Lê Đức Anh – Người nối lại “hữu hảo Việt Trung” và “kiên định chủ nghĩa xã hội”

FB LS TRẦN ĐÌNH THU –

Ông Lê Đức Anh – Người đóng vai nối lại “hữu hảo Việt Trung” và “kiên định chủ nghĩa xã hội” đưa đất nước vào mớ rối bòng bong

.

Cuộc gặp giữa 2 ông Giang Trạch Dân và Lê Đức Anh năm 1991

Năm 1989, khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, một niềm hứng khởi lan rộng trong xã hội Việt Nam, kể cả nhiều người trong đảng. Người ta đoán già đoán non về một nền dân chủ sẽ khai mở ở Việt Nam, khấp khởi về một thời kỳ mới để đất nước phát triển.

Nhưng chờ mãi chờ mãi mà chẳng thấy tăm hơi gì.

Không ai biết lý do vì sao lại như vậy.

Những tiết lộ sau đây đăng trên VietNamNet cho thấy người “có công kiến tạo” ấy chính là ông Lê Đức Anh, là Ủy viên thường trực Bộ chính trị, là đại tướng, đương kim Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam khi ấy.

Thật ra với những thời khắc lịch sử nhất định, vai trò của cá nhân có thể quyết định số phận dân tộc. Với một vị trí như ông Lê Đức Anh, ông hoàn toàn có thể làm thay đổi con đường đi của đất nước. Nhưng tiếc là Việt Nam không có phúc phần sinh ra được những con người có bản lĩnh và vì dân tộc như ông Yelsin của nước Nga.

Ở đây cũng xin nói rõ là không phải Việt Nam khi ấy phụ thuộc vào Trung quốc để phải theo Trung quốc. Vào trước chuyến đi của ông Lê Đức Anh qua Trung quốc vào năm 1991, Việt Nam đã hoàn toàn cắt đứt ngoại giao với Trung quốc.

Về nỗi sợ Trung quốc, cũng không phải tất cả các lãnh đạo Việt Nam đều sợ Trung quốc như sợ cọp. Chính ông Lê Duẩn đã phá tan truyền thống quan hệ “hữu hảo” với Trung quốc trước đó bằng hành động anh hùng là tuyên chiến với Trung quốc vào năm 1979, sau đó cắt đứt ngoại giao hoàn toàn với nước này cho tới khi ông Lê Đức Anh nối lại vào năm 1991.

Ở Trung quốc, vào năm 1991, sau thời kỳ đẫm máu Thiên An Môn, Giang Trạch Dân đã giành được ghế Tổng bí thư Trung quốc kiêm chủ tịch và nắm luôn Quân ủy trung ương Trung quốc sau khi đã hạ bệ xong nhà cải cách Triệu Tử Dương, nguyên Tổng bí thư Trung quốc, người ủng hộ mạnh mẽ nền dân chủ Trung quốc.

Ông Giang Trạch Dân đã mời ông Lê Đức Anh trong vai trò Ủy viên thường trực Bộ chính trị kiêm Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam qua Trung quốc để đặt 2 vấn đề, một là nối lại quan hệ với Trung quốc, hai là cùng nhau “kiên định CNXH” trước làn sóng sụp đổ của CNXH trên toàn thế giới.

Dĩ nhiên là ông Lê Đức Anh đồng ý hoàn toàn 2 vấn đề ấy. Và qua năm 1992, ông Lê Đức Anh nắm Chủ tịch nước Việt Nam.

Chúng ta trở lại với các ông Gorbachov của Liên Xô, ông Yelsin của nước Nga, ông Hồ Diệu Bang và ông Triệu Tử Dương của Trung quốc. Những ông này đều là những những người quyền cao chức trọng nhưng vào những bước ngoặt lịch sử của dân tộc họ, họ không ngần ngại hy sinh cho đất nước họ. Tiếc là 2 ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương không gặp may mắn như ông Gorbachov và ông Yelsin.

Một câu hỏi đặt ra, ông Lê Đức Anh có thể tiếp tục đưa Việt Nam thoát hoàn toàn tầm ảnh hưởng của Trung quốc được không? Tôi trả lời là có.

Câu hỏi thứ hai, ông Lê Đức Anh có thể vừa đưa Việt Nam trở thành một nước dân chủ, vừa có thể nắm giữ chức vụ tối cao trong tư cách nguyên thủ của một nước dân chủ từ năm 1991 đến năm 1997, đúng với thời kỳ ông làm chủ tịch một nước Việt Nam XHCN được không? Tôi trả lời là có.

Câu hỏi thứ ba, ông Lê Đức Anh làm 2 điều trên có hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam khi ấy hay không? Tôi trả lời là có.

Nhưng ông ấy đã không làm như vậy.

Ông ấy chọn đã con đường nối lại hữu hảo với Trung quốc, gạt ra ngoài một người cấp tiến là ông Võ Văn Kiệt, ủng hộ đưa một người bảo thủ khác là ông Đỗ Mười lên nắm tổng bí thư, cùng nhau đưa Việt Nam lún sâu vào vòng kềm tỏa của Trung quốc và mớ bòng bong “định hướng XHCN” (hôm nay tôi hy vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người yêu nước đưa Việt Nam ra khỏi Trung quốc và mớ bòng bong ấy).

Sau đây là những đoạn trích hồi ký của ông Lê Đức Anh vừa được VietNamNet đưa lên:

“…Cuối tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử tôi làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Cùng đi với tôi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương”.


“Cuộc hội kiến chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991, phía Trung Quốc do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn”.


“Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hóa quan hệ để ổn định và phát triển.”

“Tôi đứng lên nói:
– Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí Tổng bí thư – Chủ tịch nước. Tôi biết đồng chí rất bận, nhưng vẫn dành thì giờ tiếp chúng tôi. Cảm ơn đồng chí. Chúng tôi rất phấn khởi thấy được thành tựu 10 năm cải cách của các đồng chí. Điều đó cổ vũ rất lớn đối với Đảng và nhân dân Việt Nam chúng tôi. Về công việc, chúng tôi đã thông báo kết quả Đại hội 7. Hôm qua, tôi đã nêu tất cả những ý này với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Hôm nay, gặp đồng chí Tổng bí thư, xin đề nghị đồng chí cho ý kiến về việc đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc sẽ được thực hiện trong năm 1991 này.

Từ nay đến khi có cuộc gặp cấp cao đó, đề nghị đồng chí Tổng bí thư chỉ đạo các ban gặp nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết, chúng tôi mời đoàn Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang làm việc với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đề nghị các đoàn thể, các hội hữu nghị Việt – Trung và Trung – Việt trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tôi có mấy ý kiến như thế, mong đồng chí cho ý kiến.

Đồng chí Giang Trạch Dân nói:

– Hôm qua tôi đã đọc thư đồng chí Đỗ Mười gửi cho chúng tôi. Hôm nay tôi xin nói thẳng thắn. Sáng nay tôi gặp đồng chí Lý Bằng, đồng chí Kiều Thạch và nhiều đồng chí ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, chúng tôi đã bàn với nhau và chúng tôi hoan nghênh đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc năm nay. Tôi rất đồng ý với ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, các cơ quan của hai Đảng qua lại trao đổi ý kiến với nhau. Ban Đối ngoại Trung Quốc sang thăm Việt Nam trước. Hôm qua đồng chí Lý Bằng đã trao đổi ý kiến với các đồng chí rất tốt. Ý kiến chúng ta nhất trí với nhau. Tình hình thế giới bây giờ rất phức tạp. Tôi biết đồng chí Lê Đức Anh hiểu biết hơn tôi về quân sự. Đồng chí là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi là Chủ tịch Quân ủy Trung ương… Tôi giữ chức Tổng bí thư từ ngày 24/6/1989, từ đó đến nay, tôi không ngờ tình hình Đông Âu biến động và Liên Xô rối ren đến như vậy.

Chúng ta là những người cộng sản, phải thực sự cầu thị. Hiện nay chủ nghĩa xã hội đang thoái trào. Tình hình ngày nay khác tình hình khi nước chúng tôi giải phóng và khi nước các đồng chí được giải phóng. Nhưng chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi. Chúng ta phải thấy đây là quá trình đấu tranh hết sức gian khổ. Cho nên chúng ta là hai nước láng giềng, hai Đảng Cộng sản cầm quyền, không có lý do gì không xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo với nhau.

Từ sự đột biến ở Đông Âu và qua 25 tháng tôi công tác ở Trung ương, tôi nhận thức được rằng kiên trì chủ nghĩa xã hội là rất quan trọng. Các nước phương Tây lúc nào cũng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội khỏi trái đất này. Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh đổ chính quyền Quốc dân Đảng, giành chính quyền. Chúng tôi xây dựng đất nước, không bao lâu, chúng tôi phải chống Mỹ viện Triều. Cho nên phương Tây, nhất là Mỹ qua hai lần đọ sức bằng phương thức chiến tranh, chúng không xóa được chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Họ dùng biện pháp “diễn biến hòa bình” của Ngoại trưởng Mỹ Dulles, để đối phó với chủ nghĩa xã hội, đối phó với bức màn sắt – như Nixon đã viết cuốn 1999 – chiến thắng không cần chiến tranh…

Đối với âm mưu lật đổ, chúng có pháp bảo: dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng Cộng sản. Chúng tôi rất cảnh giác chế độ đa đảng. Về mặt này chúng tôi kiên quyết chống hoạt động đa đảng. Quả thật như thế, Yeltsin vừa lên làm Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga liền thủ tiêu các cơ sở đảng ở cơ quan, xí nghiệp. Yeltsin đã từng là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nghe tin này, như người Trung Quốc nói “Xúc mục kinh tâm” – Những điều trông thấy khiến ta giật mình. Hiện nay các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện “diễn biến hòa bình”. Mỗi năm chúng tôi triệu tập đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc một lần. Tôi đã dự hội nghị đó hai lần. Quan điểm của tôi là, đại hội đại biểu nhân dân là của dân, không đi theo con đường nghị viện kiểu phương Tây. Chúng tôi cũng có tám đảng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không cho phép có đảng đối lập… Chúng tôi bây giờ hết sức cảnh giác với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền. Điều đáng sợ không phải là có tồn tại hay không tồn tại vấn đề đó mà là ở chỗ Đảng có kiên quyết chống tư tưởng đó, có cảnh giác với âm mưu đó hay không. Nếu biết cảnh giác, có biện pháp, thì không sợ gì cả…

Tôi nhận thức được quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là cây súng, hình thái ý thức là cây bút. Với tư cách quân đội, đồng chí Lê Đức Anh lâu năm hơn tôi. Tôi vừa đi hơn 20 tỉnh và thành phố trong tổng số 30 tỉnh, thành. Tôi đã đi 18 quân khu. Trước đây tôi chưa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau khi được bầu tôi thường xuyên đi thăm các quân khu. Đồng chí Lê Đức Anh hiểu tầm quan trọng của cây súng hơn tôi. Cây bút cũng rất quan trọng.

Về tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến phương pháp tuyên truyền. Mục đích của tuyên truyền là đi sâu vào lòng người. Nếu ta chỉ theo cách cũ cứng nhắc là không được. Tuyên truyền phải sống động, hoạt bát, không thế sẽ không có kết quả tốt. Về phương thức, về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Hiện nay ti vi rất phổ biến ở thành phố. Hằng ngày dân chúng cứ nghe, nhìn, rồi qua tai, mắt, nếu chúng ta không có năng lực phân tích thì dân chúng sẽ hấp thụ những điều dở…

Chúng ta chống tư sản không chỉ chống văn hóa màu vàng. Phải chống cả tự do hóa tư sản. Đứng về góc độ phiên dịch chắc khó diễn đạt hết hàm ý của nội dung này. Nội dung chống này bao gồm việc chống lại tất cả những tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội, chống những sự thối tha đồi trụy của tư sản.

Còn đối với những kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản chúng ta lại phải học tập. Chúng tôi có chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật… Trên đây tôi đã giới thiệu tóm tắt nhận thức của cá nhân. Tôi tin rằng chuyến đi thăm của đồng chí thúc đẩy việc tiến tới bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước. Qua đồng chí, xin gửi lời thăm tốt đẹp tới đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí. Hôm nay là bước mở đầu tốt đẹp của chúng ta.

Cuộc đàm đạo được nối tiếp trong buổi chiêu đãi ngay tối hôm đó tại Trung Nam Hải. Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếp:

– Fucik (Phu xích) viết trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ có một câu nói tôi mãi mãi không quên: “Nhân dân ơi! Tôi yêu nhân dân, nhưng nhân dân đừng quên cảnh giác!”. Ý này rất hay, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Tôi hiểu rằng kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Anh rất phong phú. Các nước phương Tây bắt đầu tính toán đến vấn đề rất nghiêm trọng đối với chúng ta là vấn đề giáo dục thanh niên. Thanh niên dễ tiếp thu văn minh phương Tây. Tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của phương Tây, chúng ta không phản đối. Tôi thường xuyên có quan điểm tiếp thu những văn hóa ưu tú phương Tây. Nhưng phải làm cho thanh niên thấy nhân dân ta đã từng bị áp bức của các cường quốc…

Bắt đầu từ năm nay, chương trình giáo dục cấp I của chúng tôi có phần giáo dục tình hình đất nước, có phần lịch sử cận đại, vì thế hệ chúng tôi sớm muộn cũng đi gặp Các Mác, nên chính quyền sau này rơi vào tay ai không thể không suy nghĩ. Tôi xin nói thẳng với đồng chí và nói nhiều vì lần đầu gặp đồng chí nhưng cảm thấy như người bạn lâu năm.

Tôi nói:

– Khi ở chiến trường, tôi thấy rõ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên có cả Liên Xô. Sự giúp đỡ của Trung Quốc cụ thể, thiết thực như: súng B40, lương khô, mũ cối, giày, dép, quần áo, thuốc xoa chống muỗi, chống vắt, v.v., rồi giúp cả tiền chuyển vào chiến trường để mua gạo… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí đã viện trợ toàn diện cho Việt Nam.

– Đó là việc cần làm – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

– Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được – Tôi nói.

– Tôi nghe thông báo về Đại hội 7, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

– Về quốc tế, đồng chí nói gọn, đủ, tôi rất phấn khởi trước lập trường quan điểm của đồng chí, điều đó làm tăng niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa đối với chúng tôi. Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế – Tôi nói.

– Quan hệ quốc tế với quốc gia, chúng tôi theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình, mấu chốt nhất là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Còn giải quyết quan hệ Đảng với Đảng, chúng tôi theo bốn nguyên tắc, mấu chốt cũng là không can thiệp vào nội bộ nhau. Người ta ai cũng mong muốn người trong họ hàng của mình tốt lên. Láng giềng cũng muốn láng giềng của mình tốt hơn. Như tôi đã nói, trước tình hình quốc tế hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang thoái trào, những nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền không còn bao nhiêu, nên tôi hết sức tán thưởng đường lối Đại hội 7 của Việt Nam… Đối với chúng ta phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng. Trong kinh tế, sở hữu nhiều thành phần nhưng phải lấy công hữu làm cơ sở. Đó là những điều tâm huyết của tôi. Lần đầu tiên được gặp đồng chí, tôi rất thú vị – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

– Lần đầu tiên được gặp đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình. Những lời từ đáy lòng đồng chí nói ra được thể hiện cụ thể ở những nơi tôi đến tham quan: xã Tứ Quý Thanh, công ty gang thép Thủ Đô,… – Tôi nói.

– Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi – Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

– Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hạn chế trong phạm vi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia – Tôi khiêm tốn nói.

Đồng chí Giang Trạch Dân cười, vui vẻ nói:

– Trung Quốc có câu nói “Con chim chích tuy nhỏ, nhưng gan mật đều có”. Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt… Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.

Tối hôm nay, tôi rất phấn khởi được làm quen và được tâm sự nhiều với đồng chí, một lần lạ, lần sau quen. Chuyến đi của đồng chí là một chuyến đi tốt, “bon voyage” – Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếng Pháp.

Chúng tôi trở về Việt Nam. Ngày 3/8/1991, tại cuộc họp Bộ Chính trị, sau khi tôi báo cáo kết quả chuyến đi Trung Quốc, các thành viên dự họp phát biểu sôi nổi và thống nhất đánh giá chuyến đi đạt kết quả tốt và nhất trí mấy việc cần làm là:

– Thông báo kết quả chuyến đi này với Lào và Campuchia. Thông báo về chuyến đi trong nội bộ Đảng và báo cáo với Quốc hội.

– Triển khai các công việc cần thiết trước mắt, nhất là các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Thủ tướng Chính phủ để xúc tiến các bước trong tiến trình thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt – Trung.

Tiếp đó là những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy.

Tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5 đến 10. Sau lễ đón tiếp và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Trung – Việt trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký kết quan hệ bình thường giữa hai Đảng, mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn 10 năm trắc trở”.

Trên đây là đoạn trích hồi ký ông Lê Đức Anh trên VietNamNet. Tôi không có trong tay cuốn hồi ký này nên không biết những chi tiết khác trước khi ông ấy đi gặp ông Giang Trạch Dân thế nào, nhưng đến đây đủ giải tỏa băn khoăn của tôi bao nhiêu năm nay là vì sao Việt Nam không nằm trong tiến trình dân chủ Liên Xô và Đông Âu.

Cũng qua đoạn hồi ký này, tôi cũng tin tưởng thêm chỉ thị của ông Lê Đức Anh trong vụ Gạc Ma là “không nổ súng” chứ không phải là “không nổ súng trước”.

Nguồn: FB Trần Đình Thu

Bài Khác