Lo sợ về một Phán quyết thứ hai của PCA bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, TQ lại ra các tuyên bố bạo miệng, phi lý

Lo sợ về một Phán quyết thứ hai của PCA bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, TQ lại ra các tuyên bố bạo miệng, phi lý

Ngày đăng 14-11-2019

Phản ứng trước việc tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra ở Hà Nội hôm 6/11 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và khởi kiện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng.

Khởi kiện lên toà trọng tài quốc tế là quyền chính đáng và hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào

Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 7/11, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định Việt Nam sẵn sàng giải quyết các bất đồng ở Biển Đông bằng mọi biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Ngô Tòan Thắng nhấn mạnh rằng “Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”. Trước đó, bà Lê Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trả lời tương tự đối với câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra ở Hà Nội hôm 6/11, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết, hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung. Theo ông Trung, trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới, các nước không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở vùng biển của Việt Nam. “Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế,” ông Trung nói. Thứ trưởng Lê Hoài Trung liệt kê các giải pháp chọn lựa của Việt Nam: “Chúng tôi biết rằng, các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện tụng. Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này,” Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói. Theo Thứ trưởng, các bài học kinh nghiệm khác có thể áp dụng ở Biển Đông là các quốc gia cần có ý chí chính trị thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, đặc biệt là trong các vấn đề bảo đảm hoà bình; các nước cần có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, như UNCLOS.

Các tòa án quốc tế là các cơ quan tài phán thường trực các nước có thể vận dụng gồm các thẩm phán được các quốc gia lựa chọn, xét xử với tư cách cá nhân và theo nhiệm kỳ. Hiện nay có một số tòa án quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ), Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR), Tòa án Nhân Quyền Liên Mỹ (IACHR), Tòa án Nhân quyền Châu Phi (ACHPR). Các tòa án này có thể phân loại theo thẩm quyền nội dung (tất cả vấn đề pháp lý: ICJ, ECJ; chuyên ngành: ITLOS về luật biển, ICC về luật hình sự, ECtHR, IACHR và ACHPR về nhân quyền) và theo thẩm quyền lãnh thổ (phổ quát: ICJ, ITLOS, ICC; khu vực: ECJ, ECtHR ở châu Âu, IACHR ở châu Mỹ, ACHPR ở châu Phi). Một số tòa án đặc biệt không thường trực như các tòa án hình sự do Hội đồng Bảo an thành lập như Tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ (ICTY) và Tòa Hình sự Quốc tế cho Rwanda (ICTR). Phần dưới đây chỉ tập trung vào hai tòa án có ý nghĩa nhất với Việt Nam hiện nay, Tòa ICJ và Tòa ITLOS.

Phản ứng thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật quốc tế và tham vọng ảnh hưởng của Bắc Kinh

Ngày 8/11, phát biểu trong buổi hợp báo thường kỳ, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc hy vọng Việt Nam đối diện với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận cao giữa hai nước là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, tránh những hành động có thể dẫn đến làm phức tạp tình hình gây ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông cũng như các mối quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng Việt Nam và các nước đã chiếm đóng trái phép các hòn đảo của nước này ở Biển Đông và đổ trách nhiệm cho các nước đang gây phức tạp tình hình, không có lợi cho hoà bình, hợp tác khu vực.

Trước đó cũng trong buổi hợp báo thường kỳ tháng 9 và tháng 10, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng ngang nhiên nói rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa. “Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan’an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC), và các điều khoản liên quan trong UNCLOS. Việt Nam nên ngay lập tức dừng các hoạt động vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh tại vùng nước liên quan”, ông Cảnh Sảng phát biểu trước các phóng viên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc trong vùng nước này là hoàn toàn hợp pháp và không thể tranh cãi. Đồng thời kêu gọi Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động thiết thực.

Phán quyết của PCA hồi tháng 7/2016 đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của TQ ở Biển Đông

Vụ kiện trọng tài này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm Công ước. Phù hợp các giới hạn của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Toà Trọng tài đã nhấn mạnh Toà không phán quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố ‘nước này không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Philippines đơn phương khởi xướng. Tuy nhiên, Phụ lục VII quy định rằng “việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng”.

Về quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”, Toà Trọng tài kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Về quy chế của các cấu trúc, Toà Trọng tài kết luận các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy. Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý không. Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác.

Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc. Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. Toà kết luận rằng việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác. Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có.

Về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc, Toà kết luận rằng các vùng nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Toà cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Toà cũng khẳng định các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo của Trung Quốc trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa gần đây và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Cuối cùng, Toà kết luận rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.

Bài Khác