Hong Kong: Biểu tình kéo dài ảnh hưởng xấu tới Burberry và Cathay Pacific

Hong Kong: Biểu tình kéo dài ảnh hưởng xấu tới Burberry và Cathay Pacific

Hong Kong protestors outside a Burberry store
Image captionBurberry nói doanh thu đã giảm ở mức “hai con số” theo phần trăm ở Hong Kong

Hai công ty có hoạt động kinh doanh mạnh ở Hong Kong vừa tiết lộ hậu quả tài chính do kết quả của các cuộc biểu tình bạo lực tại đây.

Hãng thời trang xa xỉ Burberry cho biết doanh số ở Hong Kong đã giảm mạnh và sẽ “tiếp tục chịu sức ép”.

Hãng hàng không Cathay Pacific nói tình hình bất ổn dân sự đã “gây thách thức lớn, ảnh hưởng trầm trọng đến nhu cầu và vận hành kinh doanh” của hãng.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở Hong Kong hơn 5 tháng nay và làm chấn động đến thị trường chứng khoán.

Bảo vệ nhân viên

Burberry cho biết doanh thu đã giảm ở mức “hai con số” theo phần trăm ở Hong Kong – nơi hãng có 10 cửa hàng và thường đóng góp 8% doanh số của hãng.

Trong quý trước, doanh số ở Hong Kong chỉ chiếm 5% doanh số toàn cầu của Burberry và giám đốc tài chính Julie Brown của hãng nói tập đoàn này đã buộc phải đóng cửa một số cửa hàng để giữ an toàn cho nhân viên, mặc dù chưa có cửa hàng nào bị đập phá.

Hãng cho biết tình hình đã làm các cửa hàng ở Hong Kong giảm giá trị 14 triệu bảng Anh.

Tuy vậy, tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn Burberry vẫn tăng 5% trong sáu tháng tính đến ngày 28/9. Marco Gobbetti, tổng giám đốc Burberry, nói kết quả này phù hợp với dự đoán lợi nhuận hồi đầu năm cho dù hãng gặp khó khăn ở Hong Kong, và giá cổ phiếu của hãng do đó cũng tăng 5%.

Hong Kong protesters
Image captionCác cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong bắt đầu 5 tháng trước

Cathay Pacific – hãng hàng không mà công ty đầu tư Swire là chủ sở hữu chính, còn Air China có 30% cổ phần – cho biết triển vọng ngắn hạn vẫn tiếp tục “gặp nhiều thách thức và không chắc chắn”.

Hãng hàng không chính của Hong Kong đã giảm dự đoán lợi nhuận lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng.

“Số người đặt vé trong tương lai vẫn tiếp tục yếu và không chắc chắn,” hãng hàng không cho biết, với lượng hành khách giảm “một cách đáng kể”, nhất là trên những chuyến bay từ Trung Quốc lục địa tới Hong Kong.

Hãng này đã thay lãnh đạo cao cấp hồi tháng Tám khi vị giám đốc lúc đó, ông Rupert Hogg, từ chức sau khi hãng dính líu vào tranh cãi liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Hong.

Lúc đầu, Cathay Pacific thông báo cho nhân viên hãng sẽ không ngăn họ tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, nhưng vài ngày sau, ông Hogg cảnh báo họ có thể bị đuổi việc nếu họ “ủng hộ hay tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp.”

Cathay Pacific planes

Trong bài trình bày về kết quả kinh doanh hôm thứ Năm 14/11, Cathay Pacific nói lượng hành khách bay tới Hong Kong giảm 28% trong tháng Tám và tháng Chín, và giảm 35% trong tháng Mười. Hãng nói thêm họ sẽ giảm công suất bay xuống 6% đến 7% trong những tháng tới.

Hãng cũng hoãn kế hoạch nhận bốn chiếc Airbus SE thân hẹp vào 2020 do nhu cầu đặt vé giảm sút.

Luya You, một nhà phân tích từ tập đoàn Bocom International, người tham dự cuộc họp cho các nhà phân tích, nói với Reuters rằng ban quản trị “không loại trừ khả năng có các biện pháp mạnh hơn – ngừng bay, cắt các hợp đồng thuê máy bay, hủy hợp đồng – nếu tình hình ở Hong Kong xấu đi và kéo dài hơn nhiều so với trông đợi”.

Tất cả các trường học Hong Kong đóng cửa hôm thứ Năm 14/11, khi vùng lãnh thổ này đối mặt với một ngày bạo loạn leo thang.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu, phản đối dự luật chống dẫn độ về Trung Quốc đại lục, điều mà nhiều người lo sợ sẽ hủy hoại các quyền tự do của Hong Kong.

Bài Khác