qua một người họ hàng, cũng kết hôn với một người Hàn Quốc.

Kyeong Bok và Mười cưới nhau chỉ sau vài ngày gặp mặt.

Mười là một trong số khoảng 40.000 cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc, một điểm đến hàng đầu cho những phụ nữ tìm kiếm tình yêu và mong muốn thoát nghèo.

Nhiều người không biết gì nhiều về Hàn Quốc ngoài các ban nhạc K-pop hay các bộ phim truyền hình dài tập và thường kết hôn với những người lạ mà họ quen biết qua mạng.

Nhưng đối với Mười, cuộc sống mới của cô ở thành phố Gwangju với người chồng mới của cô, còn hơn cả những gì cô mong đợi.

“Chồng tôi thực sự yêu tôi, nhiều hơn tôi mong đợi,” Mười nói.

Nhưng cô Mười là một trong những người may mắn.

Nhiều phụ nữ Việt Nam khác thì có một cuộc sống không giống như những gì họ mơ ước: hàng ngàn người ly dị, trở về Việt Nam và không hạnh phúc.

Ông Youn Sim Kim, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc về Chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc (KOCUN), một tổ chức phi chính phủ ở Cần Thơ, nơi có rất nhiều cô dâu người Việt, nói: “Nhiều người phụ nữ không biết nhiều về người chồng tương lai của mình hay việc di cư và sinh sống tại Hàn Quốc sẽ như thế nào.”

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, một trong năm cặp vợ chồng Việt – Hàn đã nộp đơn ly hôn vào năm 2015.

“Tôi nghĩ cuộc sống sẽ ổn thoả như ở Việt Nam, có lẽ sự khác biệt duy nhất là đồ ăn”, Lê Thị Thế, một phụ nữ đã ly dị và hiện đang sống tại Cần Thơ cho biết.

Giai đoạn tuần trăng mật ngọt ngào đột ngột kết thúc chỉ vài ngày sau khi cô phát hiện ra chồng mình không phải là người đàn ông mà cô đã nghĩ.

“Tôi nói tôi muốn về nhà và anh ta nổi giận với tôi, anh ta ném tất cả đồ đạc của tôi ra khỏi nhà”, cô Thế nói.

Hầu hết các cô dâu Việt thường định cư ở vùng nông thôn Hàn Quốc, một viễn cảnh ít hấp dẫn hơn đối với phụ nữ Hàn Quốc, những người muốn chen chân vào đô thị để theo đuổi sự nghiệp. Và ngày càng có xu hướng cho rằng hôn nhân không phải là một điều bắt buộc.

“Ở một số khu vực, có sự mất cân bằng về giới tính, khi nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ các vùng nông thôn di cư đến các trung tâm đô thị, gây ra một sự thâm hụt,” Paul Priest, người đứng đầu văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế ở Việt Nam.

Mất tất cả

Đối với những người trở về Việt Nam, việc ly hôn của họ không được công nhận hợp pháp và con cái sinh ra ở Hàn Quốc của họ không đủ điều kiện vào học tại các trường học địa phương.

Nguyễn Thị Kim HÂn cùng hai con gái ở Cần Thơ
Image captionNguyễn Thị Kim Hân cùng hai con gái ở Cần Thơ

Người mẹ hai con Nguyễn Thị Kim Hân đã kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc hồi 2007 để giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng người chồng lại là một người nghiện cờ bạc, và đã lấy hết tài sản của gia đình – những hai lần.

“Đầu tiên anh ấy rất tử tế, chúng tôi không có nhiều tiền nhưng điều đó không quan trọng”, cô thổn thức nói với AFP.

Nhưng sau đó, cô phát hiện ra anh đã làm mất hết tiền trên sàn chứng khoán.

“Không một đồng xu nào còn lại … Tôi đã rất sốc”, cô nói.

Sau khi lần thứ hai, cô đưa hai con gái về Việt Nam, nhưng lại không thể cho con nhập học, và cuối cùng phải nhờ đến sự giúp đỡ của KOCUN.

Được thành lập năm 2011, trung tâm chuyên giúp đỡ các cô dâu Việt sống tại Hàn Quốc, dạy họ về khí hậu và văn hoá, ngôn ngữ và thực phẩm địa phương, đồng thời hỗ trợ người hồi hương.

Hầu hết các cặp vợ chồng gặp nhau qua các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Việt Nam, vốn tai tiếng với các buổi tuyển chọn cô dâu trong phòng kín.

Nhưng theo AFP, lực lượng chức năng ở Việt Nam đang đánh mạnh tay vào các đường dây này, và chính phủ Hàn Quốc cũng đã thắt chặt các quy định về thị thực, vì vậy các cuộc hôn nhân nước ngoài như vậy bắt đầu giảm.

Hồi tháng Bảy, gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, Thủ tướng Việt Nam đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hỗ trợ cho các cô dâu Việt Nam hòa nhập tốt hơn vào xã hội Hàn Quốc.

Trang web chính phủ Việt Nam nói ông Moon Jae-in nhấn mạnh Hàn Quốc “sẽ nỗ lực chăm lo hơn nữa cho đời sống của các phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc để hội nhập dễ dàng hơn vào xã hội sở tại”.

Bài Khác